Nghiên cứu được công bố lần đầu trên tạp chí Nature hôm 31/8 cho biết đây là hài cốt khủng long tên Mbiresaurus raathi, chỉ cao hơn 1 m, cổ dài và có cân nặng lên đến 30 kg.
"Nó đi bằng hai chân và có đầu tương đối nhỏ", Christopher Griffin, nhà khoa học tham gia vào quá trình khai quật, nói với AFP hôm 1/9.
Giới khoa học cho rằng đây là là loài sauropodomorph, họ hàng với loài khủng long cổ dài, đi bằng bốn chân - sauropod.
"Tôi đã đào được bộ xương đùi, và ngay thời điểm đó, tôi biết đó là xương khủng long và tôi đang giữ hóa thạch của loài khủng long lâu đời nhất châu Phi", ông Griffin nói.
Ảnh phát thảo khủng long Mbiresaurus raathi thuộc loài sauropodomorph. Ảnh: Andrey Atuchin. |
Giới khoa học đã có hai đợt khai quật vào năm 2017 và 2019 trước khi phát hiện hài cốt ở Zimbabwe. Trước đó, hóa thạch loài khủng long này từng được phát hiện ở Nam Mỹ và Ấn Độ.
Phát hiện này được cho là sẽ làm sáng tỏ hơn quá trình tiến hóa và di cư của các loài khủng long sơ khai, khi thế giới vào hơn 200 triệu năm trước vẫn còn là một lục địa lớn, và Zimbabwe ở cùng vĩ độ với Nam Mỹ hay Ấn Độ.
Khủng long Mbiresaurus raathi được đặt theo tên của quận Mbire ở Đông Bắc Zimbabwe, nơi hài cốt của loài này được phát hiện.
Các mẫu vật khác cũng được phát hiện và được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở thành phố Bulawayo, Zimbabwe.
"Thực tế là bộ xương Mbiresaurus đã gần như hoàn chỉnh, khiến nó trở thành tài liệu tham khảo hoàn hảo cho những phát hiện tiếp theo", người phụ trách bảo tàng Michel Zondo cho biết.