Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phận nghèo phía sau sự hào nhoáng của Singapore

Khoảng 400.000 người dân Singapore chi tiêu ở mức gần 85.000 đồng mỗi ngày, trong khi chính phủ không đề cao chính sách trợ cấp xã hội.

Bữa ăn tối Nurhaida Binte chuẩn bị là món otah-otah, món cá nướng kiểu Malaysia cuốn lá chuối. Cô nướng cá trên một chiếc bếp ga du lịch. Nurhaida là một bà mẹ đơn thân 29 tuổi, thất nghiệp, với 6 đứa con. Đứa lớn nhất 13 tuổi, đứa nhỏ nhất mới lên 5. Cô và các con sống trong một căn hộ nhỏ, với diện tích 30 m2 và rất ít đồ đạc. Bọn trẻ ăn món otah-otah với cơm và ớt ngay trên sàn nhà, bởi chúng không có bàn ăn. Sáu đứa trẻ chia nhau một phòng ngủ đơn, trong đó nệm và chăn là những đồ đạc duy nhất. Mẹ của chúng ngủ trên ghế sofa ở phòng khách.

Hàng tuần, cô nhận rau, củ từ các tổ chức từ thiện, cùng khoảng 600 đô Sing (tương đương 474 USD) mỗi tháng từ quỹ cứu trợ của chính phủ và tiền từ một người bạn trai. Nhưng cô thừa nhận rằng số tiền đó không đáp ứng đủ nhu cầu của gia đình. Vài tháng nay, cô không có tiền để mua thuốc hen cho con gái thứ hai.

“Không ai trong gia đình dám ốm vì tình hình tài chính rất ngặt nghèo. Nuôi nấng các con khôn lớn là một cuộc đấu tranh vất vả đối với tôi. Tôi phải trông coi nhà cửa suốt ngày, suốt tuần nên nếu tìm việc, tôi phải chọn làm ca đêm. Khi bọn trẻ đi ngủ, tôi có thể ra ngoài và mấy đứa lớn nhận trách nhiệm trông các em”, cô bộc bạch về cuộc sống.

Mẹ con cô Nurhaida ăn cơm ngay trên nền nhà. Ảnh: BBC

Điều đáng ngạc nhiên trong câu chuyện của Nurhaida là cô sống ở Singapore, một trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới. Nhưng đó cũng là một trong những nơi đắt đỏ nhất. Bộ phận Tình báo kinh tế (Economist Intelligence Unit) thuộc công ty truyền thông The Economist Group, Anh xếp Singapore vào vị trí thứ 6 trong danh sách thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới. Đảo quốc Sư Tử cũng chiếm một chỗ trong danh sách 10 thị trường bất động sản đắt nhất theo công ty PricewaterhouseCoopers, Anh.

Với nền cơ sở hạ tầng tốt, trật tự an ninh ổn định và mức thuế thấp, Singapore thu hút rất nhiều người giàu trên thế giới. Hiện nay, tỉ lệ triệu phú tính theo đầu người của Singapore cao hơn so với tất cả các nước khác. Mức thu nhập bình quân tính theo đầu người cũng thuộc danh sách cao nhất, trên 51.000 USD, hơn hẳn các nước phát triển như Đức hay thậm chí Mỹ trên một số bình diện.

Nhưng khoảng cách giàu nghèo của Singapore xếp thứ hai trong các nền kinh tế phát triển ở châu Á, chỉ sau Hong Kong. Như vậy, rõ ràng người nghèo hơn ở Singpore sẽ phải vật lộn để chi trả cho các nhu yếu phẩm hàng ngày. Đảo quốc không có mức lương tối thiểu hay ngưỡng nghèo (mức sống tối thiểu), và không có điều khoản trợ cấp xã hội giống như ở nhiều nền kinh tế phát triển của châu Âu. Thực trạng trở thành một vấn đề nhức nhối tới mức những người tham gia chiến dịch chống nghèo phải đưa ra một thách thức: bạn có thể xoay sở đủ sống với 5 SGD (gần 85.000 đồng) một ngày?

Thay đổi cách nghĩ

Theo các nhà hoạt động chống nghèo, 5 SGD một ngày là số tiền còn lại trong túi của gần 400.000 người Singapore sau khi họ thanh toán hóa đơn điện nước, trường học, tiền thuê nhà, nợ trả góp và dịch vụ y tế. Caritas Singapore, tổ chức xã hội và cộng đồng của Nhà thờ Thiên chúa giáo, khởi xướng thách thức này. Tang Lay Lee, một luật sư và nhân viên xã hội của tổ chức, cho biết, họ muốn thay đổi quan điểm của người Singapore về người nghèo.

“Suy nghĩ của con người sẽ không thay đổi chỉ vì các thông số và thông tin về đói nghèo. Chúng tôi muốn họ tự cảm nhận khi đặt bản thân vào vị trí của một người sống qua ngày với 5 SGD cho thức ăn và nhu cầu đi lại”, Lay Lee nói.

