Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phận người ở làng 'đinh tai, nhức óc'

Giàu lên từ nghề tái chế sắt thép, song cuộc sống của người dân thôn Đa Hội (Bắc Ninh) luôn bị bủa vây bởi tiếng ồn, khói bụi, thậm chí tai nạn nguy hiểm...

Ru trẻ bằng... tiếng máy cán thép

Mới hơn 7h sáng nhưng cả thôn Đa Hội (phường Châu Khê, TX Từ Sơn, Bắc Ninh) đã nhộn nhịp như một đại công trường với vô vàn âm thanh chói tai, chát chúa. Trên con đường chính dẫn vào làng, hàng loạt phương tiện từ ô tô tải, công nông, xe cải tiến… chất đầy sắt thép, nối đuôi nhau ì ạch bò từng bước chậm chạp, nặng nhọc. Những vạt khói bụi mù mịt bốc lên khiến người đứng cách nhau vài mét cũng chưa chắc nhìn rõ mặt...

Dừng chân ở quán nước ngay cạnh một xưởng thép giữa làng, phải “vặn volume” hết cỡ chúng tôi mới gọi được chủ quán. Rót chén nước trà đưa cho khách, chị Phương, chủ quán nói như thét: “Lần đầu đến đây hả? Chắc nhức đầu lắm phải không? Ở đây toàn xưởng sắt thép, máy móc chạy suốt ngày nên ồn lắm. Các chú tìm ai thì uống nhanh mà đi chứ ngồi lâu ở đây không chịu được đâu”.

Theo chị Phương, cả thôn Đa Hội có khoảng hơn 2 nghìn hộ thì ngót nghét 2/3 trong số này làm nghề liên quan đến sắt, thép. Nhà thì thu gom sắt thép phế liệu, nhà thì mở xưởng tái chế, hộ thì tậu xe để vận chuyển sắt thép.

Nhưng phần lớn trong số họ đều rất “đa di năng”, tức là “ôm trọn gói” từ khâu thu mua đến tái chế. Nhà nào không có vốn thì đi làm thuê, vậy nên Đa Hội có tiếng là ngôi làng “nhà nhà làm sắt, người người làm thép”.

Nước gỉ sắt lênh láng tràn khắp đường làng Đa Hội.
Nước gỉ sắt lênh láng tràn khắp đường làng Đa Hội.

Câu chuyện về tuổi thơ “lớn lên trong sắt thép” của những đứa trẻ làng Đa Hội bỗng trở nên sinh động, rộn ràng hơn hẳn qua lời kể của chị chủ quán vui tính. Chị Phương tếu táo: “Chúng tôi vẫn luôn đùa nhau rằng, trẻ con Đa Hội lớn lên không phải bằng tiếng ru của bố mẹ mà bằng tiếng ồn của máy cán thép, máy dập thép. Nói nghe lạ tai nhưng sự thật cũng gần như thế.

Có thể vài tuần đầu sau khi sinh ra, nghe tiếng máy móc chúng vẫn bị giật mình và khóc ré lên, nhưng dần dà cũng thành quen. Không quen cũng không được. Về sau kể cả có tiếng máy móc ầm ầm bên cạnh chúng vẫn không giật mình được. Thậm chí hôm nào mất điện, máy không chạy có đứa còn... mất ngủ đấy chứ”.

Tai nạn luôn rình rập

Dù đã được dành riêng một quỹ đất trong Khu công nghiệp Châu Khê song do số hộ làm nghề đông nên hiện vẫn có hàng trăm nhà xưởng tại Đa Hội. Cùng với đó là hàng trăm bể mạ kim loại, máy dập, máy cán, máy cắt thép cùng rất nhiều lò luyện phôi thép phân bố rải rác trong các hộ dân.

