Ngày 15/11, phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác thi hành án năm 2019 của Bộ Tư Pháp, Cục trưởng Thi hành án Hà Nội Lê Xuân Hồng cho biết, công tác thi hành án dân sự trong các đại án kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.
Nguyên nhân do quá trình điều tra, truy tố, xét xử những người liên quan chưa kịp thời kê biên.
Theo ông Hồng, năm 2018, cơ quan tố tụng xét xử, thi hành án một số vụ án lớn như vụ án Đinh La Thăng, Hà Văn Thắm, Hứa Thị Phấn. Các vụ án đều có lượng tiền phải thi hành án, thu hồi từ vài trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Đinh La Thăng (hàng đầu, thứ 2 từ phải sang) tại một phiên tòa hồi tháng 3. Ảnh: P.D. |
Vị Cục trưởng nêu ví dụ, trong vụ án ông Đinh La Thăng bị xét xử tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng khi góp vốn hơn 800 tỷ đồng vào Oceanbank, bản án phúc thẩm tuyên ông Thăng phải nộp 600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Cục Thi hành án Hà Nội xác định ông Thăng chỉ còn một căn hộ chung cư là tài sản thuộc sở hữu của 2 vợ chồng. Do là tài sản chung nên cơ quan thi hành án chỉ được thu một phần tài sản.
Trong vụ án xảy ra tại Oceanbank, cơ quan thi hành phải thu hơn 300 triệu cổ phiếu của Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch nhà băng này). Tuy nhiên, việc xác định bán cổ phiếu theo phương thức nào thì chưa được thống nhất nên phải mất thời gian chờ cơ quan chức năng giải quyết.
Để giải quyết vướng mắc, Cục trưởng Thi hành án Hà Nội kiến nghị khi điều tra các vụ án lớn, cơ quan chức năng cần phong tỏa tài sản để ngăn chặn việc tẩu tán.
Hồi tháng 6, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch PVN) 18 năm tù. Cộng bản án 13 năm tù trong vụ án xảy ra tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng lĩnh 30 năm tù.
Về dân sự, tòa tuyên 6 bị cáo khác phải bồi thường 785 tỷ đồng cho PVN. Trong đó, ông Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng.