“Sĩ quan tiếp cận phải là lực lượng ưu tú nhất trong những người ưu tú được chọn. Chỉ cần một tiếng động lạ, họ phải lập tức có phản ứng”, thiếu tướng Phạm Tiến Cương nói.
Có mặt sớm 20 phút so với giờ hẹn Zing, thiếu tướng Phạm Tiến Cương, Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, cho biết đó là yêu cầu bắt buộc của chiến sĩ cảnh vệ trước bất kỳ sự kiện nào.
Vẫn còn dư âm sau lời chúc mừng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi gặp mặt kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Lực lượng Công an Nhân dân chiều 18/8, tướng Cương tự pha trà mời khách rồi hào hứng kể về những kỷ niệm khó quên khi cùng đồng đội làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các yếu nhân ở những sự kiện đặc biệt.
"Đại tướng Yevgeny Murov, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Liên bang Nga, từng xúc động nói với chúng tôi rằng: 'Không ở đâu tôi thấy yên tâm và ngủ ngon như Việt Nam' - đây là một minh chứng cho thành tựu trong suốt chiều dài 68 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của một trong những lực lượng tinh nhuệ nhất của Công an nhân dân Việt Nam", thiếu tướng Phạm Tiến Cương chia sẻ.
- Năm 2021, song song với hàng loạt sự kiện chính trị quan trọng là lịch hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Lực lượng cảnh vệ đã có những biện pháp gì để bảo đảm an toàn cho các yếu nhân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp?
- Từ khi dịch Covid-19 được dự báo có nguy cơ bùng phát, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã lên những phương án cụ thể để đối phó. Chúng tôi đặc biệt chú trọng vào số sĩ quan tiếp cận bảo vệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách quốc tế; số cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ hướng dẫn, đón tiếp đồng bào và khách quốc tế vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảm bảo an ninh trật tự Khu di tích lịch sử văn hóa Ba Đình. Đồng thời, chúng tôi cũng lên phương án cụ thể để bảo vệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh.
Trong năm 2021, hàng loạt sự kiện chính trị diễn ra dày đặc, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động xây dựng phương án. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ mất gần một năm để xây dựng phương án, khảo sát các địa điểm, chuẩn bị phương tiện và con người. Các phương án bảo vệ đều phải đặc biệt lưu ý đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trước mỗi hội nghị, chúng tôi xác định mọi nguy cơ lây nhiễm đối với đối tượng cảnh vệ. Các đơn vị của Bộ Tư lệnh yêu cầu ban tổ chức sự kiện thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch như xét nghiệm cho toàn bộ số cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ và những người tham gia phục vụ; khử trùng hội trường, phòng họp trước khi sử dụng; bố trí nước sát khuẩn, đo thân nhiệt, sắp xếp ngồi giãn cách...
Đồng thời, sĩ quan bảo vệ tiếp cận sẽ báo cáo lãnh đạo giữ khoảng cách hợp lý, hạn chế tiếp xúc tại nơi đông người. Chiến sĩ tiếp cận căn cứ nhiệm vụ, giữ khoảng cách hợp lý để vừa bảo đảm an toàn đối tượng cảnh vệ vừa phòng chống lây nhiễm virus.
Tất cả trường hợp tham gia sự kiện, ra vào nơi đại biểu ở đều phải xét nghiệm Covid-19; khu vực diễn ra sự kiện và nơi đại biểu ở được khử khuẩn, đảm bảo an toàn, không bỏ lọt trường hợp có yếu tố dịch tễ dù nhỏ nhất. Đồng thời, tất cả phương tiện, kể cả tài liệu, vật dụng có liên quan phải qua 2 vòng kiểm tra.
Cùng với việc thay đổi các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi đặt mục tiêu đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ. Bởi muốn đối tượng cảnh vệ an toàn thì trước hết bản thân chiến sĩ cảnh vệ phải bảo vệ được mình.
Thời gian cao điểm thực hiện phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi thực hiện cấm trại hoàn toàn. Trước khi vào cơ quan làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ phải xét nghiệm, đảm bảo “sạch” mới được vào đơn vị. Quá trình đi lại phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “một tuyến đường - hai điểm đến” tức là nhà và đơn vị.
