Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Pháp lo sợ bạo loạn thành 'thảm họa', bắt giữ hơn 1.700 người

Giới chức Pháp e ngại bạo lực từ làn sóng biểu tình chống chính phủ có thể gây ra thảm họa đối với nền kinh tế và cho biết Tổng thống Macron sẽ sớm có động thái mới.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 9/12 cảnh báo bạo lực leo thang từ phong trào biểu tình "áo khoác vàng" khắp cả nước đang là thảm họa đối với nền kinh tế quốc gia.

"Đây chính là thảm họa đối với thương mại, thảm họa đối với nền kinh tế của chúng ta", Le Maire trả lời phóng viên khi đến xem hiện trường những cửa hiệu bị đập phá, hôi của trong đợt bạo loạn chống chính phủ 1 ngày trước.

bao loan Phap anh 1
Bạo lực bùng phát tại Paris và một loạt thành phố lớn của Pháp trong đợt biểu tình ngày 8/12 phản đối chính phủ. Ảnh: AP.

Hơn 1.700 người đã bị cảnh sát Pháp bắt giữ trên toàn quốc sau đợt biểu tình ngày 8/12 của phong trào "áo khoác vàng", theo AFP. Giới chức Pháp cho biết người biểu tình giao tranh với cảnh sát chống bạo động và gây thiệt hại tại Paris với mức độ nghiêm trọng hơn sự kiện 1 tuần trước đó.

Hiện có 1.220 người đang bị cảnh sát tạm giam, theo thông báo của Bộ Nội vụ Pháp. Riêng tại thủ đô Paris có đến 1.082 vụ bắt giữ trong ngày biểu tình vừa qua, tăng vọt so với con số 412 người vào tuần trước. Ít nhất 71 cảnh sát và người biểu tình bị thương.

Bộ Nội vụ Pháp ước tính hơn 136.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Con số này xấp xỉ lượng người biểu tình vào ngày 1/12. Pháp huy động hơn 89.000 cảnh sát nhưng vẫn không thể ngăn đợt biểu tình leo thang. 

Bạo lực bùng phát không chỉ ở thủ đô nước Pháp mà còn tại một số thành phố lớn khác như Marseille, Bordeaux, Lyon và Toulouse. Đây đã là cuối tuần thứ 4 diễn ra biểu tình toàn quốc, bày tỏ bức xúc trước tình trạng mức sống đắt đỏ và các chính sách của Tổng thống Emmanuel Macron.

Theo Phó thị trưởng Paris Emmanuel Gregoire, tác động của đợt bạo loạn mới nhất lớn hơn các tuần trước do có ít rào chắn được dựng lên, khiến tính phân tán của người biểu tình cao hơn.

bao loan Phap anh 2
Giới chức Paris cho biết mức độ thiệt hại trong đợt bạo loạn ngày 8/12 nghiêm trọng hơn 3 tuần trước đó. Ảnh: AP.

Theo ghi nhận của AP, các điểm du lịch nổi tiếng của Paris như Tháp Effel và Bảo tàng Louvre đã mở cửa trở lại trong ngày hôm nay. Cơn mưa nặng hạt đêm 8/12 tại Paris khiến công tác dọn dẹp "chiến trường", sửa chữa các cửa hiệu sau đợt biểu tình thêm khó khăn. 

Lãnh đạo Pháp trong tuần sau sẽ có bài phát biểu về các vấn đề liên quan đến đợt biểu tình vừa qua.

"Tổng thống sẽ sớm có các thông báo quan trọng. Tuy nhiên, không phải mọi vấn đề của người biểu tình 'áo khoác vàng' sẽ được giải quyết chỉ bằng một lần vẫy đũa thần", Reuters dẫn lời người phát ngôn chính phủ Pháp Benjamin Griveaux ngày 9/12.

Đường phố Paris mù mịt khói trong ngày 'đại biểu tình' Đã có những va chạm giữa người biểu tình và lực lượng an ninh tại Paris vào ngày 8/12, và cảnh sát đã phải dùng đến hơi cay ở một tuyến phố gần đại lộ Champ-Elysees.

Bạo lực lan rộng và vực sâu của nước Pháp

Nước Pháp đã quá đủ bạo lực, đặc biệt sau những cuộc tấn công khủng bố vào năm 2015 và 2016. Thế nhưng, người dân quyết tâm phải gây áp lực lên tổng thống.

Bạo lực khắp cả nước, Pháp bắt giữ 1.400 người

Nhà chức trách Pháp đã bắt giữ 1.400 người sau các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tại hàng loạt thành phố lớn như Paris, Bordeaux, Toulouse hôm 8/12.



Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm