Ngày 19/7, UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Sở Công Thương, Sở Thông tin và truyền thông, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn.
Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát, đánh giá hiện trạng tổ chức hoạt động, thực hiện đầy đủ các phương án phòng, chống dịch Covid-19 của các chợ truyền thống đang hoạt động.
Đồng thời nhanh chóng xây dựng phương án tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng tươi sống tại các chợ đang tạm ngưng hoạt động.
"Chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng, 3 chống dịch để đảm bảo việc ung ứng hàng hóa cho nhân dân địa phương được nhanh chóng, kịp thời và an toàn", Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thắng nhấn mạnh.
Phương án gửi về UBND thành phố (thông qua Sở Công Thương) trước ngày 23/7.
Người dân xếp hàng đi chợ đảm bảo giãn cách. Ảnh: Chí Hùng. |
Cũng theo UBND TP đơn vị quản lý chợ căn cứ tình hình thực tế, rà soát tổng thể các khu vực bán hàng để có phương án điều tiết phù hợp đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, lãnh đạo TP yêu cầu tính toán, nghiên cứu thực hiện phương án phát phiếu đi chợ để hạn chế người vào; bố trí các vách ngăn giữa các hộ tiểu thương, gian bán hàng, giữa người bán và người mua, phân luồng lối đi...
Ưu tiên thực hiện tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đối với đối tượng tiểu thương, người thường xuyên làm việc tại các chợ truyền thống, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm nhanh ngẫu nhiên để kịp thời sàng lọc, phát hiện, xử lý các tình huống liên quan.
Theo UBND TP trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19, hiện đã có ba chợ đầu mối, hơn 2/3 chợ truyền thống và một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân TP tập trung vào kênh phân phối hiện đại làm gia tăng áp lực và tạo nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
"Trước tình hình trên, việc nhanh chóng tổ chức lại các điểm cung ứng hàng hóa trên cơ sở rà soát, khôi phục và đưa vào hoạt động trở lại các điểm bán mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại chợ truyền thống trong điều kiện an toàn là rất cần thiết", Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.
Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường thường xuyên nắm bắt, theo dõi tình hình thị trường, tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi đầu cơ, găm giữ hàng hóa, vi phạm về giá bán... đối với các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịch bệnh.
Tính đến ngày 19/7, toàn TP.HCM chỉ còn 40 chợ truyền thống hoạt động. Trong đó, có 9 quận tại TP.HCM không còn chợ nào hoạt động là quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và 2 huyện Hóc Môn, Nhà Bè. Còn lại các quận, huyện đều có chợ hoạt động.