Riêng đối với sĩ quan tiếp cận phải đảm bảo ăn, nghỉ trực tiếp tại nhà đối tượng cảnh vệ hoặc tại đơn vị, hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc.
Đến giờ phút này, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và thực hiện tốt yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Như thiếu tướng vừa nói, dịch bệnh đã khiến cuộc sống của các chiến sĩ cảnh vệ ít nhiều đảo lộn. Vậy họ đã phải vượt qua những khó khăn như thế nào để đáp ứng yêu cầu công tác?
- Thực hiện lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát động phong trào thi đua đặc biệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Công an, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã tổ chức làm việc giãn cách, có bộ phận làm việc tại nhà, có bộ phận làm việc tại đơn vị; cán bộ, chiến sĩ làm việc tại đơn vị cấm trại 100%; thực hiện xét nghiệm Covid-19 trước khi đổi ca.
Cán bộ, chiến sĩ làm việc tại đơn vị phải ăn ngủ tập trung; nếu không có nhiệm vụ thì không được ra khỏi đơn vị. Cán bộ làm việc tại nhà thì phải hạn chế ra đường, hạn chế tiếp xúc và thực hiện "một tuyến đường - hai điểm đến".
Trong khi đó, một số cán bộ có vợ hoặc chồng cùng trong lực lượng vũ trang hoặc lực lượng y tế ở tuyến đầu chống dịch, nhiều anh em đang phải thuê nhà, gia đình neo người, không có người thân giúp đỡ trong việc chăm sóc con nhỏ... Điều này ảnh hưởng không nhỏ, có thể nói là làm đảo lộn cuộc sống thường ngày của cán bộ, chiến sĩ.
Để ổn định tình hình tư tưởng, động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, căn cứ vào tình hình thực tế, lãnh đạo Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo các đơn vị bố trí lịch làm việc phù hợp cho số cán bộ chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, vừa bảo đảm quân số thường trực làm nhiệm vụ, vừa bảo đảm có thời gian để bản thân hoặc vợ, chồng giải quyết các công việc của gia đình, nhất là chăm sóc người già, con nhỏ. Đồng thời, chúng tôi cũng huy động sự hỗ trợ của người thân trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.
Đặc biệt, để huy động sức mạnh của toàn đơn vị tham gia phòng, chống dịch, Bộ Tư lệnh đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng phát động.
- Người dân luôn tò mò về lực lượng sĩ quan tiếp cận. Họ cần những yếu tố, kỹ năng gì để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, thưa thiếu tướng?
- Là đơn vị thuộc lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, lực lượng cảnh vệ được giao nhiệm vụ đặc biệt là trực tiếp bảo vệ lãnh đạo cấp cao, cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước; các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam, các sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng; đảm bảo an ninh trật tự Cụm di tích lịch sử văn hóa Ba Đình.
Đây là những đối tượng bảo vệ đặc biệt, có ảnh hưởng to lớn đến sự an toàn của Đảng, Nhà nước, sự tồn tại của chế độ, đến an ninh trật tự cũng như chính sách đối ngoại của đất nước.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải bảo vệ tuyệt đối an toàn, không được để xảy ra sơ suất dù là nhỏ nhất. Với đặc thù và đòi hỏi đặc biệt nghiêm ngặt của công tác cảnh vệ, việc tuyển chọn cán bộ, nhất là tuyển chọn sĩ quan tiếp cận có những yêu cầu đặc biệt khắt khe, nghiêm ngặt. Trong đó phải đảm bảo các yếu tố như: Phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thể lực và có phông văn hóa cao hơn thông thường.
Sĩ quan tiếp cận phải là lực lượng ưu tú nhất trong những người ưu tú đã được chọn trước đó. Từ đây, họ sẽ được tham gia các lớp đào tạo đặc biệt về chuyên môn, võ thuật… đảm bảo khi sĩ quan đi bảo vệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoặc khách quốc tế về hình ảnh phải đẹp, phù hợp, đảm bảo ngoại ngữ; đi cùng các tố chất đặc biệt như phản xạ nhanh, mưu trí, dũng cảm, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý các tình huống nghiệp vụ...