Đặc thù của nghề tái chế sắt thép là phải sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất. Mỗi khi một mẻ sắt mới ra lò là một lượng hóa chất không nhỏ như dung môi kiềm, a xít, sơn công nghiệp, dầu mỡ… theo dòng nước tràn ra ngoài môi trường, thấm vào lòng đất.

Thế nên, dù trời nắng hay trời mưa thì nỗi khổ của người dân vẫn chẳng khác nhau là mấy. Nắng thì đường bụi mù mịt, mưa thì nước thải từ các xưởng chảy tràn ra đường, lênh láng khắp nơi. Những dòng nước đỏ quạch ấy nếu vô tình chạm tay, chân vào mà không rửa sạch lập tức sẽ phát ngứa, thậm chí sưng tấy, ghẻ lở...

Anh Tuyên, chủ một xưởng đúc phôi thép trong làng, chia sẻ, cực chẳng đã mới phải sống trong ô nhiễm như vậy, song vì đây là nghề... gia truyền, ngoài làm sắt thép ra anh và người dân Đa Hội cũng chẳng biết làm gì!

“Nhà tôi đã làm riêng biệt với xưởng và lắp cửa cách âm, nhưng bữa cơm nào cũng phải cố nhắm mắt nhắm mũi và thật nhanh cho xong bữa vì mùi hóa chất xông vào nồng nặc không chịu được. Hôm nào trời nắng thì đố nằm được trong nhà”, anh Tuyên kể.

Thống kê của Trạm Y tế phường Châu Khê, trong những năm trở lại đây, tỷ lệ người tử vong mỗi năm vì bệnh ung thư luôn chiếm tới 50% tổng số ca tử vong ở địa phương này. Ngoài ra, người dân, đặc biệt trẻ nhỏ thường xuyên mắc các căn bệnh về đường hô hấp và các bệnh dị ứng ngoài da như: Mẩn ngứa, vàng da, ghẻ lở…

Ngoài người làng, Đa Hội còn hút không ít người từ nơi khác đến làm thuê. “Nghề này kén người lắm. Ngoài sức khỏe còn phải có sức chịu đựng cực tốt. Chịu được tiếng ồn, chịu được khói bụi, chịu được sức nóng… Nhiều anh trông to con lực lưỡng nhưng làm được vài ngày đã phải chạy làng vì sợ… điếc tai hoặc sợ tai nạn lao động”, anh Phú, một công nhân làm nghề sắt thép ở Đa Hội cho biết.

Giá ngày công làm nghề sắt thép ở Đa Hội khá cao, dao động từ 200-300 nghìn đồng/ngày công nhưng nhiều xưởng vẫn thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu lao động.

“Cách đây không lâu, một anh bạn đồng hương Bắc Giang với tôi làm nghề bốc vác sắt bị cả bó sắt rơi vào chân suýt phải cưa đi cả bàn chân. Đến lúc xuất viện sợ quá nên bỏ nghề luôn. Chủ xưởng cũng chỉ hỗ trợ vài trăm nghìn tiền thuốc còn mọi chi phí chữa trị khác đều phải tự bỏ ra vì chúng tôi hầu hết đều là lao động tự do, không được đóng bảo hiểm”, một lao động kể.

Nói về tình trạng tai nạn lao động ở làng nghề Đa Hội, ông Đỗ Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy phường Châu Khê cho biết, hầu hết các xưởng làm sắt thép ở Đa Hội chủ yếu đều thuê lao động theo hợp đồng thời vụ nên chính quyền địa phương rất khó kiểm soát.

“Khi tai nạn lao động xảy ra, người lao động và chủ xưởng lại tự giải quyết, bồi thường với nhau. Mặt khác, bản thân người lao động cũng không có ý thức tự bảo vệ mình khiến các vụ tai nạn đáng tiếc vẫn xảy ra”, ông Hiền nhận định.

http://www.baogiaothong.vn/phan-nguoi-o-lang-dinh-tai-nhuc-oc-d124894.html

Theo Quý Nguyễn/Báo giao thông

Bạn có thể quan tâm