Bộ Công Thương mới có cuộc họp về phương án xử lý với 12 dự án đầu tư yếu kém của ngành. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh việc xử lý các dự án yếu kém rất phức tạp nhưng dù khó khăn đến mấy vẫn phải làm.
Cuộc họp của Bộ Công Thương chốt lại lộ trình xử lý 12 dự án yếu kém của ngành. Trong năm 2017, Bộ này phấn đấu hoàn thành xây dựng phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện.
Dự án Đạm Ninh Bình, một trong 12 dự án yếu kém ngành công thương. Ảnh: Hiếu Công. |
12 dự án yếu kém ngành công thương:
- Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình.
- Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc.
- Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng.
- Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai.
- Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi.
- Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ.
- Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước.
- Nhà máy thép Việt Trung.
- Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên.
- Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex).
- Dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất thuộc Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS).
- Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam.
Bộ cũng sẽ báo cáo tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án lên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí Thư, Quốc hội. Trước ngày 30/9, báo cáo được trình Chính phủ phê duyệt.
Về kinh phí khởi động lại Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Bộ Công Thương quyết định do các cổ đông của các doanh nghiệp này xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
Đối với việc xử lý tàu 104.000 DWT của Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) phải khẩn trương chỉ đạo thuê tư vấn xác định giá trị để làm cơ sở kiểm toán, quyết toán bàn giao tàu.
Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam cần tiếp tục thực hiện bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Bộ Công Thương sẽ làm việc với các bộ ngành để xem xét các đề xuất hỗ trợ các cơ chế, chính sách đối với xử lý các khó khăn, vướng mắc của các dự án, doanh nghiệp.
Bộ đặt mục tiêu đến hết năm 2018 sẽ xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp. Đến năm 2020 sẽ hàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án.
Tình hình tài chính của 12 dự án yếu kém ngành công thương. Đồ họa: Hiếu Công. |
Đặc biệt, trong giai đoạn 2017-2020, Bộ sẽ làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp.
Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là hơn 43.600 tỷ đồng. Sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên hơn 63.610 tỷ đồng (tăng 45,65%).
Vốn chủ sở hữu của 12 dự án là hơn 14.350 tỷ đồng (chiếm 22,56%), vốn vay là trên 47.451 tỷ đồng (chiếm 74,6%), còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.
Trong tổng số vốn vay, vay các ngân hàng trong nước là hơn 41.801 tỷ đồng. Trong đó vay Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) vượt 16.858 tỷ đồng và vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ hơn 6.617 tỷ đồng.
Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới ngày 31/12/2016 là trên 16.126 tỷ đồng.
Tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là 3.985 tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả là hơn 55.063 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả VDB là 10.633 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là hơn 4.299 tỷ đồng.