"Tôi là một trong những nghệ sĩ chăm chỉ và nghiêm túc nhất showbiz. Nói vậy không có nghĩa là kiêu ngạo. Tôi nhận nghiêm túc chứ không nhận mình giỏi nhất", Phan Mạnh Quỳnh nói.
Sau 8 năm trong showbiz, anh vẫn nói bằng chất giọng thuần khiết của quê hương ở Diễn Châu, Nghệ An. Nhạc của anh cũng thường mang âm hưởng làng quê, từ đời sống, tinh thần và tâm linh, dù anh cũng có thể sáng tác đa dạng, đôi khi viết rất “thị trường”, theo lời anh tự nhận.
“Khán giả của tôi phải là những người sâu lắng. Những người ít hoài niệm sẽ không thấy đã lắm khi nghe nhạc của tôi”, anh nói, vẫn vẻ điềm đạm. Phan Mạnh Quỳnh là như vậy, giọng nói mộc mạc nhưng thông điệp cho thấy một nghệ sĩ biết mình là ai và có tham vọng.
- “Hồi ức” và “Ngày chưa giông bão”, 2 ca khúc nhạc phim “Người bất tử” của anh, đang được khán giả khen ngợi. Anh được đạo diễn Victor Vũ mời làm nhạc như thế nào?
- Anh Victor Vũ là một trong những nhà làm phim giỏi nhất hiện nay ở Việt Nam. Hợp tác với Victor là điều không thể không tự hào. Từ trước đến nay, ca khúc nào tôi tâm huyết thì đều có chất điện ảnh trong ca từ, có thể dựng thành phim ngắn. Và càng tuyệt vời hơn khi được đạo diễn đưa hẳn vào một bộ phim dài.
Lần này, tôi may mắn là đã có sẵn bài Hồi ức từ trước. Anh Victor khi xem tôi thi Sing My Song - Bài hát hay nhất, anh đã thích bài này và muốn đưa vào phim. Còn Ngày chưa giông bão được tôi viết riêng cho phim. Để viết ca khúc này, tôi được bản demo. Bản demo có cái hay là vẫn còn rối tung, còn dây nhợ lằng nhằng và nhiều kỹ xảo chưa ghép vào. Chính tôi là người có ước mơ làm phim nên xem bản demo cũng giúp tôi học hỏi được nhiều thứ.
Ngày chưa giông bão kể về 2 con người bị đặt vào một giai đoạn đầy biến động. Họ tìm được khoảng lặng riêng tư để 2 người bên nhau. Nếu nghe ca khúc này qua giọng hát của Bùi Lan Hương, đoạn đầu các bạn sẽ cảm nhận được sự yên bình rất dễ chịu, nên thơ. Tôi dùng thủ pháp so sánh, liên tưởng để hướng tới sự so sánh về một tình yêu.
- Anh có tìm thấy ở Victor Vũ một tri kỷ?
- Tôi chưa dám gọi anh Victor là tri kỷ. Nhưng tôi, có thể nói, là một trong những người chăm chỉ và nghiêm túc nhất trong showbiz. Tôi tìm thấy ở anh Victor những đặc điểm đó, một nhà làm phim luôn muốn cống hiến và sáng tạo vì khán giả. Tôi hy vọng có nhiều dịp làm việc với anh.
Đây cũng là cơ hội để tôi hiểu thêm về một nhà làm phim giỏi. Anh Victor rất hiền lành, trầm ấm, nhẹ nhàng, nhưng cũng tạo cảm giác chắc chắn. Anh có hiểu biết về nhiều mặt khác nhau để làm nên bộ phim, không chỉ điện ảnh mà còn âm nhạc. Khi làm việc chung, anh thể hiện không ít kiến thức chuyên môn về âm nhạc tốt đến mức làm tôi ngạc nhiên và rất ấn tượng. Tôi ấn tượng khi nhìn thấy cả sự khó tính của anh.