Đặc biệt, chiến sĩ cảnh vệ phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đây là yếu tố đóng vai trò đặc biệt quan trọng, giúp cho họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ngoài các yếu tố trên, để đảm bảo an toàn khách quốc tế, sĩ quan tiếp cận phải là người có trình độ ngoại ngữ, phông văn hóa phong phú, am hiểu phong tục, tập quán và nghi lễ của nước bạn; có những hiểu biết sâu sắc về đối tượng cảnh vệ để từ đó có những cách ứng xử phù hợp trong công tác tiếp cận. Đôi khi, chỉ cần nhìn vào ánh mắt của đối tượng cảnh vệ, chiến sĩ cũng có thể hiểu họ muốn gì. Những điều này đều là trải nghiệm, không một trường lớp nào có thể dạy.
Tôi lấy ví dụ như loại đồ ăn, giờ ăn, giờ sinh hoạt của họ phải được tìm hiểu kỹ. Phương thức xã giao, chào hỏi, bắt tay… đều phải chừng mực, nắm chắc nguyên tắc.
- Trong quá trình bảo vệ các kỳ cuộc, không tránh khỏi những tình huống phát sinh. Xin thiếu tướng chia sẻ một vài tình huống đặc biệt mà các chiến sĩ cảnh vệ đã phải xử lý.
- Trong công tác bảo vệ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và nguyên thủ quốc gia, vô vàn tình huống xuất hiện liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ. Tùy từng sự kiện mà các tình huống này được giải quyết theo những cách khác nhau.
Tháng 11/2009, lực lượng cảnh vệ bảo vệ Thủ tướng lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 tổ chức tại Thái Lan. Hội nghị được tổ chức tại khách sạn Royal Cliff Grand thành phố Pattaya.
Khi hội nghị đang diễn ra, phe Áo đỏ biểu tình và tràn vào trung tâm hội nghị trong sự bất lực của lực lượng an ninh Thái Lan, buộc Thủ tướng Abhisit Vejjajiva xin lỗi các trưởng đoàn và ban bố "tình trạng khẩn cấp" tại Pattaya.
Để đảm bảo tuyệt đối an toàn, lực lượng cảnh vệ Việt Nam đã chủ động, phối hợp với lực lượng an ninh Thái Lan đưa Thủ tướng lên máy bay trực thăng dưới sự tháp tùng của hai sĩ quan tiếp cận. Số sĩ quan cảnh vệ còn lại canh gác tạo thành “hàng rào thép” xung quanh cho đến khi trực thăng cất cánh trong sự ngỡ ngành của lực lượng an ninh Thái Lan. Sau đó, Thủ tướng ra sân bay bằng trực thăng và đi chuyên cơ về Việt Nam an toàn.
Còn những câu chuyện về nhiều đoàn khách quốc tế khi tới Hà Nội, sau khi kết thúc chương trình họ thường muốn ngồi cà phê. Những quyết định đó thường rất nhanh, đòi hỏi chúng tôi buộc phải có phương án dự phòng.
Khi quán có khách đông, họ đang ngồi thì chúng tôi không thể đuổi khách đi được. Do đó, phải có những biện pháp linh hoạt, hài hòa, không làm xáo trộn khách hàng tại đó nhưng vẫn phải đảm bảo khoảng cách với nguyên thủ.
- Trong những lần thăm Việt Nam của khách quốc tế, sự kiện nào để lại dấu ấn trong ông?
- Tháng 10/2020, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị Thủ tướng.
Hôm đó là 20/10, Thủ tướng Suga muốn đi dạo bờ hồ Hoàn Kiếm lúc 6h sáng. Đặc biệt lại đúng ngày Phụ nữ Việt Nam nên ngay từ sáng, các bà, các cô và các chị em mặc áo dài và cầm hoa lên hồ chụp ảnh rất đông.
