Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Phẫn nộ bùng nổ sau bê bối cưỡng hiếp ở Quốc hội Australia

Các cáo buộc hiếp dâm ở Quốc hội Australia gần đây đã thổi bùng sự tức giận của phụ nữ nước này. Họ không chỉ yêu cầu điều tra các vụ việc, mà còn muốn thay đổi cả hệ thống.

phong trao MeToo Australia anh 1

Bộ trưởng Tư pháp Australia Christian Porter tuần trước “lỡ miệng” thừa nhận ông là người đang vướng vào cáo buộc cưỡng hiếp một cô gái 16 tuổi vào năm 1988.

Ông gay gắt phủ nhận cáo buộc này.

“Những thứ tôi đang đọc được trên báo không hề xảy ra. Và việc cho rằng tôi có thể quên những việc như vậy thật nực cười”, ông Porter nói trước khi xin nghỉ phép vì vấn đề sức khỏe tâm thần.

Với Thủ tướng Australia Scott Morrison, lời phủ nhận của ông Porter đã là dấu chấm hết của vấn đề.

Nạn nhân trong cáo buộc hiếp dâm trên qua đời ở tuổi 49 vào năm 2020. Bà không trình báo vụ việc với cảnh sát trước khi chết.

Sau khi cảnh sát đóng hồ sơ vụ án vào tuần trước với lý do thiếu "bằng chứng hợp lệ", ông Morrison đã từ chối yêu cầu điều tra độc lập các cáo buộc.

Tuy nhiên, với nhiều người Australia, vụ án này còn lâu mới kết thúc.

phong trao MeToo Australia anh 2

Bộ trưởng Tư pháp Australia Christian Porter đối mặt với truyền thông vào ngày 3/3. Ảnh: AFP.

Trên khắp Australia, hàng nghìn phụ nữ đang lên kế hoạch biểu tình vào ngày 15/3. Đó là thời điểm họ trình kiến ​​nghị lên quốc hội kêu gọi chính phủ điều tra tất cả cáo buộc tấn công tình dục cùng hành vi sai trái của các nghị sĩ và nhân viên.

Song, yêu cầu của phụ nữ Australia còn nhiều hơn thế. Họ muốn thay đổi cơ cấu và nền văn hóa để đạt được sự bình đẳng trên toàn quốc, trong trường học, nơi làm việc và cả ở hệ thống tư pháp.

"Chúng tôi không muốn nhận thêm báo cáo điều tra, hoặc thêm ai đó nói ‘Chúng tôi sẽ xem xét vấn đề'. Điều này phải thay đổi, ngay bây giờ”, Janine Hendry, nhà tổ chức cuộc tuần hành ngày 15/3, nói với CNN.

“Tôi không nghĩ mình sẽ là nhà hoạt động ở tuổi 58. Tôi cũng không nghĩ ở tuổi 58, tôi sẽ xuống đường để phản đối những chuyện này. Tôi nghĩ Australia đã thoát khỏi vấn đề, nhưng sự thật là chưa", bà Hendry nói thêm.

Nhóm Facebook của bà Hendry, March 4 Justice (Tuần hành vì công lý), đạt được hơn 22.000 người tham gia chỉ sau 6 ngày kể từ khi được tạo ra ngày 28/2.

Và không chỉ vậy, ở London, Anh, Chanel Contos, một người đồng hương có tuổi đời chỉ bằng phân nửa bà Hendry, đang nhận được hàng nghìn email kể lại các vụ tấn công tình dục nhắm vào nữ sinh Autralia.

Phong trào của cô Chanel Contos bắt đầu từ việc một vài người bạn chia sẻ câu chuyện họ bị tấn công tình dục. Sau đó, họ mở ra một trang web, kiến ​​nghị giáo dục cho học sinh và kêu gọi tạo ra sự thay đổi.

Hai phụ nữ trên đại diện cho phụ nữ Australia ở các nhóm tuổi khác nhau, và có một điểm chung: Họ đang rất tức giận.

