Bluezone là ứng dụng giúp nhận biết khi có sự tiếp xúc gần với người bệnh đã được xác định nhiễm Covid-19. Ứng dụng này do Cục Tin học hoá, Bộ TTTT chủ trì phát triển với sự tham gia của Bkav và một số nhóm khác của Việt Nam.
"Phần mềm chỉ ra đúng những người tiếp xúc gần và đủ lâu, có thể lây nhiễm; tránh việc một người bị lây thì cả làng, cả khu bị cách ly", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói tại buổi ra mắt.
Ứng dụng Bluezone được nhóm phát triển gọi là "khẩu trang điện tử", để bảo vệ người dùng và cộng đồng trước dịch bệnh. Ảnh: Văn Đặng. |
Tại buổi ra mắt, Bộ trưởng Bộ TTTT cũng giải thích ứng dụng Bluezone không thu thập thông tin người dân, và sẽ được phát hành dạng mã nguồn mở để mọi người có thể giám sát.
"Phần mềm này sẽ mang tính toàn cầu khi nó được để ở dạng nguồn mở để các quốc gia được chia sẻ; các công ty và các hãng công nghệ lớn như Apple, Google sẽ cùng chung tay phát triển; và để người dân cùng giám sát phần mềm mình đang dùng có an toàn hay không", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Sáng 27/4, trên trang web của đơn vị phát triển phần mã nguồn đã được mở, dẫn sang nền tảng lưu trữ mã nguồn mở GitHub của Microsoft. Nhóm phát triển cũng công bố white paper về quá trình phát triển và một số vấn đề còn tồn tại của ứng dụng trên website.
Trước đó, khi ứng dụng Bluezone được phát hành trên hai kho ứng dụng của Android và iOS vào ngày 24/4, đã có một số phản hồi về tính bảo mật và quyền riêng tư của ứng dụng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định chính quyền không thu thập thông tin của người dân, dữ liệu được lưu lại trên điện thoại. Ảnh: MIC. |
Ông Dương Ngọc Thái, kỹ sư bảo mật đang làm việc tại Google cho biết trên trang cá nhân phần mềm Bluezone có lỗ hổng, và lỗ hổng này đã được thông báo cho đơn vị phát triển.
Đáp lại các phản hồi về tính bảo mật, đại diện của Cục Tin học hoá cho biết trong quá trình xây dựng đã làm việc trực tuyến với đại diện của Google và Apple, nhóm phát triển ứng dụng tương tự trên thế giới là SafePaths của MIT, Mỹ để thảo luận về các vấn đề.
Ứng dụng trước khi được công bố chính thức cũng đã được nhiều đơn vị chức năng đánh giá, gồm Cục Tin học hoá, Cục An toàn thông tin của Bộ TTTT; đại diện của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an.
Cục Tin học hoá và nhóm phát triển đã gửi thư mời hơn 100 chuyên gia cùng tham gia sử dụng, phản biện. Phần mềm sẽ được liên tục cập nhật dựa trên những góp ý của chuyên gia.
"Việt Nam là một trong số ít quốc gia đến thời điểm này có kế hoạch mở mã nguồn sản phẩm. Đây cũng là một bước thay đổi đột phá trong tư duy làm ứng dụng phục vụ cộng đồng", đại diện Cục Tin học hoá cho biết.
Cục Tin học hoá cũng kêu gọi cộng đồng chuyên gia khi có ý kiến tham gia thì trực tiếp trao đổi, thảo luận trong nhóm phát triển trước để cùng làm rõ bản chất của vấn đề, tránh hiểu nhầm, gây hoang mang dư luận.