Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Phải kiên nhẫn khi yêu người trầm cảm

Bạn cần nhiều dũng khí, kiên trì và nỗ lực để duy trì mối quan hệ với một người trầm cảm. Đồng thời, bạn cũng phải tự bảo vệ sức khỏe tinh thần, tránh rơi vào vòng xoáy u uất.

yeu nguoi tram cam anh 1yeu nguoi tram cam anh 2
  • Chuyên gia tâm lý
  • Giám đốc chương trình Trí tuệ cảm xúc Capokids
  • Chuyên gia tại Bác sĩ Tâm lý - trang tư vấn và điều trị tâm lý trực tuyến.

Hiện nay, giới trẻ đã có cái nhìn cởi mở hơn về trầm cảm. Nhiều cá nhân sẵn sàng dành thời gian tìm hiểu rối loạn tâm thần này nhằm cảm thông, chia sẻ với người thân thiết mắc bệnh.

Tuy nhiên, không ít bạn trẻ vẫn bối rối khi biết người mình yêu có biểu hiện trầm cảm, hoặc từng chật vật với rối loạn tâm lý trong quá khứ. Một số nỗ lực thấu hiểu, sẻ chia với nửa kia tới khi họ ổn định tinh thần. Số khác lại rời đi sau khoảng thời gian nhất định vì sợ cùng rơi vào vòng lặp u uất.

Thực tế, không có lựa chọn nào dễ dàng hay đúng đắn hơn. Quyết định phụ thuộc vào cách bạn tự đánh giá khả năng đồng hành cùng người yêu.

Trong trường hợp quyết định ở lại, bạn cần chuẩn bị kiến thức, sự kiên nhẫn và tinh thần lạc quan cùng họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Khó tránh khỏi hoang mang, bối rối

Trầm cảm đã trở nên tương đối phổ biến ở giới trẻ hiện đại. Do đó, bất kỳ ai cũng có khả năng thiết lập quan hệ tình cảm với một người mang rối loạn tâm lý này.

Trong 15 năm hoạt động tham vấn tâm lý, tôi từng hỗ trợ nhiều thân chủ gặp khó khi người thân yêu mắc trầm cảm. Thông thường, biểu hiện của họ sẽ khác nhau, tùy vào kiểu tình huống tiếp nhận thông tin.

Trường hợp 1: Phát hiện đối phương có tiền sử trầm cảm trước khi xác lập mối quan hệ.

Dù có kiến thức về trầm cảm hay chưa, các bạn trẻ vẫn dễ rơi vào trạng thái suy tư. Họ muốn tìm hiểu về tình trạng của nửa kia, song vẫn khó tránh khỏi lo âu, không biết khi nào cơn trầm cảm sẽ trở lại. Cá nhân muốn yêu đương nghiêm túc sẽ chuẩn bị tinh thần, cũng như tính cách chăm lo, động viên đối phương cùng vượt qua khó khăn.

yeu nguoi tram cam anh 3

Hoang mang, bối rối là tâm lý thường gặp của cá nhân yêu người trầm cảm. Ảnh: Dương Nhân/Pexels.

Trường hợp 2: Nhận thấy biểu hiện trầm cảm ở nửa kia sau một thời gian bên nhau.

Ở tình huống này, mức độ gắn bó của hai người đã sâu sắc hơn. Nhờ đó, cá nhân có thể phát hiện thay đổi bất thường từ đối phương. Nếu biểu hiện còn ở mức nhẹ (ví dụ: mất tập trung, hay buồn không lý do), họ sẽ chỉ bối rối và cố gắng chăm sóc người yêu nhiều hơn.

Tuy nhiên, khi biết mức độ trầm cảm của nửa kia đang ở cấp báo động, một số bạn trẻ lại luống cuống, dễ phát hoảng và không biết cách ứng xử. Họ bắt đầu nhận thức được những khó khăn sắp đến và nghĩ về viễn cảnh xấu nhất. Bất kể đã có kiến thức về rối loạn tâm thần, họ cũng khó giữ bình tĩnh khi rơi vào hoàn cảnh này.

