Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phân vân trước các phương pháp điều trị ung thư

Y học phát triển, các phương pháp mới để điều trị ung thư được công bố liên tục. Điều này khiến bệnh nhân cảm thấy đắn đo vì không biết đâu mới là phương pháp điều trị hiệu quả.

Chien thang ung thu anh 1

Bệnh nhân ung thư cảm thấy phân vân khi lựa chọn phương pháp điều trị. Ảnh: V.M.

[...]

Khi nghe những lời của bác sĩ Kakegawa, trước mắt tôi tối sầm lại. Hóa trị có tỷ lệ hiệu quả là 40%, nếu thuốc hết tác dụng sẽ chuyển sang loại khác, và loại thuốc tiếp theo cũng chỉ có 40% hiệu quả. Như vậy có nghĩa là, tóm lại là một trong hai kịch bản, hoặc là chết vì thuốc hóa trị hết tác dụng trong tương lai gần, hoặc chết vì tác dụng phụ của hóa trị hay sao?

“Giả sử loại thuốc đầu tiên sẽ có hiệu quả trong 5 tháng, thì tiếp theo là loại 3 tháng, sau đó là 2 tháng...Tôi rất tiếc, nhưng ta chỉ còn cách như vậy để duy trì sự sống thôi”. Bác sĩ Kakegawa bỗng thở dài khi rời mắt khỏi tôi. Đó tựa như một lời tuyên bố thất bại của ông ấy, thể hiện sự bất lực trước ung thư.

Chẳng phải cộng hết tất cả cũng chưa đến 1 năm sao?

“Không khỏi được sao bác sĩ?”

“Không thể chữa khỏi.”

Bác sĩ Kakegawa cúi mặt và khẳng định một cách dứt khoát. Chắc chắn những lời của ông là thật, sự thật trong phạm vị kinh nghiệm của ông ấy.

“Thuốc hóa trị tôi định chọn cho anh Tone trong giai đoạn này là Alimta hoặc là Cisplatin.”

“Cisplatin!”

Tôi biết loại thuốc hóa trị này. Nó đã xuất hiện trong cuốn sách của thầy Terayama. Theo sách nói thì đây là loại thuốc khiến tóc rụng, nôn mửa kinh khủng, sụt cân... Không đâu, tôi tuyệt đối không muốn dùng nó!

Chien thang ung thu anh 2

Cuốn sách Giác ngộ để hồi sinh ghi lại hành trình chiến đấu với bệnh ung thư của tác giả Takeshi Tone. Ảnh: H.H.

“Tuy nhiên, bệnh viện chúng tôi đang hợp tác thực hiện thử nghiệm lâm sàng cùng với các công ty dược”.

“Thử nghiệm thuốc lâm sàng... là gì vậy ạ?”

“Vâng, đó là phương pháp điều trị mới nhất vẫn chưa được Bảo hiểm y tế chấp nhận chi trả. Để được Bảo hiểm y tế phê duyệt, cần có nhiều bệnh nhân ung thư tham gia điều trị thành công bằng phương pháp này. Anh có muốn tham gia không?”

“Tất nhiên rồi!” Tôi cảm thấy như một tia sáng rọi đến trước mắt.

“Được rồi, vậy tôi sẽ báo lại tình hình của anh Tone với bác sĩ phụ trách, mọi người hãy ngồi đợi ở ghế bên ngoài nhé. Nội dung thử nghiệm lâm sàng sẽ được bác sĩ đó giải thích chi tiết hơn.”

“Xin lỗi, nhưng tôi nghĩ là mình cũng nên tham khảo thêm Ý kiến thứ hai ạ.”

Thật sự tôi vẫn chưa chấp nhận việc mình bị ung thư phổi giai đoạn 4. Nếu không được khám xét thêm một lần nữa ở bệnh viện khác, tôi sẽ không thể thuyết phục bản thân.

