Người phụ nữ 80 tuổi hiện phải dọn về ở nhà con cháu sau khi bị những vị khách du lịch gây phiền toái, theo South China Morning Post.
Gần đây, ngôi nhà của bà, thuộc một tòa nhà trên con phố Wukang, gây chú ý trên mạng xã hội nhờ một chiếc nơ màu hồng cỡ lớn treo trên ban công, khiến tòa nhà giống như lâu đài Disney thu nhỏ.
Từ đó, người tò mò kéo đến chụp ảnh check-in ngày càng đông, làm phiền cuộc sống của người phụ nữ lớn tuổi.
Chiếc nơ hồng được treo trên ban công khiến đông du khách kéo đến trước cửa nhà tòa nhà bà Hu sinh sống. Ảnh: The Paper. |
Con phố Wukang dài 1,5 km là địa điểm quen thuộc ở Thượng Hải với nhiều quán cà phê nổi tiếng, di tích lịch sử. Hai bộ phim là Sắc, Giới (2007) và Thích Anh (2017) đều lấy bối cảnh tại đây, khiến địa điểm này càng thu hút du khách hơn.
Bà Hu bất ngờ nổi tiếng trên mạng sau khi một người dùng đến thăm khu phố này và chia sẻ video lên mạng cùng chú thích “Đứng trên đường Wukang, dưới tán cây phượng, bên dưới ban công có đính chiếc nơ khổng lồ, đợi một cụ bà”.
Trả lời The Paper, một người hàng xóm cho hay người khác đã đính chiếc nơ lên mặt ngoài tòa nhà, ở ngay vị trí ban công nhà cụ bà.
Sau khi chiếc nơ hồng được gỡ xuống, vẫn đông người tò mò đến địa điểm này theo lời giới thiệu của người dùng mạng. Ảnh: Sohu. |
“Gia đình bà Hu rất lo lắng vì bà ấy đã 80 tuổi rồi”, người hàng xóm cho biết.
Không chỉ bà cụ, những cư dân khác cũng đối mặt với các phát sinh, ra vào khó khăn khi tòa nhà bỗng thu hút lượng người tham quan đông đúc, đứng tụ tập trước cửa.
Cơn sốt kéo đến ngôi nhà có chiếc nơ khổng lồ khiến Fang Shizhong, Giám đốc Sở Văn hóa và Du lịch thành phố Thượng Hải, lên tiếng đề nghị khách du lịch cần có ý thức tham quan văn minh, không làm xáo trộn cuộc sống của người dân.
Trong những năm gần đây, hiện tượng du lịch daka, mang nghĩa đột nhập trong tiếng Trung, trở thành xu hướng thịnh hành trên mạng xã hội ở Trung Quốc. Theo đó, không chỉ chụp ảnh check-in, các du khách, reviewer còn phát sóng trực tiếp, nói về nơi mình đang đến.
Mặt trái của xu hướng này là nhiều người bắt đầu livestream cả các sự cố, tai nạn giao thông, hiện trường án mạng để câu kéo lượt xem.
Năm 2020, truyền thông Trung Quốc đưa tin một phụ nữ ở Hàng Châu bị chồng giết hại, thi thể nằm rải rác quanh khu chung cư. Sau khi tin tức xuất hiện, nhiều người dùng Internet đã kéo đến để "livestream từ ngôi nhà ma ám" và phỏng vấn hàng xóm.