Anh Vũ cũng rất hiểu về ca khúc của tôi. Tôi xúc động khi tìm thấy một người đồng cảm ở anh. Khi tôi viết xong ca khúc, phía đoàn làm phim có vài ý kiến vì vài câu chữ trong bài hát khiến họ không hiểu, nhưng anh Victor lại hiểu rất rõ nên tôi rất vui.
- Có góp ý nào của Victor Vũ khiến anh nhớ lâu?
- Với Ngày chưa giông bão, anh nhận xét bài hát này nghe là thích và quan trọng là “không bị sến”. Tôi coi đó là sự góp ý với âm nhạc của mình. Tôi sẽ cố gắng viết ca từ sao cho không bị sến.
- Ca từ của anh rất đa dạng và nhiều chủ đề, như “Nước ngoài, “Hồi ức”, “Tự dưng”, “Có chàng trai viết lên cây”… Làm sao để đa dạng mà vẫn trau chuốt, khi nhạc Việt gần đây có những bài hát có ca từ tục, suồng sã, thiếu đầu tư?
- Người ta có câu “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” để nói về sự phong phú của tiếng Việt. Nhưng thực ra, tiếng Việt không phong phú đến thế. Một nhạc sĩ nếu không giỏi dùng Hán Việt thì không còn nhiều từ để viết.
Những tượng đài của nhạc Việt như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên… hầu như đã viết hết những ca từ hay nhất rồi. Bây giờ, nhạc sĩ chúng tôi rất dễ đụng lại những gì họ đã viết. Thêm nữa là dấu và nốt trong tiếng Việt rất khó cho âm nhạc. Muốn lên cao bắt buộc phải để dấu sắc hoặc không dấu, rất vất vả.
Đến bây giờ, sau khi viết hơn 100 ca khúc, tôi bắt đầu cảm thấy mệt khi viết ca khúc mới. Bởi tôi phải tránh không lặp lại những ca khúc cũ của mình. Hồi ức là một bài khiến tôi tốn chất xám vô cùng vì trước đó, tôi đã có bài Bước qua thế giới cũng về chủ đề cái chết.
- Vậy anh tìm cảm hứng ở đâu để luôn có sự mới mẻ?
- Tôi là người nhạy cảm với những gì xảy ra trong cuộc sống. Con người hiện nay của tôi được hình thành từ việc cảm nhận nỗi đau của những người xung quanh. Trong âm nhạc, điều quan trọng nhất là cảm xúc của tôi khi viết câu chuyện đó.
Chẳng hạn, bài Tự dưng là cảm xúc của tôi sau khi đọc trên NEU confesstions về cô gái trẻ qua đời vì tai nạn giao thông trên đường đi mua hoa về bán dịp 8/3. Tôi viết về người bạn trai khi vẫn không thể nguôi ngoai nỗi đau sau mất mát đó. Nếu một nhạc sĩ chịu để ý và cảm nhận những điều như vậy thì sẽ viết rất cảm xúc.
- Nhạc của anh thường nói về những người đau khổ, thiệt thòi, gợi đồng cảm cao đến mức người nghe nghĩ anh không chỉ là nhạc sĩ, ca sĩ mà còn chính là con người trong bài hát. Trong cuộc sống, anh từng trải qua những chuyện đau khổ, thiệt thòi?
- Từ lúc bắt đầu hình thành tính cách, tôi đã luôn muốn tiếp nhận những câu chuyện của người khác. Khi tôi đi học, những tác phẩm tôi thích nhất không phải là thơ tình của Xuân Diệu mà là thơ Hàn Mặc Tử và văn Nam Cao. Trong nhóm bạn học chung, tôi dường như là người buồn nhất khi đọc những tác phẩm đó.
Chính nhờ điều đó, tôi dễ dàng bao dung trước những câu chuyện buồn. Thành thử khi tôi viết nhạc, mọi thứ tự nhiên đổ về và khiến câu từ ấm áp hơn.
