Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Phạm Xuân Ẩn vĩ đại nhưng cô độc'

Giáo sư sử học Larry Berman, tác giả cuốn sách "X6 Điệp viên hoàn hảo" cho rằng, vì đóng nhiều vai khác nhau nên thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn trở thành người cô độc.

Sau buổi giao lưu với độc giả tại TP HCM về cuốn sách X6 Điệp viên hoàn hảo, giáo sư Larry Berman (Trưởng khoa đào tạo nhân tài ưu tú, đại học quốc gia Georgia, Mỹ) đã chia sẻ với Zing.vn về nhà tình báo nổi tiếng Phạm Xuân Ẩn.

Giáo sư sử học Larry Berman. Ảnh: Bá Ngọc

- Gặp Phạm Xuân Ẩn năm 2001, lúc đó, ấn tượng đầu tiên của ông là gì?

- Đó là người đàn ông vô cùng thân thiện và có khiếu hài hước. Đặc biệt, ông Ẩn rất thích nói và nói rất nhiều. Nếu cứ để ông ấy nói thì có lẽ nói cả ngày mất.

Tuy nhiên, tất cả những gì ông ấy nói không phải là cuộc đời làm tình báo vẻ vang của mình mà là quãng thời gian ở Mỹ. Đối với ông Ẩn, đó là thời gian bình yên nhất vì khi đó ông vô tư sống và được là chính mình, không phải đối diện với chiến tranh.

- Tiếp xúc và nghe những câu chuyện về cuộc đời tình báo của ông Ẩn có khiến ông thay đổi cái nhìn về người Việt Nam?

- Chắc chắn là có. Không những thế, trong quá trình viết sách tôi còn bay đi bay lại Việt Nam 30 lần, tiếp xúc với rất nhiều người Việt Nam từng viết về ông Ẩn, chiến đấu cùng ông ấy để tìm tư liệu và hiểu thêm. Bây giờ, tôi có thể tự nhận mình là người Việt Nam!

Với tôi, ông Ẩn như người thầy dạy sử của mình vì nhờ ông, tôi có góc nhìn khác về cuộc chiến tranh Việt Nam và Mỹ. Nếu trước đây, tôi nhìn cuộc chiến với con mắt người sử học Mỹ thì sau khi gặp ông Ẩn, tôi đã có cái nhìn theo hướng khác – góc nhìn của người Việt Nam.

- Tư liệu thực tế đến trang sách đôi khi hơi khác nhau. Ông có tin rằng mình hoàn toàn khách quan khi tiếp cận những tư liệu liên quan đến cuộc chiến giữa Mỹ và Việt Nam?

- Trước khi gặp ông Ẩn thì tôi đã có 5 cuốn sách về Việt Nam. Ông Ẩn đã đọc cả 5 cuốn sách đó và cho biết thích cái nhìn khách quan và trung thực của tôi. Lý do thứ 2, tôi được ông Ẩn tin tưởng vì tôi là người Mỹ. Ông Ẩn từng đọc qua nhiều cuốn sách viết về mình từ những cây viết người Việt nên ông muốn cuốn sách về cuộc đời mình phải được tiếp cận của một người Mỹ.

- Theo ông, vì sao ông Phạm Xuân Ẩn trở thành một tình báo hoàn hảo?

- Trong quá trình làm tình báo, ông Ẩn buộc phải đeo mặt nạ, biến mình thành con người khác. Ông không mắc sai lầm vì ông quá nhập vai. Kết thúc chiến tranh, mọi người bảo: “Giờ ông có thể là chính mình” nhưng ông Ẩn nói rằng: "Thật sự tôi là ai?". Vì thế, có người nghi ngờ rằng ông Ẩn sống quá lâu với người Anh và Mỹ, phải chăng làm tình báo cho chính họ nên mới không bị bắt? Thật sự ông ấy không bị phát hiện vì ông đóng vai của mình quá xuất sắc. Ông Ẩn khẳng định mình là người cô độc, kẹt giữa tình yêu hai đất nước vì cuộc chiến.

Ông Larry Berman (bên phải) trong buổi giao lưu sách tại đường sách TP HCM. Ảnh: Bá Ngọc

- Trong cuốn sách X6 "Điệp viên hoàn hảo", hình ảnh ông Phạm Xuân Ẩn hiện lên rất tuyệt vời. Tiếp xúc nhiều với nhà tình báo, theo ông đâu là khuyết điểm của ông ấy?

- Phạm Xuân Ẩn là người tuyệt vời, thú vị. Ông ấy chỉ có mỗi khuyết điểm là hút thuốc quá nhiều. Một ngày ông ấy hút tới 5 bao thuốc.

- Câu nói nào của ông Ẩn khiến ông nhớ nhất?

- Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông Ẩn luôn có một mục đích, mong ước: khi hòa bình, hai đất nước Việt – Mỹ sẽ hợp tác với nhau. Sự kiện tàu USS Curtis Wilbur DDG-54 của Mỹ đến Việt Nam năm 2004 như một mình chứng nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước thì ông Ẩn là một trong những người Việt Nam đầu tiên đứng trên con tàu đó. Nói về điều này, ông ấy bảo, giờ đây mình có thể an nghỉ.

Ông Ẩn làm mọi việc vì muốn giành độc lập cho đất nước. Ông ấy muốn Việt Nam phải của người Việt Nam chứ không phải của người Trung Quốc hay người Mỹ.

Thêm nữa, ông Ẩn được gửi đến Mỹ để học tập, tiếp cận văn hóa Mỹ chứ không phải để giết người Mỹ. Ông không muốn làm điều gì tổn hại đến người Mỹ. Vì vậy trong cuốn sách này là lời khẳng định, ông đấu tranh vì đất nước và vì hòa bình giữa Việt Nam và Mỹ. 

- Các tác phẩm sách khi chuyển thể sang điện ảnh luôn đứng trước nguy cơ bị phản đối vì sai lệch so với ban đầu. Ông có lường trước điều này với "X6 Điệp viên hoàn hảo"?

- Tôi nghĩ, khi dựng phim, nội dung sách bị thay đổi là bình thường, không thể đòi hỏi phim phải y chang sách. Tôi đã đọc kịch bản rất kỹ và chắc chắn sẽ sát sao với phim này vì tôi sẽ tham gia một vai diễn trong phim. Tôi làm hết sức để danh tiếng của mình không bị ảnh hưởng bởi những sai sót đáng tiếc. Tôi tin rằng cuộc đời ông Ẩn đủ hấp dẫn để làm nên một bộ phim thú vị, có giá trị nghệ thuật để tham gia các liên hoan phim quốc tế. 



Bích Hằng

Bạn có thể quan tâm