Từ mốc 100.000 đồng/kg trong các ngày 23-26/12/2019, giá heo hơi trên toàn quốc đã bắt đầu giảm dần khi bước vào năm mới 2020. Tính đến sáng 4/1, heo hơi đã giảm giá khoảng 2.000-10.000 đồng/kg tùy địa phương.
Ở miền Nam, mức giá hiện dao động từ 77.000-90.000 đồng/kg. Trong khi đó, thương lái miền Bắc thu mua được heo với giá 82.000-95.000 đồng/kg, còn miền Trung khoảng 80.000-86.000 đồng/kg.
Hiện nay, Ninh Bình là địa phương có giá heo hơi cao nhất cả nước với 95.000 đồng/kg. Ngược lại, khu vực các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu chỉ còn mức 77.000 đồng/kg.
Thịt heo thành phẩm chưa giảm theo đà heo hơi
Mặc dù vậy, đến nay, người tiêu dùng chỉ có thể mua thịt heo với giá thấp hơn trước ở một số chợ dân sinh. Tại chợ Bình Khánh (quận 2, TP.HCM), sườn non và ba rọi lần lượt có giá 180.000 đồng và 150.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000-20.000 đồng so với thời điểm cách đây 2 tuần. Thịt nạc ở chợ Tân Phước (quận Tân Bình, TP.HCM) cũng giảm còn khoảng 130.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo một số người bán, sức mua tại chợ truyền thống thời gian qua đã có xu hướng giảm do e ngại về chất lượng thịt.
"Giờ chỉ một số khách quen tin tưởng đến mua, còn nhiều người đã chuyển qua mua ở siêu thị", một tiểu thương ở chợ Bình Khánh nói.
Đồ họa: Lan Anh. |
Thực tế, giá thịt heo tại kênh siêu thị vẫn giữ nguyên hoặc chỉ giảm nhẹ. Trong chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM, thịt heo đã được áp dụng mức giá tăng 12.000-22.000 đồng từ ngày 1/1. Xét chung với 2 đợt điều chỉnh hồi cuối tháng 10 và giữa tháng 11, giá các mặt hàng đã tăng 26.000-73.000 đồng/kg tùy thành phẩm.
Mức tăng này được tính toán dựa trên giá heo hơi đầu vào của các doanh nghiệp và bảo đảm thấp hơn giá thị trường ít nhất 5%, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Đồ họa: Lan Anh. |
Khảo sát của Zing.vn sáng 4/1 cho thấy thịt heo tại các điểm bán của Saigon Co.op đã tăng giá theo chương trình này, riêng sườn non không thuộc mặt hàng bình ổn có giá lên đến 280.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán thịt ba rọi và sườn non tại chuỗi VinMart, VinMart+ cũng đạt mốc 226.000 đồng/kg và 249.000 đồng/kg.
Đặc biệt, tại các siêu thị AEON, sườn non heo cũng đang được bán với giá 290.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với cách đây khoảng 1 tháng. Các thành phẩm khác như ba rọi, thịt nạc và cốt lết cũng được người tiêu dùng đánh giá cao hơn trung bình thị trường.
Đáng chú ý, hệ thống BigC và GO! của Central Group cũng tăng lần lượt 34.000 đồng/kg và 45.000 đồng/kg đối với giá thịt ba rọi và sườn non so với cách đây vài ngày. Đại diện đơn vị này cho biết nguyên nhân do nguồn heo mua vào tăng giá, còn doanh nghiệp vẫn cam kết bán thịt heo bằng giá mua vào, không lấy lợi nhuận.
Khó tiếp cận heo nhập khẩu giá rẻ
Giữa thời điểm này, Bộ Công Thương công bố số liệu thống kê cho thấy tính chung 11 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu thịt lợn của nước ta đạt hơn 111.000 tấn với kim ngạch 124 triệu USD, tăng 108% về lượng so với năm 2018.
Theo đó, mức giá nhập khẩu bình quân là 25.950-26.000 đồng/kg. Cộng thêm các loại thuế, phí như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, chi phí, thủ tục nhập khẩu, bảo quản kho lạnh..., giá bán ra phổ biến khoảng 33.000-35.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Zing.vn, thịt heo nhập khẩu khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng có giá gấp 3-5 lần tùy thành phẩm. Cụ thể, thịt cốt lết có giá khoảng 110.000 đồng/kg, ba rọi 145.000 đồng/kg, thịt nạc 125.000 đồng/kg, sườn non mỏng thịt 97.000 đồng/kg, dày thịt 170.000 đồng/kg.
