Chiều 2/2, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng chủ trì cuộc họp tại Thành ủy Chí Linh với chuyên gia của Bộ Y tế, các đơn vị, sở, ngành trên địa bàn về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Bí thư Phạm Xuân Thăng đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập sau khi trực tiếp đi kiểm tra, nghe các bên liên quan báo cáo và ý kiến đóng góp của các chuyên gia.
Tốc độ xét nghiệm còn chậm
Theo Bí thư Hải Dương, tốc độ xét nghiệm SARS-CoV-2 tại tỉnh này còn chậm, thông tin công bố ca bệnh chưa kịp thời.
"Điểm nghẽn nằm ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hải Dương. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Vì xét nghiệm, thông tin chậm nên truy vết chậm dẫn đến dịch bệnh có thể lan ra", ông Thăng nói.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng tại cuộc họp. Ảnh: Thạch Thảo. |
Về tổ chức cách ly, theo Bí thư Thăng, chưa bao giờ Chí Linh cách ly một lúc hơn 4.000 người tại 17 địa điểm và phải huy động tối đa cơ sở vật chất. Một vấn đề đáng chú ý là công tác phối hợp giữa tỉnh và huyện còn bất cập.
Để tháo gỡ các vướng mắc trên, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương giao Sở Y tế, trực tiếp là giám đốc sở, phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và lập tức rà soát quy trình vận hành của CDC để nâng công suất, đáp ứng 100% nhu cầu xét nghiệm của tất cả đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Ông Thăng yêu cầu CDC phải trả kết quả sớm và cử một bộ phận, ít nhất một cán bộ, khi có ca dương tính, lập tức thông báo ngay cho đơn vị địa phương có ca đó.
Kết quả này cũng phải báo ngay cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Bí thư Tỉnh ủy được biết. "Phải lập ngay một nhóm Zalo, lập tức báo vào máy cho chúng tôi và cơ quan báo đài", ông Thăng nói.
"Tại sao không tự giúp mình trước?"
Về mặt chuyên môn, Bí thư Hải Dương yêu cầu từ ngày 3/2, phải thành lập sở chỉ huy tiền phương, thành phần có bác sĩ chuyên môn cao của tỉnh làm nòng cốt, phối hợp cùng các chuyên gia để kịp thời chỉ huy, xử lý các ca dương tính mới.
Ông Phạm Xuân Thăng đề nghị chuyên gia y tế chuyển giao những vấn đề về lâm sàng, chuyên môn sâu trong kỹ thuật điều trị, khoanh vùng, dập dịch để giúp Hải Dương, đặc biệt ở bệnh viện dã chiến. "Nơi nhận là các bệnh viện đa khoa tỉnh, khoa phổi và cấp huyện", ông Thăng nói.
Bí thư Hải Dương chủ trì cuộc họp về phòng chống dịch Covid-19 tại Thành ủy Chí Linh. Ảnh: Thạch Thảo. |
Về vấn đề tổ chức lực lượng cùng hỗ trợ cho 2 điểm nóng là TP Chí Linh và huyện Kinh Môn, ông Phạm Xuân Thăng giao Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh, lập danh sách bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên y tế sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.
"Chúng ta chưa cần đến sự hỗ trợ của tỉnh, thành bạn, dù Bí thư Thành ủy Đà Nẵng có nói với tôi rằng Đà Nẵng sẵn sàng cử lực lượng hỗ trợ chúng ta. Vậy, tại sao chúng ta không tự giúp cho mình trước. Đây là dịp để chúng ta thử lửa và tiếp nhận chuyên môn, sau này chúng ta giúp các tỉnh khác. Chúng ta phải gạt bỏ tư duy sợ nguy hiểm, ngại khó, không dám vào vùng dịch", ông Thăng gay gắt.
Từ đó, Bí thư Hải Dương chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh, từ Bệnh viện Y học cổ truyền đến Bệnh viện Phục hồi chức năng phải cung cấp một danh sách bác sĩ có kinh nghiệm, uy tín, có điều dưỡng viên, sinh viên cho Giám đốc Sở Y tế.
“Những người này phải sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào, không có lý do từ chối, đây là mệnh lệnh", Bí thư Hải Dương nhấn mạnh.
Ông Thăng cũng giao Sở Y tế tiếp nhận Bệnh viện dã chiến số 3 tại TP Chí Linh và cần cử ngay êkip đến vận hành, nhận chuyển giao công nghệ từ chuyên gia.
Quân đội được giao chủ trì, chỉ huy, tổ chức quản lý tất cả khu cách ly. "Chỉ quân đội mới tạo ra kỷ luật, nghiêm minh, nề nếp. Ngoài ra, chúng ta cần nghiên cứu, tùy theo mức độ để đáp ứng phù hợp cho từng địa điểm", Bí thư Hải Dương nói.
Theo bản tin Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đến 18h ngày 2/2, Việt Nam có thêm 30 người mắc Covid-19 trong cộng đồng và một trường hợp nhập cảnh. Riêng Hải Dương ghi nhận thêm 18 ca, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 224.