Phân chia quyền lực trong chính phủ Nga: ai lãnh đạo ai?
10 ngày sau khi chính phủ mới được thành lập, các nhà phân tích, bình luận của nước Nga tiếp tục đưa ra những nhận xét, phân tích về việc “ai sẽ chỉ đạo ai” giữa những người của phủ tổng thống và chính phủ mới…
>> Medvedev được bầu làm lãnh đạo đảng cầm quyền
>> Dmitry Medvedev đã trưởng thành thế nào?
>> Tư lệnh Hải quân Nga bị sa thải vì chống lệnh cấp trên
Quá trình bổ nhiệm nhân sự mới vào bộ máy của Điện Kremlin và nội các mới khiến các chuyên gia rằng, chính phủ của Thủ tướng D.Medvedev sẽ chịu một sự kiểm soát kép: từ phía Tổng thống V.Putin và Thủ tướng Medvedev. Họ đồng ý rằng, trung tâm đưa ra các quyết định là điện Kremlin nhưng chưa thống nhất rằng ai sẽ là người chịu trách nhiệm triển khai chính sách.
Tổng thống V.Putin (phải) và Thủ tướng Medvedev - hai cột trụ của chính trường Nga. |
Trong việc hình thành một cơ cấu quyền lực như vậy, các nhà phân tích nhìn ra được một cái gì đó gượng ép và họ cũng không loại trừ khả năng: sự hòa hoãn tạm thời trong quan hệ giữa ông Putin và ông Medvedev sẽ sớm bị thay đổi.
Theo ý kiến của ông Boris Makarenko (Viện Nghiên cứu phát triển thời đại), trong điện Kremlin hình thành “chính phủ dự bị”. “Thực tế thì chẳng diễn ra một sự thay đổi nào trong vấn đề nhân sự của chính phủ mới. Bản chất quyền lực không thay đổi. Và theo khuynh hướng này, sẽ diễn ra hàng loạt xung đột. Trong hệ thống điều hành quốc gia sẽ xuất hiện những hình thái khác nhau của những căng thẳng đầy tính quan liêu và chính điều này sẽ làm giảm tính năng động, hữu ích của chính quyền”, ông Boris Makarenko nhận định.
Hiện vai trò chính kiểm soát các đảng phái (trong đó có đảng Nước Nga Thống nhất hiện với ông Medvedev là Chủ tịch) và diễn tiến các cuộc bầu cử vẫn thuộc về bộ máy điều hành của phủ tổng thống. Các nhà phân tích tin rằng, chiến lược thì sẽ do điện Kremlin vạch ra; chính phủ hiện thực hoá điều đó thông qua các trợ lý của tổng thống. Và như vậy, các cựu bộ trưởng chuyển chỗ làm - từ chính phủ vào điện Kremlin vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến những người kế nhiệm và kết quả là dần dà tiếp tục ảnh hưởng lên người đứng đầu chính phủ Dmitry Medvedev.
Ý kiến chung của nhiều nhà phân tích là: sự ảnh hưởng của bộ máy phủ tổng thống lên chính phủ mới đang ngày càng mạnh hơn. Theo các nhà phân tích, đối với các cựu bộ trưởng - giờ đã là trợ lý tổng thống, hiện giữ những công việc quan trọng thật sự trong phủ tổng thống - thì vị trí công việc mới không phải là phần thưởng an ủi đối với họ - những người “về hưu” - mà việc điều chuyển vị trí lại là một sự “nâng ngạch”.
Không phải vô cớ khi các nhà phân tích cảnh báo, chính từ sự thay đổi mang tính hoán đổi nhân sự giữa phủ tổng thống và chính phủ mới sẽ làm phát sinh một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hai nơi. Và tình hình có thể sẽ diễn tiến theo kịch bản. Hướng thứ nhất là trong trường hợp sự đối đầu căng thẳng sẽ có sự chia rẽ thành 2 phe. Hướng thứ 2 là bộ máy hiện thời của điện Kremlin sẽ dần trở thành một nội các mới tiềm năng, nếu như chính phủ của ông Medvedev tan rã trong tương lai.
Bàn chuyện nhân sự, các nhà phân tích chính trị dành sự chú ý đặc biệt đến một trong những nhân vật ảnh hưởng nhất trong chính phủ của cựu Thủ tướng Putin và là người thân cận nhất của ông Putin là Igor Setrin - người để có thể điều hành tập đoàn dầu khí Rosneft từ năm 2006, đã “loại bỏ” hàng loạt quan chức. Theo ý kiến các chuyên gia, ông Setrin tiếp tục ảnh hưởng lên chính phủ với tư cách là người đứng đầu một công ty nhà nước lớn nhất trong lĩnh vực dầu mỏ và với tư cách là một người thân tín của Tổng thống Putin.
Tuần qua, Tổng thống Putin ký sắc lệnh về việc đưa Rosneft vào danh sách những công ty chiến lược của Nga. Điều này có nghĩa, hàng loạt quyết định quan trọng sẽ phải được mang ra thảo luận trong hội đồng giám đốc và cần được sự khẳng quyết của phủ tổng thống. Như vậy, sự kiểm soát của chính phủ lên Rosneft sẽ bị hạ thấp một cách tối đa.
Tin, bài đang được quan tâm |
>> Tàu chiến Mỹ trở thành bảo tàng nổi |
Theo Lao động