“Tôi hiểu rồi. Tôi sẽ viết cho anh bản cung cấp thông tin khám bệnh, anh có thể cho tôi biết tên bệnh viện anh muốn đến không?”

Khi đăng kí tiếp nhận Ý kiến thứ hai cần có Giấy ủy quyền từ bệnh viện. Lúc đó, bác sĩ phụ trách chính là người chịu trách nhiệm viết hồ sơ.

“Vâng, tôi đang cân nhắc hai nơi là Bệnh viện Nghiên cứu Ung thư Ariake và Bệnh viện Obitsu Sankei. Bác sĩ có thể viết cho tôi hai bản được không?”

“Vâng, tôi hiểu rồi. Có thể hơi tốn thời gian một chút nhưng tôi sẽ viết xong trong hôm nay, mời anh chị ra ghế bên ngoài ngồi đợi nhé”. Bác sĩ Kakegawa bình thản nói, chẳng hề có chút biểu hiện khó chịu nào trên mặt.

Sau khi bước ra khỏi phòng khám và ngồi chờ ở hàng ghế dài, chỉ một lúc sau, tên tôi lại được gọi lên. Lần này là ở một phòng khám khác cùng với một bác sĩ khác đang chờ tôi.

“Anh là Tone phải không, xin chào. Tôi tên là Ogata.” Vị bác sĩ vui vẻ giới thiệu bản thân.

“Trước khi trình bày về thử nghiệm lâm sàng mà mình phụ trách, tôi xin phép kiểm tra lại tình trạng hiện tại của anh Tone.” Bác sĩ Ogata nói xong, trên màn hình PC hiển thị ảnh chụp CT và ảnh chụp MRI phần đầu của tôi.

“Phần này là phổi nhé. Chỗ này có khối u nguyên phát. Bản thân khối u tuy không lớn lắm những đã di căn sang hệ bạch huyết của phổi trái rồi.”

Bác sĩ Ogata tươi cười giải thích cứ như thể ông là một người bán hàng hướng dẫn về cách sử dụng sản phẩm điện tử. Vẻ mặt của vợ và chị gái tôi đanh lại.

“Ừm, hơn thế nữa, nốt trắng nhỏ ở ngực phải này, rồi nốt này, hay nốt này nữa, có lẽ cũng là khối u di căn. Hiện giờ chúng còn bé, nhưng về sau sẽ càng phát triển lớn hơn.”

“Nhưng tôi không phân biệt được chúng.”

“Anh nhìn xem, xung quanh nốt trắng không có mạch máu phải không? Vì vậy cái này cũng là tế bào ung thư đấy!”

“Thì ra là vậy...”

Vợ tôi quay mặt khỏi màn hình.

“Tiếp nào, đây là ảnh chụp MRI phần đầu của anh”.

“Bác sĩ Kakegawa có nói với tôi là ung thư chưa di căn đến đầu”.

“Ồ không, chỗ này, hay chỗ này cũng giống như cách tôi giải thích lúc nãy, xung quanh nốt trắng không có mạch máu phải không?”

Bác sĩ Ogata dùng bút bi chỉ vào bức ảnh chụp hộp sọ của tôi.

“Đây có lẽ cũng là khối u di căn. Khả năng ung thư đã di căn đến não rồi”.

Ngồi kế bên tôi cũng có thể đoán được vợ tôi đang dao động đến mức nào.

“Đây, để tôi đưa anh cái này”.

Bác sĩ Ogata in bức ảnh MRI chụp phần đầu ra một tờ A4 rồi đưa cho tôi.

Tôi nào cần mấy thứ như vậy.

“Được rồi, thử nghiệm lâm sàng mà tôi giới thiệu đang thử nghiệm phương pháp điều trị mới nhất được gọi là Liệu pháp miễn dịch...” Bác sĩ Ogata cuối cùng cũng nói đến phương pháp và lợi ích của thử nghiệm lâm sàng.