Laurence Lien, một nghị sĩ, đã đưa vấn đề ra trước quốc hội: “Các nhà nghiên cứu xã hội ước tính 10-15% hộ gia đình có mức thu nhập thấp. Chúng ta không thấy cái nghèo trong những người ngồi đây. Quanh đây cái nghèo đói xác xơ không hề hiện diện. Và đó là lý do tại sao (chúng ta) không hiểu về cái nghèo. Nếu bạn nhìn vào cơ sở hạ tầng, bức tranh thật xinh đẹp. Nhưng những việc xảy ra đằng sau các cảnh cửa đóng kia là một câu chuyện khác đối với hầu hết các gia đình”.

Ông Lien cho biết, mặc cho các nỗ lực của chính phủ, vấn đề trở nên tồi tệ hơn trong thập kỷ vừa qua do ảnh hưởng của toàn cầu hóa và làn sóng công nhân lương thấp người nước ngoài, khiến mức lương của nhiều công nhân người Singapore giảm. Như vậy, thu nhập của 20% dân số nghèo nhất của Singapore càng tệ hơn.

Nhưng ông Lien cũng nhận xét rằng đặc tính của đất nước Singapore cũng là một nhân tố.

“Xã hội Singapore phát triển trên nền tảng trọng dụng nhân tài. Nếu bạn thành công, đó là nhờ vào nỗ lực của riêng bạn. Nếu bạn thất bại, đó là lỗi của bạn. Nhưng chúng ta cần thay đổi cách diễn giải đó vì con người có các cơ hội khác nhau và điều kiện khác nhau. Những kiểu tư duy như vậy có thể cản trở họ thoát khỏi bẫy nghèo”, ông giải thích.

Nghị sỹ Laurence Lien đã đưa vấn đề thoát nghèo ra trước quốc hội Singapore. Ảnh: BBC

“Cột chống đỡ” mang tên phúc lợi xã hội

Kế hoạch ngân sách Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam mới công bố đã hướng tới vài trong nhiều vấn đề của tầng lớp người nghèo. Mục tiêu của kế hoạch ngân sách - xây dựng một xã hội công bằng và vô tư - có thể đẩy chính phủ vào tình trạng thâm hụt trong năm 2014 và 2015.

Chính phủ sẽ trợ cấp chi phí gửi trẻ cấp mầm non cho nhiều hộ gia đình hơn, để giúp những gia đình như của cô Nurhaida, cũng như trợ giá phương tiện giao thông đối với người khuyết tật. Nhưng một phần trong khoản chi của chính phủ sẽ dành cho người già. Singapore đang chi khoảng 7 tỷ USD trợ cấp y tế suốt đời cho người cao tuổi. 450.000 người từ 65 tuổi trở lên hưởng các ích lợi y tế, từ chăm sóc đặc biệt tới bảo hiểm. Dân số già của Singapore tăng trưởng nhanh nhất do tỷ lệ sinh đẻ thấp.

Đảo quốc Sư Tử là địa điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng thế giới. Ảnh: Freelanceflaneur

Nhưng mặc dù đất nước rất giàu, sự bất mãn bắt đầu xuất hiện. Đảng Nhân dân Hành động (PAP) - vốn cầm quyền hơn nửa thế kỷ - đối mặt với kết quả bầu cử tệ nhất vào năm 2011 so với bề dày thành tích của đảng. Từ năm 1966, đảng PAP luôn chiếm đa số ghế trong quốc hội. Năm 2011, lần đầu tiên đảng Công nhân đối lập giành được 6 ghế. Từ đó tới nay, PAP mất thêm hai ghế nữa qua các đợt bầu cử. Một số nhà phân tích cho rằng PAP đang cố gắng xoa dịu các cử tri ngày càng đòi hỏi cao hơn.

Eugene Tan, phó giáo sư ngành luật của đại học Quản trị Singapore (Singapore Management University), thường đưa ra nhiều nhận xét về nền chính trị trong nước. Ông cho rằng về mặt kinh tế, Singapore có thể hỗ trợ tốt những người khó khăn. Nhưng về mặt chính trị, trợ cấp không được ưa chuộng.

“Đó rõ ràng là con đường dẫn tới sự bất hợp lý về kinh tế, vì nó hạ thấp chân giá trị của sức lao động trong một xã hội căm ghét và không thực hiện chương trình trợ cấp. Người dân rợ rằng họ phải vắt kiệt sức lực vì một cơ cấu xã hội mà điển hình là cái nghèo, nơi phúc lợi trở thành chiếc cột chống đỡ”, ông phân tích.

Augene cũng thừa nhận Singapore đang quan tâm tới trợ cấp xã hội nhiều hơn mặc dù chính phủ vẫn rất thận trọng. Nhưng ông cho rằng, dù Singapore theo hay không theo con đường của nhiều nền kinh tế phát triển khác để chu cấp tiền cho những gia đình như Nurhaida, đó sẽ vẫn là “một cuộc đi dạo nguy hiểm trên dây”. 

Xuân Yến (theo BBC)

Bạn có thể quan tâm