Người tìm thấy 3 thi thể - đã bị cháy đen - là một nhân viên bảo vệ. Đội pháp y đã mở một cuộc điều tra và khám nghiệm hiện trường, nhưng nguyên nhân cái chết vẫn chưa được làm rõ, AFP đưa tin.
Tình hình căng thẳng tại thủ đô Honiara của Solomon phần nào lắng xuống vào hôm 27/11. Nhiều ngày diễn ra bạo loạn đã khiến cả thành phố biến thành đống đổ nát. Các khu vực này chỉ còn lại mỗi khung sắt cháy đen, đường phố ngổn ngang những mảnh vụn.
Một số trạm xăng dầu, cửa hàng kinh doanh bắt đầu mở cửa trở lại. Người dân đã đổ xô đi mua các mặt hàng thiết yếu để dự trữ do lo ngại bạo lực bùng phát.
Một cuộc biểu tình nhỏ vào hôm 24/11 đã nhanh chóng biến thành bạo động. Nhiều người tại Honiara tham gia cùng nhóm chống chính phủ xông vào các cơ sở kinh doanh để lượm đồ ăn và bán.
Khung cảnh đổ nát tại các cửa hàng ở khu phố người Hoa hôm 26/11. Ảnh: AP. |
Lệnh giới nghiêm đã được áp dụng vào ban đêm tại Honiara sau 3 ngày đám đông tràn vào thủ đô và yêu cầu cách chức Thủ tướng Manasseh Sogavare. Bên cạnh đó, sự hiện diện của khoảng 150 binh lính gìn giữ hòa bình đến từ Australia và Papua New Guinea đã phần nào giúp hạ nhiệt căng thẳng.
Đại dịch Covid-19 đã khiến tình hình nền kinh tế Solomon, vốn đã không mấy khả quan, rơi vào khó khăn hơn nữa, gây ra nạn thất nghiệp và nghèo đói trên diện rộng. Nhiều người dân tại Solomon tin rằng chính phủ tham nhũng và dựa nhiều vào phía Trung Quốc cùng các thế lực nước ngoài khác.
Bên cạnh đó, quốc đảo này cũng phải chịu đựng những căng thẳng chính trị và sắc tộc âm ỉ trong nhiều thập niên.
Do đó, người dân đã trút sự tức giận vào chính phủ và Thủ tướng Sogavare khi họ tràn vào tòa nhà quốc hội, tư dinh thủ tướng, khiến cảnh sát buộc phải sử dụng hơi canh và đạn cao su để trấn áp. Họ cầm rìu và dao, phóng hỏa đồn cảnh sát và nhiều tòa nhà ở khu phố người Hoa.
Tính tới ngày 27/11, hơn 100 người đã bị bắt vì các hoạt động liên quan tới bạo lực.
Trong một bức thư gửi người đồng cấp Papua New Guinea James Marape, ông Sogavare nói rằng “một số phần tử nhất định” đã “cố gắng lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ” và kêu gọi sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình trong “khoảng thời gian 3-4 tuần".
Trong bài phát biểu trước quốc gia, ông Sogavare nhấn mạnh đất nước đã "quỳ gối" trước bạo loạn, đồng thời tuyên bố sẽ chống lại những lời kêu gọi ông từ chức.
Thủ tướng cũng khẳng định các cường quốc nước ngoài - những nước phản đối quyết định cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan để thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh năm 2019 của ông - đứng đằng sau cuộc bạo loạn lần này.