Thủ tướng Nhật Bản cùng đoàn khi đó rất bất ngờ. Xem hình ảnh chụp lại, ai cũng nghĩ rằng do chúng ta sắp xếp để chào đón họ. Nhưng sau khi biết hôm đó là ngày đặc biệt của phụ nữ Việt Nam, họ đều vui mừng.
Tôi nhớ hôm đó, bờ hồ rất đông người nhưng chương trình diễn ra an toàn, không gây xáo trộn sinh hoạt của người dân, đồng thời để lại ấn tượng rất tốt đối với đoàn khách nước bạn.
Kết thúc chuyến thăm ấy, Đại sứ Nhật Bản đã gửi thư cảm ơn tới các chiến sĩ tiếp cận thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ vì đã đảm bảo tuyệt đối an toàn, tốt đẹp chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản. Một nữ cảnh vệ còn được phu nhân của Thủ tướng Suga Yoshihide gửi ảnh chụp tặng thông qua đại sứ quán.
- Luôn bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đoàn khách quốc tế, vậy lực lượng cảnh vệ công an nhân dân được nguyên thủ các nước đánh giá ra sao? Đằng sau sự hài lòng đó là những nỗ lực như thế nào, thưa ông?
- Trước khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam, các tổng thống Mỹ thường lên danh sách và xem xét rất kỹ những người có dấu ấn với họ tại nước sở tại để chụp hình lưu niệm. Sau khi chụp, họ không gửi ngay mà sẽ đưa về nước, vài tháng sau mới gửi thông qua Đại sứ quán và có chữ ký "tươi" cùng lời cảm ơn của tổng thống. Các sĩ quan của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã không ít lần nhận được những tấm hình như vậy.
Sau chuyến thăm thành công tốt đẹp của Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến Việt Nam, ông Donglas Quiram, Tùy viên an ninh Đại sứ quán Mỹ, đã gửi thư cho Tư lệnh cảnh vệ Lê Văn Kính, trong đó có đoạn “Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp nhìn từ góc độ an ninh… Một lần nữa, tôi xin cảm ơn về tất cả những cố gắng của Ngài và mong chờ được tiếp tục làm việc với Bộ Tư lệnh Cảnh vệ trong tương lai”.
Đại tướng Yevgeny Murov, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Liên bang Nga, từng xúc động nói với chúng tôi rằng: “Tôi đã đi bảo vệ Tổng thống Putin đến nhiều nước. Nhưng không ở đâu tôi thấy yên tâm và ngủ ngon như Việt Nam”.
Ngài Seo Sung Yeul, Phụ trách an ninh Phủ Tổng thống Hàn Quốc - từng chia sẻ: “Khi ở Hàn Quốc tôi đã nghe nói là an ninh của Việt Nam rất là tốt. Và khi sang Việt Nam tham dự tuần lễ cấp cao APEC tôi thấy rất là an toàn. Vấn đề an ninh được đảm bảo từ sân bay đến khách sạn và nơi diễn ra hội nghị. Tôi thấy rất hài lòng về vấn đề an ninh của Việt Nam”.
Nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn cho nguyên thủ quốc gia đến thăm và làm việc tại Việt Nam có sự tham gia của nhiều lực lượng, trong đó lực lượng cảnh vệ giữ vai trò trực tiếp, nòng cốt. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó là những nỗ lực không ngừng nghỉ.
Trước mọi sự kiện được giao nhiệm vụ, chúng tôi luôn xây dựng kế hoạch, triển khai và tập luyện thuần thục phương án bảo vệ, dự kiến mọi tình huống có thể xảy ra và cách xử lý, giải quyết để cán bộ, chiến sĩ nắm chắc, tự tin khi xử lý.
Đồng thời, lực lượng cảnh vệ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong lực lượng công an, quân đội và và các cơ quan chức năng nhằm trao đổi thông tin, thống nhất phương án bảo vệ, bố trí lực lượng, vũ khí, phương tiện phù hợp, hiệu quả, đảm bảo tuyệt đối an toàn đối tượng cảnh vệ.
- Xin cám ơn thiếu tướng!
Bình luận