Nhìn chung, tâm lý hoang mang, lo lắng là điều không thể tránh khỏi. Ngay lúc này, bạn có thể rời đi nếu sợ gánh vác trách nhiệm, hoặc chấp nhận hàng loạt thử thách trong tương lai khi chọn tiếp tục đồng hành.

Kiên nhẫn đồng hành

Để xây dựng tình yêu lâu dài, trước tiên, bạn phải thật kiên nhẫn. Quá trình chiến đấu với trầm cảm chưa bao giờ đơn giản và thường được tính theo tháng hoặc năm.

Trước những làn sóng cảm xúc tiêu cực bất thường, cá nhân cần kiên trì lắng nghe, chờ đợi và giúp đỡ. Suy nghĩ, hành động của họ thường có tính bộc phát. Không ít trường hợp chuyển đổi liên tục giữa trạng thái hưng phấn và tuyệt vọng, khiến bạn trai/bạn gái gặp khó khăn khi cố nắm bắt diễn biến tâm lý.

yeu nguoi tram cam anh 4

Kiên nhẫn là điều bắt buộc trong tình yêu với người mang rối loạn trầm cảm. Ảnh: Samson Katt/Pexels.

Ngoài ra, trong cơn trầm cảm, họ có thể không còn giống với phiên bản bạn yêu thương ban đầu. Có người trở nên tự ti, bi quan, số khác lơ là ngoại hình, vệ sinh thân thể. Thậm chí, họ cũng không quan tâm đến cảm xúc, cuộc sống của nửa kia nhiều như trước.

Việc này khiến không ít cá nhân chán nản, bực dọc hoặc nghĩ mình không được tôn trọng. Tuy nhiên, bạn cần hiểu họ đang nhạy cảm, khổ sở và đó là những hành động tất yếu. Vì thế, tôi luôn khuyên các thân chủ tìm hiểu nhiều về rối loạn trầm cảm, cũng như giữ bình tĩnh và thực sự kiên nhẫn nhằm thấu hiểu sự thất thường ở đối phương.

Ngoài ra, khuyến khích người yêu tiếp nhận trị liệu tâm lý cũng là một giải pháp thiết thực. Tuy nhiên, hiện nay chưa nhiều người có ý thức sử dụng dịch vụ này. Mỗi khi nhắc đến tham vấn, trị liệu, đa số vẫn nghĩ đến viện tâm thần. Nỗi sợ bị đánh giá, soi mói hoặc bị gán nhãn “yếu đuối”, “bệnh tật” dễ dàng lấn át mong muốn giải quyết vấn đề của bản thân.

Nếu muốn thuyết phục nửa kia, bạn có thể xoa dịu sự lo lắng bằng liệu pháp tình cảm. Chẳng hạn, bạn vẫn yêu thương, chăm sóc nhưng không để đối phương mang tâm lý bệnh nhân hay bị thương hại.

yeu nguoi tram cam anh 5

Theo chuyên gia, bạn cần dành nhiều thời gian chăm sóc, thấu hiểu nửa kia. Ảnh: Ron Lach/Pexels.

Bên cạnh đó, hãy chia sẻ nghiêm túc về ý định gắn bó lâu dài, tạo động lực giúp họ nỗ lực vượt qua mặc cảm. Dù vậy, cá nhân vẫn cần chuẩn bị phương án đối phó với phản ứng gay gắt từ nửa kia, nhất là trong các trường hợp trầm cảm trung bình đến nặng.

Quan trọng hơn, các bạn chỉ nên thấu cảm, chứ không đơn thuần là đồng cảm với đối phương. Nghĩa là bạn có quyền đặt mình vào hoàn cảnh của họ nhằm cảm thông, song đừng cố vui, buồn theo cảm xúc ấy. Nếu quá nhập tâm, bạn sẽ dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy u uất cùng người yêu. Lúc này, mối quan hệ có thể đổ vỡ hoặc tệ hơn, hai bạn lại tiếp tục giày vò lẫn nhau.

