Năm 2005, Do Thi My Tien kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc hơn cô 20 tuổi thông qua một công ty môi giới hôn nhân tại địa phương. Ảnh: Thanh Niên |
Sau khi kết hôn với Lee Geun Sik, một người đàn ông Hàn Quốc, Do Thi My Tien đã rời quê hương của cô, một làng nhỏ tại tỉnh Tây Ninh, và theo chồng về nước. Năm 2005, họ tới tỉnh Nam Jeolla để sống.
Những mộng ước, hy vọng và sự hứa hẹn tan biến sau 10 năm chung sống. Hôm 24/7 năm ngoái, cảnh sát thấy thi thể của Tien dưới một hẻm núi
Theo báo cáo điều tra tại địa phương, một người hàng xóm Việt Nam đã kể với cảnh sát rằng, vợ chồng Tien đã cãi vã vào hôm trước ngày mà cô mất tích. Lee thừa nhận hắn đã giết vợ rồi ném xác cô cùng xe xuống hẻm núi, tạo dựng hiện trường giả nhằm giấu tội ác.
Cái chết của Tiên là một trong những ví dụ bi thảm về bạo lực gia đình. Theo Đường dây nóng của Phụ nữ Hàn Quốc - một tổ chức hoạt động nhằm ngăn chặn bạo lực gia đình, tổng cộng 123 phụ nữ đã bị chính chồng hoặc người yêu sát hại trong năm 2013 tại đất nước này.
Theo Diplomat, người ngoại quốc chỉ nhiếm 2,5% dân số Hàn Quốc nhưng lại là nạn nhân chủ yếu trong các ca tử vong liên quan đến phụ nữ nước ngoài từ năm 2012. Các chuyên gia tới từ các tổ chức chính phủ và phi chính phủ đều cho rằng phụ nữ nhập cư là đối tượng dễ dàng của bạo lực gia đình.
Theo một quan chức cấp cao của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, rào cản về ngôn ngữ và văn hóa là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.
"Cách đây vài thập kỷ, phụ nữ Hàn Quốc di cư sang Nhật hay Mỹ. Họ là những người nghèo. Thậm chí, họ còn chẳng biết gì về đấng phu quân tương lai. Họ không biết nói tiếng Anh nên không thể ra ngoài thường xuyên. Chồng của họ bắt đầu ít quan tâm tới vợ. Những người phụ nữ đó không thể nấu các món ăn Mỹ và cũng không đi làm", Choi Sung Ji, người chịu trách nhiệm giám sát chính sách gia đình văn hóa tại Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, giải thích lý do tại sao phụ nữ nhập cư tại Hàn Quốc thường xuyên đối mặt với nạn bạo lực gia đình.
Ngày nay tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Hàn Quốc. Phụ nữ tới từ các quốc gia Đông Nam Á tới đây và mong một cuộc sống tốt đẹp hơn mà chẳng biết gì về người mà họ lấy. Không kết hôn vì tình yêu, họ gặp chồng tương lai thông qua các công ty môi giới hôn nhân.
"Nếu những người phụ nữ đó không biết tiếng Hàn và cũng chẳng hiểu gì về văn hóa Hàn Quốc, họ sẽ rơi vào thế bất lợi và chẳng thể duy trì một mối quan hệ bình đẳng với chồng", Choi bình luận.
Tình yêu và hôn nhân
Số lượng người Hàn Quốc kết hôn với người nước ngoài ngày càng tăng. Từ năm 1990 đến 2005, khoảng 250.000 cuộc hôn nhân với người nước ngoài được đăng ký. Nhưng từ năm 2006 đến 2012, những cuộc hôn nhân kiểu này đã tăng lên tới con số 238.000.
Chiều hướng gia tăng các cuộc hôn nhân với người ngoại quốc bắt đầu từ những năm 1990, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước đã từng ở bên phía đối nghịch như Trung Quốc và Việt Nam, mở ra cơ hội giao lưu và kết nối cho người dân.
Mặc dù trong những năm 1990, các cuộc hôn nhân mang yếu tố nước ngoài chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1,2% trên tổng số các cuộc hôn nhân tại Hàn Quốc. Nhưng tới năm 2006, con số này đã đạt 13,6%, tăng gấp 10 lần.
Tính đến tháng 9/2013, Việt Nam là nước mà nhiều cô dâu lấy chồng Hàn Quốc nhất, với gần 40.000 người. Thứ tự tiếp theo thuộc về Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines và Campuchia.
Năm 2007, Hàn Quốc bắt đầu thực hiện Đạo luật Hỗ trợ Gia đình Đa văn hóa bằng cách mở hàng loạt các trung tâm văn hóa trên khắp cả nước. Các trung tâm cung mở các lớp học và nhiều dịch vụ khác nhau cho những phụ nữ nhập cư và gia đình của họ.
Mặc dù trong những năm qua, chính phủ đã thay đổi đạo luật này vài lần nhưng các trung tâm đa văn hóa vẫn tiếp tục mọc lên. Theo Diplomat, từ năm 2007, mỗi năm, Hàn Quốc mở thêm khoảng 50 trung tâm. Trong 8 năm, Bộ Bình đẳng giới đã thiết lập khoảng 217 trung tâm kiểu này. Ngân sách dành cho các gia đình đa văn hóa cũng tăng lên tới 120 triệu USD, gấp 20 lần so với trước kia.
