Khoa điều trị đặc biệt (ICU) có nhiều hệ thống hỗ trợ duy trì sự sống, bao gồm liệu pháp ôxy và dùng máy thở. Đối với các ca nhiễm Covid-19 nặng, các biện pháp này nhằm giảm gánh nặng cho các cơ quan thiết yếu trong cơ thể, cho cơ thể cơ hội chống trả.
Tối 6/4, theo các quan chức Anh, Thủ tướng Boris Johnson chưa cần phải thở máy. Có thể ông được chuyển vào ICU để theo dõi các chỉ số quan trọng, đồng thời hỗ trợ thở ôxy qua mặt nạ, Telegraph dẫn lời chuyên gia.
Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì cuộc họp trực tuyến về dịch Covid-19 khi đang tự cách ly hôm 28/3. Ảnh: AP. |
Vào ICU để đề phòng hay vì sức khỏe xấu đi?
Các bệnh nhân thở máy thường sẽ bất tỉnh, trong khi liệu pháp thở ôxy qua mặt nạ thì không đòi hỏi vậy, theo Telegraph.
Chăm sóc đặc biệt không có chức năng “chữa trị” cho bệnh nhân virus corona. Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh, và ICU có chức năng “chăm sóc hỗ trợ”.
Trong các ca nặng, virus corona tấn công vào phổi và gây chứng viêm phổi, nếu vậy có thể diễn biến rất nhanh, khiến cả bệnh nhân và bác sĩ ngạc nhiên.
Nhưng rất khó có khả năng các bác sĩ chăm sóc cho thủ tướng Anh lại không dự tính trước điều này. Vì vậy, khả năng thủ tướng được đưa vào ICU để đề phòng là có thể.
“Rất khó để nói được gì. Đối với thủ tướng, mọi người đều sẽ thận trọng, và họ sẽ tìm mọi cách đề phòng”, tiến sĩ Bharat Pankhania, giảng viên cao cấp tại Đại học Y Exeter, nói.
Trong khi đó, đài radio BBC nhận định rằng việc Thủ tướng Johnson nhập viện vào tối 5/4, cũng là buổi tối mà thông điệp của Nữ hoàng Elizabeth II đang được phát đi, cho thấy tình hình sức khỏe của ông đáng lo ngại.
“Chắc phải trầm trọng thì thủ tướng mới nhập viện (cùng thời điểm), dù biết rằng như vậy sẽ làm giảm sự chú ý tới thông điệp của nữ hoàng”, đài này bình luận.
Một bệnh nhân Covid-19 được chăm sóc đặc biệt tại Pavia, miền Bắc Italy ngày 26/3. Ảnh: AP. |
Tiến sĩ Chris Danbury, chuyên gia cố vấn về chăm sóc tích cực tại bệnh viện Royal Berkshire ở Reading, Anh, nói với BBC trong tình hình hiện nay, thủ tướng sẽ không được chuyển vào ICU trừ khi cần liệu pháp chỉ có thể tiến hành trong ICU.
“Còn quá sớm để nhận định sức khỏe (của thủ tướng Anh) tệ tới đâu dưới góc độ chăm sóc tích cực... vào chăm sóc tích cực không nhất thiết là phải thở máy”, ông nói.
“Phải vào bệnh viện như vậy giữa một đại dịch, nơi có các bệnh nhân Covid-19, là một quyết định lớn”, Sanjay Gupta, chuyên gia y tế của CNN bình luận.
“Một số lý do có thể buộc họ làm vậy, nhiều khả năng nhất là để hỗ trợ thở, có thể là liên quan tới tim, cũng là để theo dõi thêm, thử các liệu pháp mới. Các bác sĩ sẽ muốn tìm hiểu chính xác tại sao triệu chứng của ông xấu đi, rõ ràng là do virus, nhưng chính xác là virus đang tác động thế nào đến cơ thể... như vậy mới biết làm gì tiếp theo”.
Thủ tướng Johnson nhập viện tối ngày 5/4, rồi được chuyển vào ICU tối ngày 6/4. Ảnh: AP. |
Khả năng ông Johnson bị khó thở
Tom Solomon, Giám đốc viện y tế toàn cầu của Đại học Liverpool, nói với Telegraph một số bệnh nhân chuyển vào chăm sóc đặc biệt đơn giản vì cần theo dõi chặt chẽ hơn các chức năng thiết yếu.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng “hầu hết bệnh nhân Covid-19 phải vào ICU vì khó thở, do tác động trực tiếp của triệu chứng viêm do virus hoặc do phản ứng của hệ miễn dịch chống lại virus”.
Nếu nhẹ, bệnh nhân vẫn tỉnh, và được hỗ trợ bởi một mặt nạ vừa khít với mặt, để tạo ra áp suất mạnh hơn đi vào đường thở. Nếu nặng, bệnh nhân được gây mê, sau đó ống thở được vào tận phổi để giúp bệnh nhân thở. Hiện tại, thủ tướng Anh chưa đến mức cần máy thở như vậy, ông Solomon nói.
