Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Phân lô bờ sông Sài Gòn chỉ dành cho người giàu’

Đây là ý kiến của Đại biểu quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa, trước tình trạng bờ sông Sài Gòn đang bị lấn chiếm nghiêm trọng và có dấu hiệu lợi ích nhóm.

Ngày 18/10,  Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các ĐBQH làm việc với UBND TP.HCM, giám sát về tình hình thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ở TP.HCM.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn bày tỏ lo lắng về tính trạng bờ sông Sài Gòn bị tư nhân hóa, điều này trái ngược với xu thế phát triển.

bo song sai gon anh 1
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, bờ sông Sài Gòn đang được khai thác vì mục đích thương mại chứ không phải phục vụ người dân thành phố. Ảnh: Hiếu Duy. 

Bởi ở nhiều nước, bờ sông đơn thuần là không gian công cộng, phục vụ công chúng. Tuy nhiên ở Việt Nam, đặc biệt là ở TP.HCM, bờ sông đang được khu biệt cho tư nhân khai thác và sử dụng.

“Tôi thấy bờ sông Sài Gòn ở TP.HCM dường như là của một số người giàu, người có tiền chứ không phải không gian công cộng, là mảng xanh, công viên phục vụ cho hơn 10 triệu người dân thành phố đến vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi.

Không phải thành phố nào cũng có con sông đẹp như sông Sài Gòn ở TP.HCM. Tuy nhiên, tôi thật sự lo lắng khi nó đang bị lấn chiếm hàng này, thậm chí phân lô bờ sông thì bị nhóm lợi ích chi phối ”, ông Nghĩa bức xúc.

bo song sai gon anh 2
Một dự án xây dựng lấn sông Sài Gòn vừa nhận mức phạt cao nhất đến 1 tỷ đồng và phải tháo dỡ phần xây dựng sai phép. Ảnh: Lê Quân.

Ông Nghĩa đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho biết những thông tin quản lý bờ sông Sài Gòn trong thời gian qua. Cụ thể là những dự án, những khu vực bờ sông nào được cấp cho tư nhân mà người dân không được đi vào?

Đối với nhiều khu vực lấn sống trái phép bị báo chí phát hiện đã giải quyết đến đâu?.

“Cần phải thông tin rõ Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đang xem xét, cấp phép tiếp cho những dự án nào? Kế hoạch quy hoạch hai bờ sông Sài Gòn để phục vụ cho 10 triệu dân TP.HCM ra sao? Các ĐBQH cần biết thông tin, để xem cách làm trong mười mấy năm qua đúng luật hay sai luật? Nếu sai là lỗi của ai?”, ông Nghĩa yêu cầu.

Ngoài bức xúc về tình trạng tư nhân hóa bờ sông Sài Gòn thì ĐBQH Trương Trọng Nghĩa lo lắng về chuyện đầu tư của các doanh nghiệp ngoại. Ông Nghĩa cho rằng tình trạng nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhưng không mở công ty, mà mua lại công ty của người Việt đang rất nguy hiểm.

“Đến nay chính sách chung vẫn là nước ngoài phải thuê đất 50 năm, nhưng nay doanh nghiệp nước ngoài gặp dân trực tiếp để thương lượng mua đất. Không thể vì quyền lợi của doanh nghiệp muốn bán được nhà mà ưu ái cho người nước ngoài”, ông Nghĩa cảnh báo.

Nhiều ĐBQH cho biết vẫn còn nhiều bất cập trong việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ở TP.HCM.

Hiện nay vẫn có tình trạng phải chung chi, lót tay, bôi trơn mới xong việc, nếu không việc làm giấy tờ, chứng nhận sẽ mất rất nhiều thời gian. Có cả tình trạng người “làm bừa, làm càn”, xây bừa nhà đất rồi bán mà không ai xử lý, thậm chí không xử lý được hoặc xử lý bằng cách "phạt rồi cho tồn tại".

Đất vàng bờ Tây sông Sài Gòn và sứ mệnh của đô thị hiện đại

Nhà xưởng và bến cảng đã di dời ra khỏi thành phố, những khu đất vàng bờ Tây sông Sài Gòn sẽ đảm nhận sứ mệnh đưa TP.HCM trở thành đô thị hiện đại với sự hỗ trợ của hạ tầng.




Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm