Tại buổi ra mắt tập thơ Ta còn em mới đây, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói Phan Vũ có ước nguyện ra Hà Nội đọc thơ. Cuốn sách cũng trích đăng một phần bài viết về thơ Phan Vũ của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Trong đó, Phạm Xuân Nguyên đưa ra những nhận xét khái quát về thơ và tác giả Phan Vũ.
Trả lời phỏng vấn Zing.vn, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đưa ra cái nhìn sâu hơn về tập thơ, tình yêu Hà Nội của Phan Vũ.
Tuyển thơ Ta còn em gửi gắm những tình cảm với Hà Nội của Phan Vũ. |
Ra Hà Nội đọc thơ một lần rồi chết cũng yên lòng
- Phạm Xuân Nguyên và Phan Vũ vốn là kẻ Nam người Bắc, hai ông đã biết tới nhau trong trường hợp nào?
- Đầu tiên, phải kể tới việc tôi đọc thơ Phan Vũ, thấy thích, và muốn tìm gặp ông. Thời tôi còn là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, tôi có nghe bạn bè nói ông Phan Vũ là người hay, ông có mong muốn ra Hà Nội đọc thơ.
Qua một vài người bạn chung, tôi và Phan Vũ được kết nối. Lần đầu nói chuyện qua điện thoại, mà chúng tôi cứ như đã biết nhau từ lâu. Ông Phan Vũ có nói: “tôi cũng nghe tiếng chú từ trước”. Tôi hứa vào Sài Gòn sẽ tới gặp Phan Vũ.
Khi gặp nhau, chúng tôi cứ như thân thiết đã lâu. Tôi kém ông 30 tuổi, nhưng đều có đồng cảm về nghệ thuật. Chúng tôi trở nên thân thiết qua văn chương. Mỗi lần vào Sài Gòn, tôi đều đến thăm ông.
Năm 2017, đáng lẽ cuốn Em ơi! Hà Nội phố ra mắt, sách in riêng trường ca, đã thiết kế, trình bày đầy đủ, cùng với các bài viết phê bình. Hôm đó tôi đã vào Sài Gòn, tại một quán café, chúng tôi đã tổ chức một buổi trò chuyện về cuốn sách, nhưng sách thì tiếc rằng chưa có.
Rồi cuốn tuyển thơ Ta còn em được đưa vào xuất bản. Tháng 3 vừa rồi, tôi có vào TP.HCM, tới thăm ông. Ông cũng rất tha thiết muốn ra Hà Nội đọc thơ, bày tranh. Tôi đã liên hệ phòng tranh để làm triển lãm, ra mắt sách, trò chuyện với Phan Vũ.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. |
- Trong buổi ra mắt sách mới đây, ông có kể Phan Vũ từng nói: “Nguyên ơi, cho tao ra Hà Nội đọc thơ một lần rồi về chết thì thôi”. Điều gì khiến Phan Vũ nói như vậy?
- Phan Vũ rất nhớ Hà Nội. Ra Hà Nội là tâm nguyện của ông. Tôi cũng nghĩ đó là chuyện đơn giản. Nhưng ông muốn ra Hà Nội khi đã có sách. Vậy mà rồi tuổi tác, sức khỏe không cho phép nữa.
Ông nói ra Hà Nội đọc thơ, rồi về thì chết cũng yên tâm, cũng thỏa lòng là vì vậy.
- Tập thơ “Ta còn em” mới ra mắt có ý nghĩa thế nào?
- Sau 10 năm (tập thơ đầu xuất bản năm 2008, in không nhiều), tập thơ Ta còn em lần này lấy cơ bản các bài thơ của tập trước, nhưng in ra, phát hành rộng rãi tới công chúng.
Với Phan Vũ, chúng ta vẫn biết ông có bài thơ Em ơi! Hà Nội phố, nhưng nhiều người chưa kịp đọc hết. Cuốn sách này in toàn bộ trường ca đó cùng những bài thơ khác nữa cho bạn đọc thưởng thức một tác phẩm thơ hay, những vần thơ tài hoa, lãng tử, rất da diết. Cuốn sách cũng giúp bạn đọc biết Phan Vũ là ai.
- Theo ông, nếu không có Phú Quang phổ nhạc, liệu trường ca này có nổi tiếng không?
- Trước khi Phú Quang phổ nhạc, bạn bè của Phan Vũ đã truyền tụng bài thơ này rồi. Một điểm nữa là bài thơ đôi lúc có dị bản. Ông ngồi đây đọc một khúc, chỗ khác ông đọc một khúc, có những ngẫu hứng, sai khác.
Trước khi Phú Quang phổ nhạc, bài thơ đã được biết đến rồi. Và nếu được in, phổ biến sớm thì bài thơ chắc chắn được biết nhiều hơn nữa.
