Ngày 9/9, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh, quyết định xử phạt hành chính 12 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Thanh Hà (do bà Nguyễn Thị Thanh Hòa làm chủ) vì hành vi kinh doanh bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trước đó, hôm 7/9, Đội QLTT số 1 đã phát hiện hộ kinh doanh này tàng trữ 1.524 bánh trung thu các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, bà Hòa không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ nào liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ cũng như tính hợp pháp của lô hàng bánh Trung thu.
Bản thân bà Hòa cũng đã thừa nhận hành vi vi phạm trên. Bên cạnh việc xử phạt hành chính, Đội QLTT số 1 đã lập biên bản, buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật.
Lô hàng bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ phát hiện ở Tây Ninh. Ảnh: QLTT số 1. |
Tại Gia Lai chiều ngày 8/9, sau khi kiểm tra đột xuất ôtô tải “luồng xanh” (có mã QR code) nhãn hiểu KIA mang biển kiểm soát số 81L-3345 do ông Vũ Châu Quốc Hoàn điều khiển, địa chỉ thường trú tại phường Yên Đỗ, TP Pleiku, Đội QLTT số 3 đã phát hiện và tạm giữ trên 3.000 bánh Trung thu.
Lô hàng trên được đóng gói trong 59 thùng, nặng tổng cộng 139 kg, bao gồm các loại như bánh trôi khô nhãn hiệu GANCHI TANGYUAN (64 kg), bánh ngọt nhân lòng đỏ trứng nhãn hiệu Aidebao (60 kg) và bánh nhãn hiệu JZYUKANG (15 kg).
Toàn bộ số hàng này là bánh Trung thu có ghi nhãn tiếng nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Ông Hoàn - chủ xe đồng thời là chủ lô hàng - thừa nhận mua số bánh này trôi nổi trên thị trường để vận xuất qua Campuchia (qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh) bán kiếm lời.
Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cận Tết Trung thu, nhiều đối tượng đang lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp để kinh doanh các sản phẩm bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc khi chứa các chất phụ gia không được phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép.
Các sản phẩm còn có thể chứa các chất độc hại, ô nhiễm hoặc làm từ thực phẩm bị hư hỏng, biến chất do thiếu điều kiện bảo quản.
Để bảo vệ quyền lợi khi mua sắm online, Cục khuyến cáo người dùng nên chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bao gồm đầy đủ tên nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản… Tránh mua các sản phẩm chất lượng kém, bao bì không nguyên vẹn, màu sắc khác thường.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi giao dịch mua hàng trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, đề phòng bị gian thương lợi dụng.