“Mặc dù chưa được Bảo hiểm y tế phê duyệt, nhưng khi tham gia vào thử nghiệm lâm sàng này, anh sẽ được miễn giảm toàn bộ hoặc được giảm một phần chi phí. Tôi nghĩ, hơn thế nữa, chính là ta có thể kì vọng vào hiệu quả điều trị”.

“Thật vậy à?” Trong một khoảnh khắc, tôi cảm thấy một tia hy vọng lóe sáng.

“Có điều, dẫu cho anh có tham gia thử nghiệm lâm sàng đi nữa thì cũng chưa chắc sẽ được điều trị bằng Liệu pháp miễn dịch đâu nhé”.

“Tôi chưa hiểu ý anh lắm?”

“Trong thử nghiệm lâm sàng, chúng tôi chia làm 3 nhóm chính. Đầu tiên là nhóm được điều trị bằng Liệu pháp miễn dịch, nhóm thứ 2 là kết hợp đồng thời cả Hóa trị và Liệu pháp miễn dịch, còn nhóm thứ 3 chỉ sử dụng Hóa trị thông thường. Tôi không biết anh sẽ nằm trong nhóm nào. Vì việc này sẽ do máy tính phân bổ ngẫu nhiên.”

“Vậy có nghĩa là cũng không chắc chắn tôi sẽ được điều trị bằng Liệu pháp miễn dịch phải không?”

“Vâng, đúng vậy.”

“Ừm...”

Tôi khoanh tay cúi mặt nhìn xuống. Ngay lập tức, bác sĩ Ogata nói:

“Anh Tone này, tôi nghĩ đằng nào thì anh cũng sẽ điều trị bằng Hóa trị thông thường nên sẽ tốt hơn nếu anh tham gia vào thử nghiệm lâm sàng để ít nhiều tăng thêm khả năng điều trị, ý của anh thế nào?”

Đằng nào thì? Hắn ta nói đằng nào cũng vậy sao?

“Anh cho tôi suy nghĩ thêm một chút.”

“Tôi hiểu rồi. Vậy khi nào có câu trả lời, anh hãy báo lại với bác sĩ Kakegawa. Trường hợp anh muốn chữa trị thông thường thì sẽ do bác sĩ Kakegawa phụ trách, còn nếu anh muốn tham gia thử nghiệm lâm sàng thì tôi sẽ là bác sĩ phụ trách của anh Tone.”

“Tôi hiểu rồi”.

Vừa bước ra khỏi phòng khám và ngồi xuống băng ghế dài, vợ tôi bật khóc đến nỗi đôi bờ vai phải run rẩy. Chị tôi nhẹ nhàng ôm lấy bờ vai cô ấy. Chết tiệt, gã khốn này khiến người quan trọng nhất của mình phải khóc. Hắn nói “đằng nào thì”, hắn dám nói là “đằng nào thì anh cũng sẽ”.

Cái gì mà do máy tính phân bổ ngẫu nhiên cơ chứ? Hắn xem sinh mệnh con người là cái gì? Hắn dám đối xử với con người như loài động vật đem ra làm thí nghiệm. Đối với gã bác sĩ đấy có lẽ mình cũng chỉ như một con số không hơn. Nhưng mình chỉ có duy nhất một sinh mệnh. Liệu có thể phó mặc cái mạng này cho những trò xúc xắc may rủi như vậy sao? Cánh cửa vận mệnh của bản thân phải do chính mình mở ra. Sự sống của tôi là do chính tôi quyết định.

Tôi bỗng thấy sinh mệnh của mình bị xem nhẹ. Rằng sự tồn tại của tôi bị đối xử không khác nào một động vật bị đem ra thí nghiệm. Tôi cảm thấy lòng tự trọng của con người bị chà đạp. Tôi chẳng thể nào tham gia vào cuộc thử nghiệm lâm sàng với những cảm xúc như thế này. Vì vậy tôi đã quyết định không tham gia.

Takeshi Tone/ Huy Hoàng Books

SÁCH HAY