Nhưng tôi không coi mình là người chịu thiệt thòi trong cuộc sống. Tôi có những cảm xúc mà người khác khó có được. Và tôi cũng có một tuổi thơ đẹp, cũng nghịch ngợm và có nhiều bạn bè. Tôi có ông bà nội và bà ngoại yêu thương. Đến bây giờ, ông bà vẫn còn sống với con cháu. Trong dòng họ, tôi cũng có nhiều anh em nên rất đông vui.
Khi lớn lên, tôi biết cảm giác yêu đơn phương và cũng biết cảm giác yêu một người được đáp lại. Tôi có trải qua nhiều lần bị lừa dối và oan ức, nhưng nhận ra rằng mình chỉ thiệt thòi nếu nhìn từ góc độ bản thân mình. Còn người khác chưa chắc đã thấy vậy. Tôi có thói quen lật ngược lại những câu châm ngôn tưởng chừng rất đúng. Đó là cách tôi trở nên bao dung.
- Việc bị lừa dối, oan ức không khiến anh trở nên bi quan với cuộc sống?
- Đó là những chuyện đã cũ và đã qua. Khi vẫn còn đối mặt, tôi cảm thấy rất tăm tối và tiêu cực. Nhưng may mắn của tôi là được người khác động viên kịp thời. Tôi có đức tin tôn giáo nên nhìn cuộc đời từ tốn hơn. Tôi theo đạo Thiên chúa do gia đình có đạo.
- Nhiều nghệ sĩ chấp nhận làm mờ cá tính để có đông khán giả hơn. Anh có đứng trước lựa chọn đó?
- Có chứ. Đôi khi tôi nghĩ hay là viết thị trường hẳn đi vì đoán mình làm được. Tôi đọc thị trường khá tốt. Tuy nhiên, nghệ sĩ cần có cái tôi và lập trường cứng rắn để tạo ra dấu ấn. Để được mọi người nhớ lâu thì phải “dị dị” một chút, đừng thị trường quá.
Có những người thị trường một cách thuần khiết, cái đó tôi không trách. Nhưng có những người đủ khả năng để làm nhạc thật hay, họ lại chọn cách bớt hay đi để đến với số đông. Như vậy thì vật chất quá, mất đi tính nghệ sĩ và thú vị.
- Anh nói mình đọc thị trường khá tốt, anh có thể chứng minh điều đó?
- Hồi mới vào nghề, năm 2012-2013, tôi viết nhạc thị trường rất nhiều. Viết để kiếm sống mà. Dù thị trường nhưng tôi cũng có gắng đầu tư vào ca từ. Khi sáng tác, tôi từng nghĩ phải viết sao để có nhiều lượt nghe hơn. Sau đó, tôi rơi vào bế tắc vì cứ chạy theo thị trường. Tôi tự nói với bản thân: “Nếu cứ làm thế này thì lãng phí lắm, cố gắng viết cẩn thận hơn đi”.
- Sơn Tùng M-TP là ca sĩ giữ được cá tính mà vẫn đến được với số đông. Đó là trường hợp hiếm?
- Sơn Tùng M-TP là nghệ sĩ hiếm của showbiz Việt. Bạn ấy vừa đẹp trai lại có phong thái rất tự tin. Sự tự tin thúc đẩy con người ta làm được nhiều thứ lắm. Sơn Tùng xuất hiện đúng lúc nhạc Việt đang thiếu một nhân tố tiệm cận với Hàn Quốc. Trường hợp của bạn ấy đủ cả thiên thời, địa lợi cộng với tài năng.
Trong Vpop hiện nay, Sơn Tùng có lượng fan đông nhất và được ủng hộ cuồng nhiệt. Cách bạn ấy làm nhạc rất hay, đúng mô típ của Hàn Quốc, bạn ấy có nhiều yếu tố trở thành một ngôi sao như thế. Cách hoạt động của cộng đồng fan cũng theo kiểu Hàn Quốc và giúp ích nhiều cho việc quảng bá ca khúc mới.
