“Bắn tỉa” từ năm 2009
Phần mềm nghe lén ĐTDĐ bắt đầu xuất hiện trên thế giới từ năm 2006. Tuy nhiên ở VN mới được biết đến từ năm 2009, khi một vụ bán chui bị công an bắt giữ. Cách bán ấy khi đó được gọi là “bắn tỉa”, làm ăn nhỏ lẻ, lén lút thông qua rỉ tai nhau hoặc rao trên 1 số trang mạng.
Vụ bán phần mềm nghe lén ĐTDĐ bị triệt phá tại TPHCM năm 2009. |
Tháng 7/2014, một tay “bắn tỉa” tên là Phạm Đình Bảo đã bị PC15 Công an TP.HCM bắt quả tang khi đang thực hiện việc bán phần mềm nghe lén điện thoại di động. Gói dịch vụ được Bảo rao giá 1.300 USD. Thời điểm ấy, Bảo đang là giám đốc công ty thám tử Trinh Thám.
Trong danh sách ghi lại cho thấy, khách hàng của Bảo có hơn chục người đã mua và cài đặt phần mềm trên. Vào thời điểm ấy, phầm mềm nghe lén ĐTDĐ có thể cài đặt trên các smartphone chạy hệ điều hành iOS (iPhone), Android (Samsung), hay nhiều dòng máy của Motorola, Panasonic...Việc cài phần mềm nghe lén (gián điệp) vào điện thoại chỉ cần mất từ 10-15 phút.
Tuy nhiên, phương thức cài đặt của thời “bắn tỉa” Phạm Đình Bảo vẫn khá sơ khai so với cách làm của công ty Việt Hồng bây giờ. Bảo cần khách hàng mang điện thoại đến trong khoảng ít nhất 10 phút để bắn phần mềm nghe lén sang, thông qua kết nối Bluetooth hoặc copy từ thẻ nhớ. Trong khi đó, dịch vụ Việt Hồng cung cấp hướng dẫn cách khách hàng truy cập vào trang web để tải phần mềm nghe lén, hoặc gửi tin nhắn để nhận đường link tải về
5 năm sau vụ công ty Trinh Thám, các phần mềm nghe lén ĐTDĐ được rao bán tràn lan trên mạng. |
Tiện ích của phần mềm nghe lén thời bán theo kiểu “bắn tỉa” cũng còn khá hạn chế, chủ yếu là theo dõi cuộc thoại, tin nhắn, hay định vị tọa độ vị trí người bị nghe lén, ghi âm thanh xung quanh trong vòng bán kính khoảng 15m. Phổ biến nhất vào thời điểm đó là một phần mềm có tên SpyPhone.
Bán tràn lan và cung cấp dịch vụ qui mô
Trong 5 năm qua, thị trường đen cung cấp dịch vụ cài đặt phần mềm nghe lén ĐTDĐ đã có bước phát triển khá mạnh. Nhiều trang mạng quảng cáo tràn lan dịch vụ này với rất nhiều địa chỉ website và phần mềm khác nhau, và hầu hết tương thích với tất cả các loại hệ điều hành từ iOS, Android cho đến Windows Phone. Chưa hết, nhiều kho ứng dụng thậm chí còn cung cấp các phần mềm gián điệp miễn phí, mà người dùng smartphone có thể tải về sử dụng bất cứ lúc nào, và việc này cho đến nay các cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát, chỉ trông chờ vào sự đề phòng cảnh giác cao độ của người sử dụng.
Theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch công ty An ninh mạng Bkav, việc viết các phần mềm loại này ngày nay cũng đã đơn giản hơn, nhờ có những thư viện mã nguồn mở có sẵn trên mạng để từ đó phát triển thêm, như trường hợp Ptracker của công ty Việt Hồng.
Sau khi cài đặt thành công phần mềm Ptracker, tất cả các dữ liệu như danh bạ, tin nhắn, các cuộc gọi đi, gọi đến, âm thanh ghi âm xung quanh, hình ảnh, video, thống kê lịch sử truy cập trang web, lộ trình di chuyển, vị trí hiện tại của máy bị nghe lén đều được giám sát, và sẽ được tự động lưu lại trên máy chủ của công ty Việt Hồng đặt tại Việt Nam. Chỉ riêng dữ liệu về số tài khoản sử dụng dịch vụ của Việt Hồng lên đến hơn 14.000 máy điện thoại bị theo dõi đã cho thấy qui mô của nhà cung cấp dịch vụ này. Người sử dụng phần mềm nghe lén, sau đó chỉ cần đăng nhập vào tài khoản của cty này là đã xem được tất cả thông tin điện thoại bị giám sát.
Lợi hại hơn nữa so với thời “bắn tỉa”, phần mềm Ptracker còn có khả năng ra lệnh điều khiển từ xa như qua 3G hoặc kết nối GPRS để ghi âm xung quanh, nghe âm thanh xung quanh, quay video, chụp ảnh.v.v…Thậm chí, việc quản lí máy không theo SIM mà theo số IMEI (mã quản lí vùng quốc tế của thiết bị di động), vì vậy khi chiếc máy bị theo dõi được chuyển sang chủ khác, thì người dùng mới vẫn có thể nằm trong vòng bị theo dõi.