Nằm cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk chưa đầy 3 km, phường Tân Lập được xem là vùng chuyên canh rau quả cung cấp chính cho thị trường thành phố. Đã có không ít nông dân bỗng lâm vào cảnh “trắng tay”, nợ nần chồng chất chỉ vì trót mua phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Bà Phạm Thị Danh (một nông dân ở đây) nhớ lại: Vào đầu năm 2014, gia đình bà đi vay mượn hơn 100 triệu đồng đầu tư trồng 1ha măng tây xanh. Ban đầu bà dùng phân chuồng và ủ trấu nên cây phát triển khá tốt.
Khi những cây măng tây bắt đầu cho thu bói thì bà Danh được một người quen giới thiệu công dụng của loại phân bón NH do Công ty cổ phần Thanh Hà (có trụ sở đóng tại Hà Nội) sản xuất nên đã mua hơn 10 chai (loại 100ml) về dùng theo đúng hướng dẫn in trên bao bì cũng như tư vấn chuyên gia của công ty.
Nông dân trên địa bàn huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) điêu đứng vì phân bón giả. |
Tuy nhiên, sau khi bón phân được gần 2 tuần thì cả vườn cây hơn 1.700 gốc bỗng nhiên vàng lá, rồi dần dần héo rũ và chết trắng. Vụ việc sau đó được bà Danh báo lên công ty nhưng chỉ nhận được sự phản hồi “sẽ xem lại” rồi rơi vào im lặng. Gia đình bà lâm vào cảnh nợ nần.
Tương tự, đầu năm 2010, hàng trăm hộ dân tại thôn 12, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp mua trả chậm hơn 105 tấn phân NPK 16-16-8-13S+TE (trị giá hơn 1,2 tỷ đồng) do Công ty TNHH Phúc Thịnh Vina (trụ sở đóng tại TP HCM) sản xuất thông qua nhà cung ứng là Xí nghiệp 373 thuộc Công ty 16 Đắk Lắk. Sau khi đưa phân về bón, hàng chục hécta lúa của bà con bỗng vàng úa, héo rũ rồi chết trắng.
Cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, 3 mẫu phân thuộc lô hàng này chất lượng đều không đạt chuẩn như nhà sản xuất công bố. Tuy nhiên, vụ việc sau đó cũng rơi vào lãng quên, người nông dân đành ngậm đắng nuốt cay mà lãnh hậu quả.
Chuyện lãnh nợ vì phân bón giả cũng trở thành không lạ với người dân Lâm Đồng. Anh Phạm Văn Thủy, ngụ tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) năm 2013 đã mua trúng gần 30 tấn phân bón của một công ty có trụ sở tại Bình Dương. Khi phát hiện phân bón kém chất lượng, anh Thủy đã không được đổi lại. Bức xúc, anh Thủy tính khởi kiện công ty này nhưng các thủ tục rất rườm rà.
Anh Thủy kể: “Tôi đã lấy mẫu gửi xuống một trung tâm ở TP Hồ Chí Minh phân tích nhằm đối chiếu với hàm lượng các chất đã được công bố. Không ít chất đạt chưa tới 10% so với mức công bố ở bao bì. Khi tòa thụ lý thì họ chối đây không phải phân của họ sản xuất mà nói họ bị làm giả. Việc lấy mẫu gửi phân tích cũng phải do cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện thì mới được công nhận…”.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện mỗi năm Lâm Đồng cần 3 triệu tấn phân bón các loại để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Lợi dụng điều này, không ít doanh nghiệp đã tung ra thị trường nhiều loại phân giả, phân kém chất lượng để bán kiếm lời bất chính.
Đương nhiên, khi dùng các loại phân này cây trồng không những không phát triển mà thậm chí còn gây héo lá, rụng hoa, còi cọc, người sử dụng bị thiệt hại nặng về kinh tế.
Theo ông Nguyễn Kiến Thiết, Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường Lâm Đồng, từ đầu năm 2015 đến nay đã tiến hành 105 vụ kiểm tra liên quan đến việc kinh doanh, buôn bán phân bón trên thị trường Lâm Đồng. Kết quả phát hiện 46 vụ vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính trên 2 tỷ đồng. Trong số vụ vi phạm có 13 vụ sản xuất phân bón không đạt mức sai số định lượng cho phép so với tiêu chuẩn công bố, 2 vụ sản xuất phân bón giả, 31 vụ vi phạm về nhãn mác, môi trường.
Cơ quan chức năng đã tịch thu gần 14 tấn phân bón giả, tạm giữ 5,5 tấn kém chất lượng. Cũng theo ông Nguyễn Kiến Thiết, các vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán phân bón tại Lâm Đồng trong những năm qua năm sau thường cao hơn năm trước.