Cơn thịnh nộ của phụ nữ

Thật khó để xác định chính xác thời điểm đã làm bùng lên sự giận dữ của phụ nữ ở Australia.

Đó có thể là 2 tuần trước, khi Brittany Higgins, cựu nhân viên đảng Tự do, mở lời về việc mình bị cưỡng hiếp trong văn phòng bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2019.

Cáo buộc của Higgins khiến Thủ tướng Morrison phải xin lỗi. Ông Morrison cũng thông báo tổ chức một số cuộc điều tra và khẳng định văn hóa làm việc trong quốc hội sẽ thay đổi. Tuy nhiên, cách ông Morrison kể về quá trình đưa ra quyết định của mình khiến công chúng Australia phải kinh ngạc.

"Jenny (vợ ông Morrison) và tôi đã nói chuyện đêm qua. Cô ấy nói 'Anh phải nghĩ về điều này với tư cách là một người cha. Anh sẽ muốn làm gì nếu đó là con gái của chúng ta?'”, ông Morrison phát biểu. “Jenny có cách để khiến mọi thứ trở nên rõ ràng".

Điều này khiến một nữ phóng viên phải hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra nếu đàn ông không có vợ con? Liệu họ có đồng cảm với câu chuyện (của bà Higgins) hay không?".

Những người chỉ trích nói phát ngôn của ông Morrison là bằng chứng cho thấy nhà lãnh đạo này không hiểu vấn đề.

phong trao MeToo Australia anh 3

Bà Janine Hendry sẽ tổ chức một cuộc tuần hành cho phụ nữ vào ngày 15/3. Ảnh: William Chute.

Sau đó, cáo buộc khác xuất hiện làm rúng động chính trường Australia. Một bộ trưởng trong nội các bị cáo buộc cưỡng hiếp cô gái 16 tuổi hơn 30 năm trước. Nạn nhân qua đời trước khi kịp kể câu chuyện của mình, nhưng bạn bè của người phụ nữ này đã gửi tài liệu, bao gồm những dòng nhật ký của bà, cho thủ tướng và các thượng nghị sĩ đối lập.

Theo một thượng nghị sĩ nhận được các tài liệu trên, bạn của nạn nhân đã gửi kèm thư thúc giục họ hành động.

Giữa những lời đồn đoán về việc thủ tướng Australia sẽ sa thải hay đình chỉ bộ trưởng bị cáo buộc hiếp dâm, ông Morrison đã đợi đến 3 ngày rồi mới phản hồi về vụ việc.

Nhà lãnh đạo Australia không sa thải và cũng không đình chỉ Bộ trưởng Porter. Thay vào đó, ông chấp nhận lời biện hộ của bộ trưởng Tư pháp.

Công chúng Australia rất nhanh chóng phản đối động thái trên.

“Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ thấy nhiều phụ nữ tức giận đến vậy như trong 24 giờ qua. Nhiều đàn ông cũng đang phẫn nộ”, Georgie Dent, Giám đốc The Parenthood, một nhóm phi lợi nhuận dành cho phụ huynh, ngày 2/3 nói về phản ứng của người dân Australia.

Trường học là nơi khởi đầu phong trào

Phong trào #MeToo từng nổi lên ở Australia, khi phụ nữ trên toàn cầu chia sẻ câu chuyện về việc bị xâm hại tình dục vào năm 2017.

Song, phong trào này nhanh chóng lụi tàn do luật chống phỉ báng nghiêm ngặt của Australia.

Theo luật, những người tố cáo phải chứng minh tuyên bố của họ là đúng. Trong khi ở Mỹ, người bị buộc tội phải chứng minh cáo buộc đó là sai.

Vì vậy, nhiều phụ nữ Australia chọn giữ im lặng trong khi những người giấu tên để chia sẻ câu chuyện của mình lại bị tiết lộ danh tính.

Tuy nhiên, những sự kiện gần đây tại Quốc hội Australia đã gióng lên hồi chuông báo động trên khắp đất nước này.

