Chiều 14/10, ông Đoàn Sung - cố vấn công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đoàn Ánh Dương - cho hay UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đồng ý chủ trương cho doanh nghiệp và UBND huyện Lý Sơn phối hợp tìm biện pháp bảo vệ địa điểm nơi phát hiện dấu tích 2 con tàu bị đắm tại vùng biển Lý Sơn.
Cách đây 2 tuần, trong lần lặn biển dã ngoại, các chuyên gia khảo cổ của công Đoàn Ánh Dương đã phát hiện nhiều mảnh gốm, sứ xanh, trắng có hoa văn sắc nét, đẹp tại vùng biển đảo Bé, xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và dấu tích của 2 con tàu cổ bị đắm.
Các thợ lặn và chuyên gia khảo cổ đang tìm hiểu, khảo sát địa điểm nơi có dấu tích 2 con tàu cổ bị đắm. |
“Bước đầu chúng tôi xác định các mảnh gốm, sứ này có niên đại từ thế kỷ XV, XVI”, ông Đoàn Sung thông tin.
Ngoài ra, cách địa điểm này không xa các nhà khảo cổ còn tìm thấy 7 thanh đá vuông, dài khoảng 1,5 m và hàng chục thỏi đá tròn nằm rải rác. Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia, thì đây là đá Sa Thạch, có dấu vết gia công, chế tạo. Những thanh đá này có thể là nguyên vật liệu xây dựng của những thế kỷ trước.
Tính từ năm 1999 đến nay, Quảng Ngãi đã phát hiện 10 tàu cổ bị đắm trên vùng biển huyện Bình Sơn và đảo Lý Sơn. Các tàu cổ có niên đại từ thế kỷ VIII - XVIII; phân bố tập trung trong phạm vi 24 km2 và cách bờ biển từ 200 - 400m.
Cùng với hàng loạt các tàu cổ bị đắm, qua nhiều năm khảo sát, khai quật ở các vùng biển Quảng Ngãi, các nhà khoa học đã phát hiện khai quật 10 khẩu súng thần công, gần 1.000 đầu đạn thần công. Đặc biệt, Quảng Ngãi đã khai quật khoảng 10 nghìn cổ vật là gốm sứ, di vật, hiện vật có niên đại lịch sử khác nhau.
Cũng tại vùng biển Lý Sơn nhóm thợ lặn cùng một số nhà khảo cổ còn phát hiện vòm đá hình cầu vòng rất đẹp. Nhiều khả năng đây là dấu tích dung nham từ hoạt động phun trào núi lửa khi gặp nước biển đông cứng lại, tạo nên vòm đá kỳ vĩ này.
Vòm đá này có nhiều loài san hô đẹp sống ký sinh, cách mặt nước khoảng 6 m uốn cong hình vòng cung và kéo dài khoảng 20 m. Từ đáy biển lên đến đỉnh của mái vòm cao nhất khoảng 5 m.
Nhiều mảnh gốm, sành sứ men xanh, trắng có niên đại từ thế kỷ XV- XVI được tìm thấy tại biển Lý Sơn. |
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi đánh giá đây là kiệt tác thiên nhiên hiếm có, giống hệt di tích cổng tò vò trên cạn thuộc thôn Tây, xã An Vĩnh (đảo Lớn) nhưng chiều dài và kích cỡ của vòm đá này thì gấp đôi.
“Cùng với việc phát hiện các dấu tích tàu cổ bị đắm thì việc phát hiện vòm đá khổng lồ với các rạn san hô đẹp là cơ hội lớn để phát triển du lịch sinh thái gắn với lặn biển, khám phá đại dương ở đảo Lý Sơn”, ông Vũ nhấn mạnh.
Vòm đá hình cầu vồng giống di tích Cổng Tò Vò trên cạn được các thợ lặn tìm thấy sát bờ biển đảo Bé. |
Kết quả nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam cho thấy, huyện đảo Lý Sơn được hình thành do tàn tích của hoạt động phun trào của núi lửa cách nay từ 250 - 300 triệu năm. Hòn đảo tiền tiêu này có địa hình núi lửa chiếm 70% diện tích.
Trong đó có nhiều di tích được tạo ra từ hoạt động phun trào dung nham của núi lửa như Hang Câu, chùa Hang, chùa Đục, Cổng Tò Vò, dấu tích miệng núi lửa trên đỉnh núi Thới Lới, Giếng Tiền... có giá trị lớn để làm du lịch.
Bên cạnh những hang động, vòm đá kỳ thú trên bờ lẫn dưới biển, Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường gần đây cũng công bố huyện đảo Lý Sơn có hệ sinh thái phong phú gồm 700 loài động, thực vật với gần 140 loài rong biển, 160 loài san hô, hơn 300 loài cá rạn, 100 loài giáp xác và một số loài khác.