Tổng biên tập của tập chí Charlie Hebdo, ông Stéphane Charbonnier. |
Sau vụ xả súng nhắm vào các họa sĩ vẽ tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed tại một tạp chí trào phúng ở Pháp, hàng triệu người trên thế giới cảm thấy đây là cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, việc chính quyền Pháp tiến hành bắt giữ những người có phát ngôn "thân thiện" với kẻ khủng bố hoặc khuyến khích các cuộc tấn công tương tự lại gây ra tranh cãi trước một “đạo luật mâu thuẫn”, trong đó quyền tự do ngôn luận được áp dụng cho những người nhạo báng đạo Hồi, trong khi người Hồi giáo lại bị trừng phạt vì bày tỏ quan điểm “cực đoan” của mình.
Nhiều người Hồi giáo phàn nàn rằng Pháp tích cực truy tố người bài Do thái, trong khi họ lại không được bảo vệ khỏi những sự phân biệt chủng tộc tương tự.
Trong số hơn 70 người bị bắt giữ có diễn viên hài nổi tiếng Dieudonne M'bala M'bala, bị cáo buộc vì đã đăng tải nhận xét trên Facebook: "Tôi cảm thấy giống như Charlie Coulibaly", đây là tên ghép của tạp chí Charlie Hebdo và Amedy Coulibaly, kẻ tấn công đã giết hại 4 con tin tại một siêu thị ở Pháp. Diễn viên này cũng nhiều lần bị truy tố vì tư tưởng bài Do Thái.
Sau đó, Dieudonne cho rằng mình đã phải câm lặng trong sự "đạo đức giả" của tự do ngôn luận. "Ông coi tôi như Amedy Coulibaly, trong khi tôi thấy mình và Charlie chả có gì khác biệt", ông viết trong một bức thư ngỏ gửi Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve.
Việc thường xuyên đăng tải hình ảnh biếm họa các nhân vật tôn giáo được xác định là nguyên nhân chính khiến những tay súng Hồi giáo tiến hành tấn công tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo. |
Luật của Pháp cấm tuyên truyền hận thù chủng tộc hay tôn giáo, cũng như kích động hoặc bảo vệ chủ nghĩa khủng bố, tội ác chống lại loài người, đây là điều mà công tố viên cho rằng Dieudonne đã phạm phải.
Nhiều quốc gia áp dụng luật hạn chế tự do ngôn luận, và trên nguyên tắc, phát ngôn có tính thù ghét sẽ bị quy kết là có tội khi có những lời nói khiêu khích nhắm vào bất kỳ niềm tin hoặc nhóm tôn giáo cụ thể nào.
Tại Anh, những vụ truy tố gần đây bao gồm một người theo "chủ nghĩa da trắng" bị kết án do gửi thông điệp bài Do thái đe dọa một nghị sĩ; một thiếu niên Hồi giáo đã đăng tải trên Facebook rằng "tất cả những người lính phải chết và đi đến địa ngục"; và một người đàn ông 22 tuổi bị bắt giam do đăng tải ý kiến chống Hồi giáo trên Facebook sau khi hai kẻ tấn công thuộc tổ chức al-Qaeda giết hại binh sĩ Lee Rigby.
Nhưng ranh giới giữa phát ngôn có tính thù ghét và tự do ngôn luận rất mong manh. Năm 2006, Charlie Hebdo từng bị một nhóm Hồi giáo khởi kiện vì một loạt bức ảnh châm biếm nhằm vào đạo Hồi. Tuy nhiên, vụ kiện đã bị toà án bác bỏ vì cho rằng “những bức hình nhằm vào những kẻ cực đoan, chứ không phải là Hồi giáo”.
Bên cạnh đó, Hồi giáo không phải là đạo giáo duy nhất mà Charlie Hebdo nhắm vào. Trước đây, Charlie Hebdo cũng bị một nhóm Công giáo La Mã kiện. Tuy vậy, những người ủng hộ Charlie Hebdo cho rằng các họa sĩ truyện tranh không có ý nghĩ hận thù hay làm dấy lên sự phân biệt đối xử khi họ sử dụng hình vẽ biếm họa tôn giáo. Họ chỉ đơn giản là sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình.
Phản ứng trước những vụ bắt giữ mới nhất của Pháp, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lên tiếng chỉ trích. Đồng thời, tổ chức này cũng bày tỏ lo ngại về một đạo luật mới của Pháp cho phép phạt tù lên đến 7 năm cho hành vi bảo vệ, kích động khủng bố.
Tổ chức nhân quyền cho biết một số vụ truy tố đã đi quá giới hạn, như trường hợp một người đàn ông say rượu ca ngợi hai kẻ khủng bố tại toà soạn Charlie Hebdo tại Paris và nói với cảnh sát: "Tôi hy vọng ông sẽ là người kế tiếp". Sau khi bị bắt giữ, người đàn ông này bị kết án 4 năm tù.
Giám đốc Tổ chức Ân xá châu Âu John Dalhuisen nhận xét: "Bạn phải nhìn nhận rằng bản thân quyền tự do ngôn luận của xã hội Pháp đã bị tấn công. Nhà chức trách phải tấn công tội phạm, nhưng không phải theo cách làm huỷ hoại tự do ngôn luận".
Trước những bàn tán và ý kiến trái chiều xung quanh quyền tự do ngôn luận, Romain, một giáo sĩ Do Thái, nhận định, thay vì cố gắng bịt miệng những lời nói xúc phạm, các nền tôn giáo có thể học hỏi cách phản ứng khéo léo của nhà thờ Mormon khi xem vở nhạc kịch bất kính được trình diễn trên sân khấu "The Book of Mormon".
Ông cho hay : "Họ không la hét hay kêu gào. Họ không quấy rối các diễn viên. Họ chỉ đề nghị: "Bạn đã xem vở kịch. Bây giờ, bạn có thể đến một trong những nhà thờ của chúng tôi để thấy sự khác biệt".