Derek Hill, giáo sư về chiếu chụp y học ở trường University College London, nói ông Johnson nhiều khả năng phải nhập viện vì khó thở. Và nếu sức khỏe tiếp tục xấu đi, việc can thiệp bằng máy thở có thể trở nên cần thiết.
Theo ông Hill, nhìn chung, ba yêu cầu quan trọng của việc điều trị Covid-19 bao gồm hỗ trợ thở, cần lượng lớn ôxy và các y bác sĩ chuyên về chăm sóc đặc biệt - những yếu tố có thể sẽ khan hiếm nếu hệ thống y tế trở nên quá tải.
Khoa chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân Covid-19 ở Vũ Hán ngày 6/2. Ảnh: Reuters. |
Vẫn chưa có nhiều thông tin được hé lộ về tình hình sức khỏe của thủ tướng. BBC cho biết thủ tướng đã được cho thở oxy vào cuối giờ chiều ngày 6/4 (giờ địa phương), trước khi được chuyển vào chăm sóc đặc biệt.
Nhưng đã có sự thay đổi đáng chú ý trong ngôn từ. Theo thông báo, thủ tướng đang có các “triệu chứng kéo dài” thay vì các “triệu chứng nhẹ”.
Thủ tướng Johnson được chẩn đoán mắc Covid-19 hơn 10 ngày trước, nhập viện tối ngày 5/4, rồi được chuyển vào ICU ngày 6/4. Ông Danbury nói đó là khoảng thời gian không quá khác biệt với nhiều bệnh nhân ICU khác.
“Nhiều người vào điều trị tích cực không cần thở máy, mà được hỗ trợ hô hấp không xâm lấn (CPAP hoặc BiPAP - đẩy khí vào trong phổi), rồi được ra khỏi chăm sóc đặc biệt - sau bao lâu còn tùy vào cơ thể và mức nặng nhẹ của bệnh”, ông Danbury nói với BBC .
Chính ông Johnson cũng thừa nhận đã không tuân theo lời khuyên của bác sĩ là nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Bác sĩ của ông cũng lo ngại khi thủ tướng từng có triệu chứng giống viêm phổi trong quá khứ - dù đó không phải là dấu hiệu cho thấy ông có bệnh lý nền, theo Daily Mail.
Cảnh sát đứng gác bên ngoài bệnh viện St. Thomas nơi ông Johnson đang được điều trị. Ảnh: AP. |
Tỷ lệ tử vong đáng lo ngại khi vào ICU
Paul Hunter, giáo sư y khoa Đại học East Anglia, nói các dữ liệu cho thấy chăm sóc đặc biệt đối với bệnh nhân Covid-19 kém hiệu quả hơn so với các chứng viêm phổi virus khác.
“Đáng buồn là khoảng nửa số ca nhiễm Covid-19 vào chăm sóc đặc biệt vẫn tử vong (tỷ lệ 50,1%), cao hơn nhiều so với các dạng viêm phổi virus khác (22,4%). Vẫn chưa rõ tại sao và tỷ lệ tử vong nếu không có chăm sóc đặc biệt sẽ là bao nhiêu”.
Tỷ lệ sống sót tăng lên 54% đối với người ở tuổi 55 của Thủ tướng Johnson.
“Không phải mọi bệnh nhân vào phòng chăm sóc đặc biệt đều phải thở máy, nhưng khoảng 2/3 bệnh nhân Covid-19 vào chăm sóc đặc biệt sẽ phải thở máy trong vòng 24 giờ”, phóng viên y tế của BBC James Gallagher dẫn một khảo sát ở Anh vào tuần trước.
“Căn bệnh này tấn công phổi và có thể gây viêm phổi, khó thở, khiến cơ thể không đưa đủ oxy vào máu và đến các cơ quan... Quan trọng nhất trong điều trị cho thủ tướng lúc này là cho cơ thể và các cơ quan có đủ oxy, trong khi hệ miễn dịch chiến đấu với virus”, ông Gallagher nói thêm.
Linda Bauld, giáo sư Đại học Edinburgh, nói việc Thủ tướng Boris Johnson phải chuyển vào chăm sóc đặc biệt là “lo ngại lớn và cho thấy virus này lây nhiễm một cách không phân biệt”.
Bà cho rằng sẽ có những câu hỏi trong tương lai về việc chính phủ Anh tiếp tục họp hành, Quốc hội tiếp tục hoạt động là có nên hay không, giữa lúc cả nước đang được yêu cầu ở nhà.
“Nhưng trong lúc này, suy nghĩ của chúng ta sẽ hướng về thủ tướng và gia đình ông, và nhiều gia đình khác đang trong tình cảnh tương tự với người thân đang trong cơn nguy kịch”, bà nói với Telegraph.