Thịt heo nhập khẩu đã cộng thuế, phí khi bán ra khoảng 33.000-35.000 đồng/kg nhưng mức giá cuối cùng tăng gấp 3-5 lần. Ảnh: Reuters. |
Thực tế, mức giá này nhìn chung thấp hơn giá bán thịt heo thành phẩm có nguồn gốc nội địa. Mặc dù vậy, người dân vẫn khó tiếp cận với nguồn thịt này.
"Nghe thông tin tăng nhập khẩu thịt heo, mà thịt nhập rẻ hơn trong nước nên tôi cũng muốn mua về ăn thử để vừa tiết kiệm vừa an toàn. Tuy nhiên, dạo một vòng các siêu thị lớn, tôi vẫn chưa tìm thấy hàng", chị Minh Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết.
Thịt heo nhập khẩu thường được bày bán online hoặc tại một số cửa hàng chuyên bán thịt nhập khẩu. Tại các hệ thống siêu thị lớn và phổ biến với người tiêu dùng như BigC, VinMart, VinMart+, thịt bán ra đều có nguồn gốc nội địa. Đại diện chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+ cho biết sẽ tính đến phương án nhập khẩu nếu nguồn cung trong nước thiếu hụt, còn trước mắt vẫn ưu tiên hàng Việt Nam.
Trong khi đó, đại diện hệ thống Saigon Co.op chia sẻ thịt heo nhập khẩu chỉ để dự phòng khan hàng thịt nội địa. Hiện tại, thịt heo nhập khẩu chỉ có bán tại một số ít siêu thị thuộc hệ thống này và cũng không quá rẻ so với thịt heo nội địa.
Bao giờ giảm giá thịt heo bán lẻ?
Nhận định về hiện tượng giảm giá heo hơi thời gian qua, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, lý giải một số nguyên nhân tác động chủ yếu. Đầu tiên và quan trọng nhất, theo ông, là sự can thiệp của Chính phủ trong việc rà soát nguồn heo và làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn.
Đồng thời, việc tăng nhập khẩu thịt heo và xu hướng tiêu dùng thịt mát cũng như các thực phẩm thay thế của người dân góp phần hạ nhu cầu sử dụng thịt heo trong nước.
Đặc biệt, diễn biến thị trường vừa qua khi các doanh nghiệp lớn cam kết giảm giá, không tăng giá cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các hộ chăn nuôi, trang trại nhỏ, lẻ. Nguồn cung tăng nhờ thực trạng đồng loạt xuất chuồng những ngày qua giúp hạ nhiệt giá heo hơi.
Mặc dù đánh giá đây là "dấu hiệu tích cực", ông Công cho rằng chừng nào giá bán lẻ cuối cùng về tay người tiêu dùng thực sự giảm thì thị trường mới được coi là hoạt động hiệu quả.
"Thông thường, phải đến một thời gian dài sau khi giá heo hơi giảm thì giá heo thành phẩm mới giảm theo. Tiêu biểu như chương trình bình ổn thị trường cũng phải qua giai đoạn đánh giá trung và dài hạn mới có sự điều chỉnh. Còn các tiểu thương, thương lái có thể đang giữ giá cao để bù hao hụt thời gian qua", ông đánh giá.
Tuy nhiên, ông nhận định nếu không sớm giảm giá thịt heo thành phẩm thì người tiêu dùng sẽ quay lưng với mặt hàng này. Khi đó, người chăn nuôi, thương lái và tiểu thương sẽ là bên thua thiệt.
Trong lúc này, một số chủ trang trại lại cho rằng giá heo hơi sẽ nhanh chóng tăng lên theo nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán, khi hoạt động tái đàn chưa đạt hiệu quả đồng bộ khiến nguồn cung tiếp tục thiếu hụt.
Bên cạnh đó, ông Công cũng nhìn nhận ngày càng nhiều heo sống được nhập lậu từ Thái Lan về Việt Nam, dù một số tỉnh của nước này đã xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Do đó, ông kiến nghị Chính phủ kiểm soát chặt hơn nguồn heo này để đảm bảo an toàn cho ngành chăn nuôi.