Xét về thương hiệu, như Sơn Tùng là rất tốt rồi. Nhưng âm nhạc còn có thứ quan trọng hơn là sự lay động tâm hồn và sự hướng thiện. Biết đâu những nghệ sĩ ít tiếng tăm hơn lại làm được điều đó.
- Phải chăng Sơn Tùng may mắn hơn anh khi cùng theo đuổi cá tính nhưng anh ấy được đón nhận hơn, tên tuổi đại chúng hơn?
- Nếu xét về lượng khán giả để đánh giá sự may mắn thì bạn ấy đang may mắn hơn tôi, vì bạn ấy tổng hòa và hội tụ đủ mọi yếu tố.
- Anh có nhiều ca khúc sâu lắng nhưng lượng người xem, nghe lại khá ít. “Có chàng trai viết lên cây” có 7 triệu lượt, “Hồi ức” 2 triệu hay video biểu diễn “Nước ngoài” là 7,6 triệu. Điều đó có khiến anh buồn?
- Có nhiều nghệ sĩ không hot nhưng là những người xuất sắc ở đẳng cấp thế giới. Tôi thấy những MV của họ quay như phim điện ảnh, nhưng mấy năm trời cũng chỉ 1, 2 triệu lượt xem. Lượt xem của họ thấp hơn tôi, chẳng lẽ tôi lại nói mình hơn người ta, trong khi tài năng của người ta thuộc tầm thế giới?
Đó là cách tôi an ủi chính mình. Nếu cứ nhìn vào những lượt nghe, lượt xem thấp để cảm thấy bi quan và thua thiệt, tôi sẽ chẳng làm được gì nữa. Tôi cứ tập trung vào việc mình làm thôi.
- Anh nghĩ sao về khán giả của mình, khi họ chọn anh giữa một rừng ca khúc hot hơn trên các bảng xếp hạng?
- Khán giả của tôi phải là những người sâu lắng. Hồi ức, Có chàng trai viết lên cây, Nước ngoài hay Ai cũng có ngày xưa là những bài mà tôi tự hào là sâu sắc nhưng ít người nghe. Thứ nhất, vì giai điệu không bắt tai lắm ngay từ đầu, chủ đề cũng không hẳn là tình yêu kiểu lãng mạn bây giờ. Thứ hai, các bài hát cũng có nhiều lớp nghĩa, cần chịu khó phân tích mới hiểu được.
Nếu khán giả nào thích bài hát của tôi ngay từ đầu, có nghĩa là họ cũng được trang bị tâm hồn để cảm nhận. Điều này không phải ai cũng may mắn có được. Cũng là sinh ra ở quê, nhưng không phải ai cũng có trải nghiệm giống nhau hay hoài niệm về thời thơ ấu ở quê. Những người ít hoài niệm sẽ không thấy đã lắm khi nghe nhạc của tôi.
- Từng không được coi trọng trong giới âm nhạc (với ''Vợ người ta''), nhưng anh ngày càng nhận được sự yêu mến từ khán giả, đồng nghiệp. Hà Anh Tuấn nói anh “không phải người thường”. Mỹ Tâm hát nhạc của anh. Anh nghĩ sao khi đồng nghiệp khen mình?
- Nhu cầu quan trọng nhất với tôi là được tôn trọng. Tôi làm nhạc đến nay đã được 8 năm rồi. Thời gian đầu, tôi cũng tạo được một số bài hit cho các anh chị ca sĩ. nhưng khán giả chưa biết đến tôi nhiều. Tôi vẫn tiếp tục làm việc thôi. Trong cuộc sống này, được trao nhiệm vụ gì thì mình vẫn phải làm tốt nhất có thể.
Khi được các anh chị ca sĩ nghiêm túc trong nghệ thuật đánh giá cao, tôi rất vui và có gì đó tự hào. Với anh Hà Anh Tuấn, cái duyên hợp tác đã có từ mấy năm trước. Đó là khi tôi ra ca khúc Nước ngoài, anh đã viết một bài khen ngợi trên Facebook. Bạn bè đưa cho tôi đọc, tôi rất ngạc nhiên.