Nhưng bài hát cũng có vai trò quan trọng, nó khơi gợi nhiều điều. Bài hát của Phú Quang là bài hay, phổ nhạc thành công, nên có sự cộng hưởng. Bài hát hay đưa tên tuổi Phan Vũ đến công chúng, nâng bài thơ lên, dù chỉ phổ một ít câu.
Nhà thơ Phan Vũ của hiện tại. |
Vẻ quyến rũ, mê dụ của Hà Nội trong thơ Phan Vũ
- Qua con mắt của một nhà phê bình, ông đánh giá thế nào về tác phẩm này của Phan Vũ?
- Có lẽ thơ Phan Vũ đứng lại ở bài Em ơi! Hà Nội phố. Bài thơ hay, như một bản giao hưởng, một bức tranh phong cảnh, một lưu giữ ký ức về Hà Nội. Những câu thơ này là ngôn ngữ, là âm nhạc, là màu sắc hội họa. Chúng làm ta yêu Hà Nội hơn, hoài niệm Hà Nội hơn, thấy tiếc nuối Hà Nội hơn.
Một nhạc sĩ có thể làm được bản giao hưởng từ bài thơ này, cũng như đạo diễn có thể làm bộ phim dựa theo tác phẩm này. Tôi nói như vậy không quá lời, với 24 khúc thơ, có thể làm được 24 khuôn hình, trường đoạn.
Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh lạ. Năm 1972, giữa chiến tranh, bom đạn, thi hứng chọn ông để bật ra.
- Trong cuốn sách này, ông có viết Phan Vũ là “kẻ cuồng si Hà Nội”. Ông có thể chứng minh cho nhận định này?
- Mỗi một khổ Em ơi! Hà Nội phố mà Phan Vũ viết ra là một tiếng kêu, một tiếng vọng, một tiếng thương, là một cảnh Hà Nội. Bài thơ ghi lại cảnh Hà Nội từ một tiếng guốc, tiếng đàn, từ một bóng cây, tà áo…
Hãy tưởng tượng, nếu giờ đưa 24 khổ đó cho vẽ thành 24 bức tranh, gộp chung lại sẽ được một toàn cảnh Hà Nội.
Phải nghe Phan Vũ nói, giọng ông trầm ấm kể lại những câu chuyện về Hà Nội như nhập vào người nghe. Phan Vũ ở Hà Nội vài năm. Nhưng không phải cứ sống lâu ở Hà Nội, mà sống sâu, sống đậm thì mới ra được bài thơ như thế.
- Hà Nội mà Phan Vũ khắc họa đó có phải là một Hà Nội thời Pháp với tiếng dương cầm, tiếng chuông nhà thờ…?
- Phải nói đó là một Hà Nội của năm 1972, nhưng không chỉ có năm 1972, mà là Hà Nội từ đó trở về trước. Ở đó có quá khứ, lịch sử. Khi ông viết về một con phố, hàng cây, đều có ký ức đằng sau.
Hà Nội đó giữa bom đạn mà vẫn nên thơ. Bài thơ hợp với khung cảnh, tâm trạng lúc đó.
- Giữa những năm tháng “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, Phan Vũ không viết về những chiến công hào hùng, mà chỉ nói về cái đẹp, nỗi nhớ mong da diết. Ông nghĩ sao về điều đó?
- Đó là cái rất riêng của Phan Vũ. Tôi nghĩ tên tác phẩm, điệp khúc “Ta còn em”, “Ta còn em”… kêu lên như thảng thốt. Ta cứ hình dung ngoài kia bom rơi đạn nổ ấy thì mọi thứ trong thơ sẽ đổ nát, nhưng không, ta vẫn còn em. Đó như một tâm niệm, một thứ vũ khí đấu lại sự hủy diệt ấy.
Kẻ thù có thể dội bom, nhưng ta còn em, còn những cái này thì Hà Nội còn, thủ đô còn, Thăng Long còn. Cái còn lại là những cảnh đẹp, chiều sâu văn hóa lịch sử… Phan Vũ đi sâu vào đó, níu vào đó như một sức mạnh.
Lời đề từ của cuốn sách “Gửi những người Hà Nội đi xa” rất quan trọng. nó như nhắc nhở đừng sợ bom đạn, đừng sợ xa cách, Hà Nội vẫn còn đây.
- Điều gì khiến Phan Vũ có chỗ đứng riêng trong số những tác giả viết về Hà Nội?
-Vì ngôn từ, nhạc điệu của tác phẩm đọc lên rất gợi, nó vừa cho ta thấy hình sắc, âm thanh, lại gợi ra một hồn khác. Trước khi Phan Vũ viết bài thơ này đã có những bài thơ khác về Hà Nội.
Nhưng tác phẩm này tạo được độ quyến rũ, mê dụ, để người ta cảm thấy, à hóa ra lâu nay mình chưa hiểu Hà Nội mấy, nó giúp ta phát hiện ra Hà Nội, giúp ta cảm nhận vẻ đẹp Hà Nội, và thấy vẻ đẹp ấy đang phôi pha đi.