Thay vào đó, hãy giữ thái độ sống lạc quan. Bạn cần thực sự tin vào chính mình, cũng như khả năng hồi phục của đối phương. Năng lượng tích cực sẽ tác động, giúp họ phần nào quên đi sự tuyệt vọng trong cơn trầm cảm.

Rút lui nếu thấy quá sức

“Em đã cố gắng rất nhiều, song tình trạng của người yêu chỉ trầm trọng hơn. Thậm chí, em cũng bắt đầu có nhiều suy nghĩ tiêu cực. Em nghĩ đã đến lúc chia tay, trước khi cả hai cùng rơi vào bế tắc”.

Một số thân chủ của tôi đã chia sẻ với như thế sau một thời gian đồng hành với người yêu mắc trầm cảm. Có nhiều lý do khiến họ quyết định dừng lại, chẳng hạn như không còn kiên nhẫn hoặc lo sợ về tương lai.

Theo tôi, quá trình rút lui chưa bao giờ đơn giản. Song, tôi vẫn cho đây là quyết định đúng đắn, nếu họ thực sự đã nỗ lực trong hành trình vừa qua mà không thu về kết quả. Hơn nữa, tâm lý chần chừ, “bỏ thì thương, vương thì tội” dễ khiến mối quan hệ ngày càng độc hại.

yeu nguoi tram cam anh 6

Không có gì sai nếu bạn chọn dừng lại sau thời gian dài cố gắng. Ảnh: Ivan Samkov/Pexels.

Trước khi chính thức nói lời chia tay, bạn nên đặt ra một khoảng thời gian thử thách cho mối quan hệ cũng như hai người. Tôi hay gọi đây là “lần nỗ lực cuối”. Hãy cố gắng đặt hết tâm huyết vào đối phương trong 3 tháng, 6 tháng, hoặc một năm. Bạn có thể tiếp tục kiên nhẫn, đồng hành cùng họ trong các buổi trị liệu, dành thời gian trải nghiệm những sở thích chung.

Quá trình này cho bạn thấy liệu còn cứu vãn tình hình được không, hoặc chỉ đơn giản là sắp xếp một cái kết phù hợp cho đôi bên. Nhờ đó, bạn sẽ thôi áy náy, dằn vặt bởi tâm lý “giá như” khi dần rời khỏi cuộc sống của họ

Tất nhiên, cảm giác đau lòng, tiếc nuối vẫn tiếp tục đeo bám bạn trong những ngày sau. Dù vậy, bạn cần có trách nhiệm cao hơn với bản thân. Bạn không mắc nợ, cũng không có nghĩa vụ phải là chỗ dựa cho họ suốt đời. Việc bạn rời đi, sau khi đã thực sự cố gắng, có thể giúp họ nhận thức rõ hơn về tình trạng hiện tại, cũng như tự tìm kiếm lối thoát thay vì giữ tâm lý ỷ lại.

Cuối cùng, tôi mong các bạn sẽ luôn trân trọng đối phương, đồng thời biết cách chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính mình. Nhờ đó, cuộc sống và tình yêu của bạn mới thực sự lành mạnh, trọn vẹn.

Những người yêu đương nhưng trốn chạy cam kết

Nhiều người trẻ luôn nồng nhiệt trong khoảng thời gian hẹn hò. Song, họ trở nên lo âu, có xu hướng trốn chạy khi đối phương bàn đến chuyện gắn bó dài lâu.

Lifestyle gửi đến độc giả gợi ý về sách hay, phong cách đọc hiện đại của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z. Ngoài ra, những người mê đọc sách cũng có thể khám phá thêm góc nhìn của các gương mặt trẻ nổi bật về lựa chọn đọc sách.

Hồng Anh

Illustrator: Hina

Bạn có thể quan tâm