Nữ tù nhân Mathilde đọc sách trong phòng giam của mình. Ảnh: New York Times. |
Vào một buổi chiều tại Orléans, Thung lũng Loire, các thành viên trong ban giám khảo của một giải thưởng văn học Pháp đã di chuyển ra khỏi phòng giam của họ để đến một không gian lớp học nhỏ với cửa sổ có chấn song.
Khoảng hơn 10 tù nhân, cả nam và nữ bị giam giữ tại Trung tâm Trại cải tạo Orléans-Saran, Pháp đã tụ họp lại để thảo luận về các tiểu thuyết được xuất bản ở Pháp trong năm nay và chọn ra cuốn mà họ cho là hay nhất. Một người đề xuất Le Mage du Kremlin (Wizard of the Kremlin), người khác thì chọn cuốn La Petite Menteuse (The Little Liar). Các cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi, các ý kiến phê bình thẳng thừng, một tù nhân thậm chí gọi một cuốn sách là “cực kỳ nhàm chán”.
Các tù nhân này đang tham gia bình chọn cho Giải thưởng văn học Goncourt des détenus (Goncourt của tù nhân) - lần đầu tiên diễn ra với sự tài trợ của chính phủ Pháp. Theo đó, các tù nhân sẽ cùng nhau thảo luận trong hơn ba tháng qua về 15 tác phẩm lọt vào vòng chung kết của Goncourt và để chọn ra tác phẩm chiến thắng.
Tác phẩm chiến thắng là Sa Préférée (His Favourite), kể về một người phụ nữ phải vật lộn để đương đầu với di chứng của nạn bạo hành về thể chất và tinh thần từ cha mình.
Với sự ủng hộ của chính phủ Pháp, Giải Goncourt des détenus đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tù nhân, với khoảng 500 người trong 31 nhà tù.
Éric Dupond-Moretti, Bộ trưởng Tư pháp Pháp, cho biết trong một cuộc phỏng vấn về giải thưởng này: “Nơi nào văn hóa, ngôn ngữ và ngôn từ phát triển, bạo lực sẽ giảm đi. Thời gian trong tù là thời gian trừng phạt nhưng cũng là thời gian giúp mọi người thay đổi”.
Đối với các tù nhân tại Orléans, quá trình đọc sách và tranh luận là rất quan trọng, thậm chí hơn cả việc tìm ra người chiến thắng. Nhiều người cho rằng đây là cơ hội để kết nối với các tù nhân khác, để thoát khỏi sự giam giữ buồn tẻ và phần nào thay đổi sự kỳ thị về nhà tù.
“Chúng tôi bị giam giữ không có nghĩa là chúng tôi không có giá trị gì hoặc ý kiến của chúng tôi không đáng nghe”, Mathilde, 32 tuổi, người dự kiến được thả vào tháng 1 năm tới, chia sẻ.
Các tù nhân tham gia tranh luận trực tuyến về các cuốn sách được chọn. Ảnh: Lanouvellerepublique/NR. |
Giá trị nhân văn của Goncourt des détenus
Ý tưởng để thực hiện Giải thưởng Goncourt des détenus đến từ Trung tâm Sách Quốc gia, một tổ chức hỗ trợ ngành sách của Pháp. Régine Hatchondo, Chủ tịch của trung tâm này, cho biết mục tiêu là đưa văn hóa Pháp tới nhiều đối tượng hơn và thúc đẩy tư duy phản biện. Bà Hatchondo nói: “Đây cũng là vấn đề quyền công dân. Các tù nhân phải tranh luận với nhau và rõ ràng là không phải lúc nào họ cũng đồng tình với nhau”.
Học viện Goncourt, nơi ban giám khảo gồm các nhà văn lâu đời thường trao giải Goncourt, đã vui vẻ tham gia dự án mới này.
“Tôi luôn ủng hộ việc làm cho nhà tù càng cởi mở càng tốt, để thực sự biến nó thành một phần trong xã hội của chúng ta, thay vì một môi trường khép kín và vô danh, cũng như trở thành đối tượng của sự sợ hãi hoặc thiếu hiểu biết”, theo chia sẻ của ông Philippe Claudel, Tổng thư ký của Học viện và là người đã dạy tiếng Pháp cho tù nhân trong hơn một thập kỷ vào những năm 1980 và 1990.
Trong cộng đồng Orléans, những người bán sách và người mua sắm chỉ mới nghe nói mơ hồ về chương trình này nhưng họ đã tỏ ý ủng hộ. “Đưa văn chương đến với mọi người mà không tách biệt họ, điều đó thực sự tuyệt vời”, Marlène Brocail, người quản lý Chantelivre, một hiệu sách trong thị trấn cho biết.
Pascal Rémond, người đã giám sát các chương trình giảng dạy và giáo dục tại nhà tù trong 40 năm qua, cũng cho biết: “Ý tưởng không chỉ là đọc hết 15 cuốn sách trong khuôn khổ giải thưởng mà là khuyến khích văn hóa đọc”.
Laurent Ridel, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà tù của Pháp, cũng chia sẻ rằng Giải thưởng này là một biện pháp “đôi bên cùng có lợi”, vừa tôn trọng quyền được tham gia các hoạt động văn hóa của các tù nhân và cũng là để cải thiện điều kiện làm việc của nhân viên bằng cách xoa dịu môi trường căng thẳng. "Bạn không thể xây dựng được giá trị gì trên sự sỉ nhục hoặc thất vọng", Ridel bày tỏ.
Về phía các tù nhân, một tù nhân 45 tuổi với đôi má hóp và cánh tay có hình xăm phức tạp, thành viên của ban giám khảo Goncourt des détenus cho biết các hoạt động văn hóa giúp các tù nhân hàn gắn lại cuộc đời tan vỡ.
Ông chia sẻ: “Điều khó khăn nhất là khi bạn vào tù, mọi thứ đều bị xóa sổ”. Gia đình, quan hệ bạn bè và đồng nghiệp quen thuộc tan vỡ. Ông từng nghĩ đến việc tự tử. Nhưng sau 3 năm rưỡi làm thủ thư nhà tù, ông đang theo học các lớp đại học từ xa và mơ ước trở thành nhà văn.
Ông nói: “Những hoạt động như thế này (Giải thưởng văn học) thay đổi mọi thứ”.
Sau khi các tù nhân ở Orléans chọn những cuốn sách yêu thích của họ, bốn người trong số họ đã tranh luận qua hội nghị trực tuyến với các tù nhân ở Saint-Maur, một thị trấn trong cùng khu vực, để chọn ra một danh sách rút gọn trong khu vực.
Rémond nói rằng: “Các tù nhân đã đầu tư và nhiệt tình tham gia theo những cách mà bạn hiếm khi thấy”. Ông cũng muốn các tù nhân được tiếp tục trao đổi văn học theo mô hình một câu lạc bộ sách ngay cả sau khi Goncourt des détenus kết thúc.