Còn câu “không phải người thường” của anh Hà Anh Tuấn thì chẳng qua anh khen cho vui với động viên tôi thôi, vì tôi đang làm với anh một album. Lúc đầu chỉ tính làm vài bài, bây giờ lại dự định thành album hẳn hoi. Bây giờ tôi viết đến bài thứ 5, cũng khá vất vả nhưng tôi đặt nhiều tâm huyết vì anh Tuấn rất khó tính và thực sự thấu hiểu những gì tôi viết.
- Hà Anh Tuấn có cover bài “Có chàng trai viết lên cây” của anh. Nhưng khán giả nhận xét “không được thổn thức và da diết như Phan Mạnh Quỳnh”. Anh nghĩ sao về điều này?
- Đó là cảm giác về lần nghe đầu tiên thôi. Đôi khi một bài hát đã được ấn định bởi một giọng ca, thì ta sẽ có cảm giác khắt khe hơn với giọng ca khác. Anh Hà Anh Tuấn là người thổi hồn vào ca khúc rất tốt. Nếu mọi người nghe anh ấy hát nhiều cũng sẽ nhận ra cái hay riêng.
Tôi có lợi thế là người hiểu câu chuyện của bài hát mình nhất. Khi tôi hát, sẽ có những cảm xúc vô tình len lỏi vào bài hát, khiến mọi người chú ý. Nhưng để nói là người hát hay nhất thì tôi không dám chắc, vì giọng tôi không xuất sắc lắm. Tôi cũng từng bị chê là dù sáng tác nhiều, nhưng do giọng tôi thể hiện nên bài nào cũng giống bài nào.
- Trước đây, anh bỏ showbiz về quê để nuôi dưỡng cảm hứng sáng tác. Còn gần đây, người ta lại thấy anh trong vai trò giám khảo, tham gia hoạt động showbiz, nguồn cảm hứng của anh có mai một hay chuyển hướng?
- Tôi luôn là người con của làng quê và viết về làng quê. Điều đó không bao giờ thay đổi. Nếu cuộc đời ưu ái, năm 2020 tôi sẽ ra mắt album mang tên Làng. Dự án này được tôi ấp ủ 6 năm rồi và làm từ từ chứ không vội vàng. Quê tôi ở làng Vạn Phần, Diễn Châu. Từ nhỏ đến nay, tôi đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện của người dân quê. Tôi nghĩ nếu mình không kể lại, lưu giữ lại thì có một ngày, những câu chuyện đó sẽ phai nhạt trong ký ức của các thế hệ sau.
- Qua cuộc trò chuyện này, có thể thấy anh nói rất nhẹ nhàng nhưng nội dung thông điệp luôn mạnh bạo. Trước đây là “Tôi muốn làm tượng đài của Vpop”, bây giờ là “Tôi là một trong những nghệ sĩ chăm chỉ và nghiêm túc nhất showbiz”. Anh có sợ bị coi là thiếu khiêm tốn?
- Khi mọi người đọc một phát biểu của tôi qua báo chí, họ sẽ có cảm giác hoàn toàn khác so với khi ngồi nói chuyện trực tiếp với tôi. Câu nói “tượng đài Vpop” là khi tôi được hỏi có muốn làm ngôi sao Vpop không. Tôi nói mình không hội tụ đủ yếu tố làm ngôi sao, vì ngôi sao thì phải đẹp và tự tin hơn nhiều. Trái lại, tôi muốn trở thành một hình tượng được nhớ đến qua nhiều năm, cần một quá trình lâu dài, như một tượng đài vậy.
Qua câu nói đó, tôi không hề tự mãn. Đó là ước mơ của tôi, cũng là mục tiêu sống.
Còn khi phát biểu “chăm chỉ và nghiêm túc”, tôi cũng không hề kiêu ngạo. Đó là điều tôi muốn và vẫn đang làm được. Tôi chỉ nhận mình “nghiêm túc nhất” chứ không hề nhận mình “giỏi nhất”.