Emmanuelle Dubourg Davy là một y tá thuộc bộ phận chăm sóc y tế tăng cường tại bệnh viện ở thành phố Anger, phía Tây nước Pháp. Bộ phận của Davy chuyên chăm sóc các ca bệnh nặng tại bệnh viện.
Những ngày qua, bệnh viện nơi Davy làm việc đã tăng cường tích trữ đồ bảo hộ phẫu thuật, khẩu trang y tế, và nước rửa tay sát khuẩn. Nội quy ca trực của các bác sĩ, y tá cũng được điều chỉnh theo hướng tăng thời gian làm việc.
Một nhân viên y tế trong đồ bảo hộ tại bệnh viện ở Mulhouse, Pháp, hôm 24/3. Ảnh: Reuters. |
Tới thời điểm hiện tại, chỉ có 3 trong tổng số 24 giường chăm sóc đặc biệt được huy động để phục vụ chữa trị. Tuy nhiên, cũng như một số đồng nghiệp, Davy lo lắng cơn sóng thần dịch bệnh Covid-19 chuẩn bị quét tới thành phố Anger.
"Chúng tôi đang ở trên chiến trường rồi, ở đây chúng tôi đang đào chiến hào để chuẩn bị", Davy nói với Reuters.
Hệ thống y tế Pháp sắp quá tải
Khắp châu Âu, đại dịch Covid-19 đã đặt hệ thống y tế của một loạt quốc gia vào tình trạng quá tải chưa từng có. Tại Italy, mạng lưới bệnh viện đã đạt tới ngưỡng giới hạn, tình trạng tương tự được cho là cũng sắp xảy ra tại Tây Ban Nha.
Tình trạng lây nhiễm và tử vong vì Covid-19 trên khắp châu Âu đang ngày một tăng. Hệ thống y tế của Pháp được cho là chuẩn bị tiếp bước Italy và Tây Ban Nha, trong khi Anh cũng đối mặt nguy cơ tương tự trong vài ngày tới.
Tại Pháp, số ca dương tính với Covid-19 đã gần đạt tới 20.000, trong khi khoảng 860 trường hợp tử vong được ghi nhận. Trong tổng số 5.000 giường bệnh chăm sóc đặc biệt tại nước Pháp, khoảng 2.000 giường bệnh đã được sử dụng cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Tại Strasbourg và Mulhouse, miền Đông của Pháp, tình trạng lây nhiễm virus corona nghiêm trọng chỉ đứng sau khu vực thủ đô Paris. Các đơn vị chăm sóc tăng cường được miêu tả là rơi vào tình trạng quá tải.
Quân đội đã phải thiết lập bệnh viện dã chiến để giải tỏa áp lực cho các bệnh viện, đồng thời chuyển bệnh nhân sang thành phố khác để điều trị.
Hệ thống y tế Pháp đứng trước nguy cơ quá tải. Ảnh: AFP. |
Bỏ ca phẫu thuật không thiết yếu, dành sức chống dịch
Một y tá 24 tuổi tên Sandrine cho biết tình trạng tại đây như thể có một hàng dài bệnh nhân không có điểm dừng, các giường bệnh luôn không đủ phục vụ, cùng với sự thiếu hụt khẩu trang và thiết bị y tế.
"Cái chết dường như ẩn nấp ở mỗi ngõ ngách", nữ y tá cho biết.
Cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, Pháp đã áp đặt lệnh phong tỏa chưa từng có, buộc người dân không đổ ra đường và giúp làm chậm lại sự lây lan của virus corona, nhằm kéo dài thời gian cho lực lượng y bác sĩ.
Những bệnh viện với cơ sở vật chất phục vụ chăm sóc các ca bệnh nặng hạn chế đang phải cải tạo lại các phòng cấp cứu và hồi sức, bằng cách lắp đặt thêm máy thở. Các bệnh viện lớn cũng gặp khó khăn trong mua sắm máy móc mới.
Trên khắp nước Pháp, các ca phẫu thuật không thiết yếu bị hủy bỏ nhằm giải phóng nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ cuộc chiến chống Covid-19.
"Chúng tôi đã tái tổ chức mọi thứ để có thể cầm cự, nhưng cứ sau mỗi 2 ngày, chúng tôi lại cần thêm 10 giường bệnh chỗ này, 10 giường bệnh chỗ khác", Anne Geffroy Wernet, bác sĩ gây mê tại bệnh viện ở thành phố Perpignan, cho biết.
"Những khu vực có tình trạng như chúng tôi hiện rất phổ biến, chúng tôi phải cố gắng tạo ra các giường bệnh chăm sóc đặc biệt tại các khu vực chăm sóc trước đây không được bố trí, trong tình trạng cực kỳ khó khăn", bà Wernet cho biết.
Y bác sĩ suy sụp tinh thần
Bổ sung hay chuyển đổi cơ sở vật chất để phù hợp cho mục tiêu đối phó với Covid-19 là một thử thách khó khăn, tuy nhiên vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các bệnh viện. Vấn đề nan giải hơn là bổ sung lực lượng y bác sĩ, theo bà Wernet.
Tại các đơn vị chăm sóc tăng cường, yêu cầu tiêu chuẩn là một bác sĩ chăm sóc 6 bệnh nhân, 2 y tá chăm sóc 5 bệnh nhân, và 1 điều dưỡng chăm sóc 4 bệnh nhân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh số bệnh nhân Covid-19 đang gia tăng chóng mặt, tỷ lệ tiêu chuẩn như trên khó có thể được duy trì. Các bệnh viện, vì vậy, phải điều động thêm nhân lực từ các bộ phận khác, thậm chí sử dụng sinh viên y khoa, để bù đắp thiếu hụt trong các ca trực.
Một số bệnh viện tại miền Đông của Pháp phải chuyển bệnh nhân tới các thành phố của Đức để điều trị vì quá tải. Ảnh: AFP. |
Bà Wernet cho biết khoảng 40% lực lượng nhân viên y tế tại tuyến đầu đứng trước nguy cơ cao lây nhiễm virus corona trong quá trình chăm sóc bệnh nhân. Tại Pháp, ít nhất 5 nhân viên y tế tại các bệnh viện đã tử vong vì Covid-19.
"Chúng tôi biết là đang đâm đầu vào tường, chúng tôi chỉ hy vọng những túi khí mà mình đang chuẩn bị ở đây sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại", Jerome Larche, bác sĩ thuộc đơn vị chăm sóc tăng cường tại phòng khám ở thành phố Montpellier so sánh, sau khi vừa trải qua ca làm việc kéo dài 18 tiếng đồng hồ.
Pháp luật của Pháp cho phép bác sĩ nghỉ ngơi 1 ngày trọn vẹn sau khi làm việc liên tục trong 24 giờ. Tuy nhiên, không nhân viên y tế nào tại Pháp trông mong thời gian nghỉ ngơi như vậy trong thời điểm hiện tại.
"Đôi khi, đó là câu hỏi về sự sống hoặc cái chết, vì thế nên chúng tôi sẽ không về nhà. Hậu quả là một số người bắt đầu nghĩ các bác sĩ là anh hùng, trong khi thực tế là chúng tôi không hề như vậy, và thế là nhiều người bắt đầu suy sụp về mặt tâm lý", một bác sĩ cũng làm việc tại đơn vị chăm sóc tăng cường tại miền Nam nước Pháp cho biết.