“Đây là sự khởi đầu cho phong trào #MeToo ở Australia”, Jacqui True, giáo sư quan hệ quốc tế và giám đốc Trung tâm về Giới, Hòa bình và An ninh của Đại học Monash, nói với CNN.

Trước khi Higgins kể câu chuyện của mình và khiến cả nước rúng động, cô Contos đã cần mẫn dẫn dắt phong trào đấu tranh của mình. Contos đến London vào tháng 9/2020 để học thạc sĩ về giới tính, giáo dục và phát triển quốc tế. Song, cô vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến ở quê nhà.

Ba tuần gần đây, Contos choáng ngợp trong những câu chuyện từ những cựu sinh viên, học sinh kể về việc bị tấn công tình dục.

Phong trào đấu tranh của cô Contos bắt đầu từ một cuộc trò chuyện chân thật giữa những người bạn về việc bị các nam sinh ở trường tấn công tình dục. Những cái tên giống nhau liên tục xuất hiện với các câu chuyện tương tự về việc bị lạm dụng. Vì vậy, họ bắt đầu liệt kê các câu chuyện lại và mời những người khác tham gia.

Giờ đây, họ có một trang web với hơn 2.000 câu chuyện từ các học sinh trên khắp Australia. Họ cũng kiến ​​nghị các trường học ở nước này bắt đầu giảng dạy về tình dục đồng thuận sớm hơn cùng với kiến thức về các hành động cấu thành tấn công tình dục và cách đối phó.

Cô Contos cho biết học sinh chỉ được dạy về tình dục đồng thuận trong những năm cuối ở trường. Với nhiều người, thời điểm đó đã là quá muộn.

Để không phạm luật phỉ báng, tên không xuất hiện trong hơn 2.000 câu chuyện trên. Tuy nhiên, tên trường học của tác giả đều được đính kèm các câu chuyện.

phong trao MeToo Australia anh 4

Phụ nữ Australia tuần hành ở Sydney vào năm 2019. Ảnh: Getty.

Điều đáng ngạc nhiên là rất nhiều sinh viên nói họ không đồng thuận khi bị xâm hại tình dục, và những người gây ra việc đó không biết điều này nghĩa là gì.

“Họ nghĩ không sao cả khi nói với nạn nhân 'Tại sao lại lên lầu với tôi nếu bạn không muốn làm điều đó?'... Họ nghĩ rằng không sao cả khi cố tình chuốc rượu để một cô gái quan hệ tình dục với mình", cô Contos nói với CNN.

"Những chuyện đó không ổn chút nào, nhưng họ nghĩ rằng sẽ không sao vì mọi người đều làm vậy, và những việc đó trông có vẻ bình thường", nhà hoạt động này chia sẻ.

Contos không biết bà Hendry, người tổ chức cuộc biểu tình ngày 15/3. Tuy nhiên, bà Hendry đã nghe nói về chiến dịch của cô Contos.

“Những sự thật Chanel Contos đang tiết lộ là minh chứng cho thấy kỳ thị nữ giới vẫn tồn tại và chúng ta cần phải ngăn điều đó”, bà Hendry nói với CNN.

Vào tuần trước, cô Contos đã gặp hiệu trưởng của 9 ngôi trường để chỉ cho họ cách nói chuyện với học sinh của mình. Ngày 5/3, Cảnh sát bang New South Wales của Australia cũng thông báo họ đang hợp tác với ban giám hiệu để giải quyết vấn đề bạo lực tình dục trong trường học trên toàn bang.

'Phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh không đứng phía sau nữa'

Tại tọa đàm về phụ nữ do Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM tổ chức, các diễn giả đồng ý rằng bất bình đẳng giới là vấn đề mang tính hệ thống và đặt ra định mức là giải pháp hiệu quả.

Bộ trưởng Tư pháp Australia bị cáo buộc hiếp dâm

Bộ trưởng Tư pháp Christian Porter nhận mình là người bị tố cáo tấn công tình dục tuần trước, nhưng sẽ không từ chức vì ông nói mình "chưa từng thực hiện các hành vi bị cáo buộc".

Như Trần

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm