"Chúng tôi muốn lấy lại sự kiểm soát với chính sách nhập cư của chúng tôi", Thủ tướng Edouard Philippe phát biểu với các phóng viên khi công bố những biện pháp mới để siết chặt nhập cư, theo Reuters.
"Khi chúng tôi đồng ý thì có nghĩa là chúng tôi đồng ý, và khi chúng tôi nói không thì có nghĩa là không", ông Philippe cho biết. Thủ tướng Pháp là người được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm.
Động thái này được cho là bắt nguồn từ việc ông Macron đang tìm cách để gia tăng sự ủng hộ nhằm tái tranh cử tổng thống vào năm 2020. Các chỉ số thăm dò cho thấy đương kim tổng thống sẽ phải cạnh tranh gắt gao với ứng viên cực hữu Marine Le Pen, người rất tích cực chỉ trích ông Macron là quá mềm mỏng trong chính sách nhập cư.
Chính quyền trung dung của ông Macron tới nay đã cố gắng để kiềm chế sức ép của phe cánh hữu đối lập về quan điểm nhập cư, nhưng động thái này cho thấy Pháp đã theo chân một số quốc gia châu Âu khác, tiêu biểu là Italy, Anh và Thụy Điển, bắt đầu một cách tiếp cận cứng rắn hơn với người nhập cư.
Thủ tướng Philippe cho biết các biện pháp mới là dấu hiệu của một nước Pháp "cởi mở nhưng không ngây thơ".
"Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã tìm thấy sự cân bằng phù hợp giữa việc trấn an công dân của chúng tôi mà không tạo ra một nền tảng cho chủ nghĩa dân túy trỗi dậy", ông Philippe cho biết.
Chính phủ Pháp lên kế hoạch giải tỏa các trại dành cho người nhập cư không chính thức ở phía đông Paris vào cuối năm nay, và sẽ tăng tốc xử lý các yêu cầu tị nạn, theo Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner.
Bộ trưởng Y tế Agnes Buzyn cũng cho biết những người xin tị nạn ở độ tuổi trưởng thành sẽ phải chờ đợi ít nhất ba tháng trước khi được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe không khẩn cấp của nhà nước.
Người di cư sang Anh chết trong lều ở Calais gây phẫn nộ
Một người đàn ông Nigeria 25 tuổi chết trong lều tạm ở Calais khi cố gắng bám trụ ở đây chờ vượt biển sang Anh làm dấy lên làn sóng phẫn nộ về chính sách đối xử với người di cư.
Người Việt ở trại Béthune vẫn quyết vượt biên vào Anh sau thảm kịch
Sau khi Vietnam City đóng cửa, người di cư Việt Nam tập trung ở các trại tạm khác ở Pháp. Đã trả 20.000 USD, thế chấp nhà, họ cố vào Anh bất chấp rủi ro: “Đâm lao phải theo lao".
Bên trong trại tị nạn người Việt chờ vượt biên sang Anh
Trong khu lều tạm bợ tại khu rừng ở Pháp, những người di cư Việt cho biết họ vẫn trông chờ cơ hội vượt biên sang Anh để đổi đời, bất chấp nguy hiểm tính mạng.