Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phận đời cô gái Việt bị bán 4 lần tại Trung Quốc

Phóng viên Samantha Marshall của The Wall Street Journal viết bài về những ngày tháng cơ cực của cô gái Nguyễn Thị Hoan trong những ngày tháng bên Trung Quốc.

 

Ảnh minh họa.

Hoan sống cùng bố mẹ và 4 anh chị em tại một xã phía nam của Hà Nội. Kinh tế gia đình phụ thuộc chủ yếu vào mấy sào ruộng nên cuộc sống của họ tương đối chật vật. Với mong muốn tăng thu nhập cho gia đình, tháng 6/1997, Hoan cùng anh trai quyết định ra Hà Nội tìm việc. Vì không đủ tiền mua hai vé xe buýt, người em đi xe buýt còn anh Hien đạp xe.

Vừa bước chân xuống xe trong bộ quần áo thôn quê, một phụ nữ có vẻ thân thiện đến bên Hoan và mời cô công việc sắp xếp bao đường tại nhà kho ở Hà Nội. Mức lương là 37 USD/tháng. Mức thu nhập ấy có vẻ ổn cô chỉ kiếm được trung bình 25 USD khi còn làm ở nhà. Hoan nhận lời, bắt đầu làm việc ngay. Người phụ nữ “tốt bụng” kia động viên cô làm việc và sau đó bảo Hoan ngồi lên ô tô đi lấy nguyên liệu. Hoan thấy việc đó không bất thường.

Chiều muộn hôm đó, một chiếc ô tô ngoặt vào một con đường bẩn thỉu và dừng lại. Người phụ nữ kia dẫn Hoan đi bộ khoảng 20 phút đến một túp lều và bảo Hoan đợi đó. Thế rồi, người đàn bà kia bỏ đi. Hoan không hề hay biết rằng, người mà cô cho là tốt bụng kia đã dắt cô qua biên giới Trung Quốc.

Màn đêm buông xuống, Hoan ngủ gục trên nền đất vì mệt mỏi. Bỗng nhiên, ai đó thúc vào người cô. Hoan tỉnh dậy và thấy một phụ nữ Trung Quốc to béo. Người đàn bà nói với cô: “Mày đang trên đất Trung Quốc. Mày sắp lấy chồng”.

Theo một chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển môi trường tại Hà Nội, ngón bài “thuê làm việc” khá phổ biến trong các vụ buôn người do nhiều người thất nghiệp ở nông thôn lên thành phố rất muốn có việc làm. Bên cạnh đó, những kẻ buôn người lại thường là người Việt nên nạn nhân hiếm khi nghi ngờ.

Tại túp lều nơi Hoan bị giam giữ, 6 cô gái khác đến. Hoan làm bạn với Tran Thi Nham (15 tuổi), một cô bé trong số đó.

Ngày hôm sau, khi những con buôn đang mặc cả, Hoan và Nham bỏ trốn. Họ nhảy lên xe buýt và đến một cánh đồng lúa. Họ tìm thấy chuồng bò và ngủ luôn tại đó. Sáng hôm sau, cả hai đi nhờ xe tới biên giới. Trời bắt đầu tối. Hai cô gặp một người đàn ông lạ. Người này cho họ ăn cơm. Sau đó, hai cô lại bị bắt cóc một lần nữa. Bọn bắt cóc dẫn hai cô đến nhà của một con buôn khác.

Vài giờ sau, bọn chúng bán đấu giá hai cô. Nhiều phụ nữ già và con trai họ đến xem “hàng”. Cuối cùng Hoan và Nham bị bán vào nhà thổ với giá 350 USD mỗi người. Cô biết đó là nhà thổ vì thấy tranh ảnh mát mẻ trên tường. Ngày hôm sau, Hoan bị bán lần cuối và bị dẫn lên xe bus còn Nham vẫn ở lại nhà thổ.

Bốn tháng kể từ ngày ra thủ đô tìm việc, gia đình Hoan nhận được lá thư đầu tiên từ cô với nội dung: “Bố mẹ, hãy tha thứ cho con vì đi tìm việc mà không được bố mẹ cho phép”.

Theo ông Edward Tu, nhà nhân khẩu học tại Đại học khoa học và kỹ thuật Hong Kong, chính sách một con ở Trung Quốc từ năm 1979 khiến các gia đình đều thích con trai. Vì vậy, đến những năm cuối của thế kỷ 20, thanh niên đến tuổi lập gia đình nhiều hơn hẳn nữ giới. Đó là một trong những lý do dẫn tới việc đàn ông Trung Quốc nghĩ đến giải pháp mua cô dâu. Theo Hội liên hiệp phụ nữ Trung Quốc, những nàng dâu bất đắc dĩ này có thể đến từ nhiều nước như Nga, Triều Tiên, Myanmar, Lào, song số cô dâu tới từ Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Thông thường, các cô xinh đẹp sẽ trở thành cô dâu Trung Quốc, còn cô nào xấu sẽ phải vào nhà thổ.

Đỗ Quyên

Bạn có thể quan tâm