Sohu đưa tin do ảnh hưởng của các bộ phim cổ trang trên màn ảnh, những mẫu phục trang thời nhà Đường, Hán, Minh ngày càng được khán giả yêu thích. Tuy nhiên cũng vì khán giả yêu thích, am hiểu về cổ phục, yêu cầu về phục trang trong các phim lịch sử Trung Quốc ngày càng khắt khe.
Có không ít những đoàn phim như Diên Hi công lược, Như Ý truyện lấy việc đầu tư cho trang phục làm điểm nhấn thu hút khán giả và nhận được lời khen ngợi. Bên cạnh đó, một số dự án phim vì thiếu sót trong tạo hình, phục trang đã bị chỉ trích dữ dội.
Châu Tấn, Phạm Băng Băng được may hàng trăm bộ trang phục
Năm 2014, Phạm Băng Băng ra mắt bộ phim Võ Mỵ Nương truyền kỳ gây sốt khắp châu Á. Điểm khiến khán giả theo dõi tác phẩm này không chỉ bởi nội dung gay cấn mà nhờ hàng nghìn bộ trang phục đẹp lộng lẫy.
Võ Mỵ Nương truyền kỳ sử dụng tới 3.000 bộ xiêm y cho các nhân vật cung tần mỹ nữ, trong đó, chỉ riêng Phạm Băng Băng đã có tới 260 bộ. Điều này tạo nên hiệu quả mãn nhãn cho cả bộ phim. Mỗi giai đoạn của cuộc đời Võ Mỵ Nương đều có phục trang thiết kế riêng, phù hợp với hoàn cảnh, địa vị lúc đó.
Trang phục của Phạm Băng Băng trong Võ Mỵ Nương truyền kỳ rất lộng lẫy. |
Đoàn phim Chân Hoàn Truyện (2012) cũng sử dụng tới 800 bộ váy áo khác nhau cho dàn phi tần hùng hậu. Vì thời đại của vua Ung Chính trong lịch sử tôn vinh đức tính tiết kiệm, nên trang phục của các nhân vật không lộng lẫy, nhiều vàng bạc, nhưng không kém phần tinh tế.
Trong những năm gần đây, các tác phẩm cổ trang chiếu mạng với kinh phí thấp được sản xuất rầm rộ. Trang phục không còn được chỉn chu, cầu kỳ như trước. Chính vì vậy, những bộ phim chú trọng vào từng khâu thiết kế như Hậu cung Như Ý truyện càng được yêu thích, trân trọng.
Theo Sina, tổng số trang phục cho nhân vật của Châu Tấn lên tới 200 bộ. Sina cho biết trang phục trong buổi lễ đăng quang của Kế Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị được chuẩn bị chi tiết đến từng chiếc vòng, trâm cài tóc. Để có được những hình ảnh về trang phục hoàng hậu triều Thanh đúng với lịch sử, đạo diễn Uông Tuấn đã dựa vào những bộ sưu tập tại Bảo tàng cung điện Bắc Kinh.
Châu Tấn mặc đồ giống hệt hình ảnh của Kế Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị ở bảo tàng. |
Hậu cung Như Ý truyện mời chuyên gia về trang phục cung đình triều Thanh là Lý Đông Học tới để tư vấn. Do đó, các đồ trang sức, hình thêu trang trí, mũ miện của nhân vật tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng cấp bậc địa vị. Ví dụ, từ chức Phi trở lên mới được đeo áp châu Phật khâm trên áo, còn Tần vị trở xuống thì đeo áp khâm đơn.
Diên Hi công lược của biên kịch Vu Chính cũng từng chia sẻ quá trình làm nên hàng trăm bộ trang phục phục vụ quay phim. Trong đó, đoàn phim mời 18 nghệ nhân về thực hiện thủ công từng chiếc quạt, cây trâm, tái hiện lại các hoa văn truyền thống trên y phục thời Mãn Thanh với 18 kỹ thuật thêu khác nhau. Biên kịch Vu Chính đã đầu tư tới 250 triệu NDT (37 triệu USD) cho phần bối cảnh và phục trang.
Thiết kế trang sức tỉ mỉ trong phim Diên Hi công lược. |
"Chỉ riêng mỗi bông hoa nhung cài trên đầu đã trải qua 10 công đoạn, để hoàn thành phải mất 2-3 ngày. Cách trang trí trên hoa nhung tuân theo bộ sưu tập ở bảo tàng Cố Cung và được chia làm nhiều cấp bậc, trong đó của hoàng hậu và phi tần cầu kỳ, lộng lẫy nhất. Tuy nhiên, do Hoàng hậu Phú Sát là người tiết kiệm, nên hoa nhung của nhân vật này phải vừa sang trọng, tinh tế lại không hoa mỹ quá mức", nghệ sĩ thiết kế trang phục cho đoàn phim chia sẻ.
Phim của Phạm Băng Băng bị chỉ trích vì hở ngực quá mức
Trang phục của cung tần mỹ nữ trong Võ Mỵ Nương truyền kỳ được thiết kế lộng lẫy, tỉ mỉ. Tuy nhiên, lại đi sâu vào việc phô bày vòng một gợi cảm, thu hút khán giả. Mặc dù đây là đặc trưng của váy áo đời Đường, thực tế các nhà sản xuất đã cố tình đẩy phần ngực lên cao hơn.