Đa văn hóa
Các cô dâu ngoại quốc tham dự một lớp học tiếng Hàn tại Trung tâm Nhân quyền của Phụ nữ Nhập cư tại thủ đô Seol, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. |
Vai trò của các trung tâm đa văn hóa là vấn đề gây tranh cãi giữa Bộ Bình đẳng giới và các nhóm quyền nhập cư và phụ nữ.
Tuy các trung tâm đa văn hóa cung cấp các lớp học thực hành, như ngôn ngữ Hàn Quốc, nhưng họ lại không đào tạo kỹ. Ví dụ, một trung tâm chỉ tổ chức giảng dạy khoảng 400 h/năm, tương đương với 1 h/ngày.
Các trung tâm tập trung vào việc truyền đạt những vấn đề có vẻ khá huyền bí đối với các phụ nữ nhập cư như "dự án cải thiện nhận thức đa văn hóa", "dịch vụ gia đình tích hợp giáo dục", hay "dự án xúc tiến môi trường song ngữ".
Choi cho biết, mục đích của các chương trình là nâng cao sự tôn trọng đối với nền văn hóa của người mẹ trong gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, chính phủ đang quá tập trung vào vấn đề "đồng hóa văn hóa". Theo họ, lẽ ra nhà chức trách nên đẩy mạnh vấn đề bảo vệ về mặt pháp lý cho những phụ nữ nhập cư, ngăn chặn các hình vi bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức về nhân quyền của họ.
"Tại sao chúng ta lại tổ chức những lớp học này? Chúng thật vô bổ. 217 trung tâm đang tiêu tốn tiền của vào các chương trình văn hóa như vậy. Các lớp học nên nâng cao nhận thức cũng như dạy những phụ nữ nhập cư về quyền lợi của họ. Dù chúng ta đã đầu tư rất nhiều vào các trung tâm nhưng thực trạng về việc phân biệt đối xử với phụ nữ nhập cư vẫn ngày càng nghiêm trọng", Heo Young Sook, Tổng thư ký Trung tâm Nhân quyền của Phụ nữ nhập cư Hàn Quốc, nói.
Heo từng dẫn đầu một cuộc biểu tình trên đường phố tại thủ đô Seoul vào hôm 30/12 nhằm phản đối việc 7 phụ nữ nhập cư bị sát hại vào năm ngoái. Bà lên án sự thất bại của chính phủ trong vấn đề bảo vệ phụ nữ nhập cư khỏi bạo lực gia đình. Heo cũng yêu cầu giới chức chú trọng tới các thay đổi có thể cải thiện tình hình.
"Một điều nhất thiết phải thay đổi là quy định về việc cấm những cô dâu mới gia nhập quốc tịch Hàn Quốc", Heo nói.
Thị thực kết hôn
Nếu chính phủ nới rộng visa F6 (thị thực dành cho những người kết hôn), thì những người mới kết hôn với công dân Hàn Quốc có thể ở lại xứ sở kim chi trong vòng 2 năm. Theo Heo, việc phải làm mới visa 6 tháng một lần khiến họ phải phụ thuộc nhiều vào người bạn đời Hàn Quốc. Tình trạng ấy có thể khiến những người nhập cư vì kết hôn dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.
Dẫn chứng cho quan điểm, Heo cho biết, một trong 7 người phụ nữ bị sát hại vào năm ngoái là một phụ nữ 22 tuổi, người Việt và mang họ Nguyen. Hung thủ giết Nguyen là một người đàn ông 37 tuổi. Y đã sát hại cô gái trẻ này tại một nhà nghỉ ở thành phố Jeju vào ngày 30/11 năm ngoái. Theo điều tra, cô gái này đã không thể làm mới thị thực vì chồng không quan tâm.
Choi cũng thừa nhận rằng Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cần làm tố hơn trong việc giáo dục phụ nữ nhập cư về các quyền lợi hợp pháp của họ. Bà cho biết, họ sẽ bắt đầu mở lớp mới, tập chung vào việc nâng cao nhận thức về quyền của những người nhập cư tại một số trung tâm đa văn hóa vào năm nay.
Bộ Tư pháp cũng thắt chặt các yêu cầu cấp thị thực kết hôn nhằm đối phó với các vụ sát hại phụ nữ nước ngoài bởi bạo lực gia đình ngày càng tăng. Dư luận ủng hộ động thái mới của Bộ Tư pháp.
Kể từ tháng 4/2014, tại Hàn Quốc, các cặp vợ chồng muốn kết hôn phải đáp ứng mức thu nhập tối thiểu hàng năm là 14,8 triệu won (tương đương 14.000 USD) và các yêu cầu về ngôn ngữ đối với người nước ngoài.
Quy định mới có thể sẽ kìm hãm tốc độ gia tăng của các cuộc hôn nhân với người nước ngoài. Một nghiên cứu về vấn đề này vào năm 2006 tại Hàn Quốc cho thấy, hơn 50% trong số 945 gia đình đa văn hóa có mức thu nhập thấp hơn mức thu nhập tối thiểu tại thời điểm đó (khoảng 8.000 USD/năm)
Liệu việc kiểm soát chặt các cuộc hôn hôn nhân mang yếu tố nước ngoài sẽ làm hạn chế nạn bạo hành gia đình và giảm thiểu số lượng các vụ phụ nữ nhập cư bị sát hại hay không vẫn là một câu hỏi cần lời giải đáp.