Phạm Băng Băng bị cắt cảnh khoe ngực trong Võ Mỵ Nương truyền kỳ. |
Do đó, khi phát sóng tại Hong Kong, đài TVB đã phải chi tới 15 triệu NDT (2,2 triệu USD) chỉnh sửa lại váy vóc của các nhân vật, dán thêm một miếng vải che đi phần ngực nóng mắt. Đây chính là hệ quả của việc sáng tạo quá lố cổ phục.
Tuy nhiên, những đoàn phim tận tâm đầu tư vào phục trang không nhiều. Đa số trang phục của diễn viên được thuê sẵn sau đó phối hợp các chi tiết lại.
Một số đoàn phim vì kinh phí nghèo nàn diễn viên phải dùng hàng nhái mua trên mạng. Thái tử phi thăng chức ký khiến khán giả cười chê vì phát hiện ra trang phục mà nữ diễn viên Trương Thiên Ái mặc thực chất chế lại từ bộ váy đi biển có giá rẻ. Cô cũng thường xuyên mặc váy cúp ngực hở vai trong khi đây là phim cổ trang.
Quần ngắn, váy quây xuất hiện trong Thái tử phi thăng chức ký bị chỉ trích vì không phù hợp với phim cổ trang. |
Thái tử phi thăng chức ký gây được tiếng vang nhưng cũng vấp chỉ trích vì tạo hình các nhân vật trong phim phản cảm, không theo khuôn mẫu cổ trang. Các nhân vật nam trong phim đều mặc quần ngắn bên trong thay vì quần lụa dài truyền thống. Đồ vật cũng làm bằng nhựa, thức ăn là các món từ hộp cơm của cả đoàn phim.
Tuy nhiên, nhà sản xuất bộ phim Thái Tử Phi thăng chức ký thú nhận kinh phí sản xuất ít ỏi khiến họ phải tìm cách khắc phục. Nhưng những tác được đầu tư như Bao Thanh Thiên 2016, Phong Thần Bảng 2 lại cố tình mặc trang phục hở quá mức để thu hút khán giả. Công chúa Như Ý trong Bao Thanh Thiên 2016 có phần váy hở ngực quá mức không đúng phong cách phụ nữ thời Tống, mang nét triều Đường.
Bên cạnh đó là sự cẩu thả trong các chi tiết đính trên trang phục. Lưu Khải Uy diễn vai hoàng đế trong Tịch mịch không đình xuân dục vãn, trên áo có hình rồng nhưng con rồng này không hề uy nghi mà gây cười. Hàn Tuyết diện một chiếc váy trắng cut-out không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Trung Quốc thời cổ đại.
Phục trang cẩu thả và phá cách không hợp lý khiến khán giả khó chịu, làm giảm chất lượng của tác phẩm. |
Theo Sina, đặc trưng của trang phục qua các thời kỳ phong kiến được nghiên cứu rất kỹ lưỡng tại Trung Quốc. Một số đặc điểm cơ bản của cổ phục, thông qua bộ phim cổ trang cũng được khán giả ghi nhớ. Do đó, việc nhầm lẫn thiết kế từ thời này sang thời khác bị đánh giá là lỗi nặng, không được khán giả chấp nhận.
Giá trị của phục trang phim lịch sử
Hầu hết đoàn làm phim để tiết kiệm chi phí sẽ không may nhiều trang phục mới. Phim cổ trang thường quay tại những phim trường lớn như Hoành Điếm, Vô Tích, Thượng Hải... Những người quản lý phim trường còn có dịch vụ cho thuê quần áo số lượng lớn. Vì vậy, sau khi hoàn thành "sứ mệnh", phục trang sẽ được giặt sạch để đưa cho nhóm quay khác.
Với những trang phục được thiết kế riêng, tác phẩm thành công cũng góp phần nâng giá của sản phẩm. Những bộ phục trang mà Dương Mịch mặc trong Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa, của Lý Dịch Phong trong Cổ kiếm kỳ đàm đều được mang bán đấu giá. Số tiền thu được bù vào chi phí sản xuất phim.
Trang phục đã qua sử dụng có thể mang đi bán hoặc được nghệ sĩ mua về. |
Một số nghệ sĩ mua lại những trang phục mình thích trong tác phẩm do chính họ đóng. Châu Tấn giữ riêng 90% số phục trang của nhân vật Như Ý. Nữ diễn viên chia sẻ cô thường mặc những bộ này tại nhà để nhớ lại khoảnh khắc khi hóa thân vào vai diễn. Tài tử Triệu Hựu Đình cũng mua lại một số cổ phục của vai Dạ Hoa trong Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa. Phạm Băng Băng trả tiền cho bộ long bào cô mặc trong lễ đăng cơ phim Võ Mỵ Nương truyền kỳ để làm kỷ niệm.
Theo Sina, trang phục cũng là một phần của lịch sử. Vì vậy, để không lan truyền những kiến thức sai lệch về văn hóa cổ đại, các nhà làm phim phải tận tâm nghiên cứu trước khi thiết kế cho phim.