Ngày 19/10, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh tính đến phương án phá tràn sự cố hồ Kẻ Gỗ để xả lũ. Theo đó, lưu lượng sẽ đạt mức cực đại khoảng 4.100 m3/giây, đảm bảo an toàn cho công trình. Ban chỉ huy khẳng định đây là "tình huống khẩn cấp cần phải tính đến".
Ông Đào Văn Tinh (nguyên Giám đốc Sở Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh), một trong những thành viên đoàn chuyên gia xây dựng công trình Hồ Kẻ Gỗ, nhấn mạnh cần đánh giá đúng tính cấp thiết, tính tình huống của biện pháp phá tràn sự cố.
Phá tràn một cách có kiểm soát
Theo ông Tinh, xử lý tràn sự cố là tình huống xấu nhất khi mực nước dâng lên vượt quá thiết kế công trình, có nguy cơ tràn mặt đê dẫn tới vỡ đập. Ông nói xả tràn sự cố là bất đắc dĩ, nhưng đây không phải tổn hại nguy hiểm nhất. Ở Việt Nam, chưa có công trình nào phải xử lý bằng phương pháp này nên nhiều người còn nghi ngại.
Việc tính đến xử lý tràn sự cố ở hồ Kẻ Gỗ là hoàn toàn hợp lý bởi những ngày qua, đặc biệt là 18-19/10, mực nước liên tục dâng cao, mưa lớn, lượng nước về lòng hồ lớn hơn lượng xả lũ. Ông cho biết theo thiết kế hồ Kẻ Gỗ có khả năng xả tối đa 1.080 m3/s, nhưng lượng xả tối đa không đảm bảo thoát lũ.
Ông Đào Văn Tinh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh. |
"Phá tràn sự cố phải đáp ứng 3 tiêu chí quan trọng. An toàn là số một, thứ hai là hạn chế thấp nhất thiệt hại ở hạ lưu công trình, ở đây là tính mạng và tài sản. Và cuối cùng là vẫn giữ đủ nước đảm bảo cho vụ tưới sắp tới", ông Tinh nói với Zing.
Ông nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất của xử lý tràn sự cố là giữ cho đập không vỡ. Bởi nếu đập vỡ, thì nguy cơ không phải của một tỉnh mà là của một vùng rộng lớn với thiệt hại cực kỳ nặng nề.
Trong hơn 40 năm vận hành và sử dụng hồ này, đây là lần thứ 15 cơ quan chức năng phải thực hiện xả tràn, lần xả tràn lớn nhất lên đến 900 m3/s. Ông nói chưa khi nào phải tính đến phương án phá tràn sự cố và cho rằng đây là biểu hiện tác động của thiên tai ngày càng khó lường.
"Phá tràn sự cố không phải thảm họa. Phương pháp này làm dâng mực nước hạ lưu một cách có kiểm soát, không gây nguy hiểm cho người dân nếu được tính toán và thực hiện một cách cẩn trọng, đúng quy trình", ông Tinh khẳng định.
Kẻ Gỗ có vai trò đặc biệt quan trọng
PGS.TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), đánh giá hồ Kẻ Gỗ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân tại khu vực.
"Nếu nước lũ tràn qua mặt đập hồ Kẻ Gỗ thì vô cùng nguy hiểm. Đập đất và đập đá không được phép để nước lũ tràn qua trong bất cứ tình huống nào. Tràn qua là vỡ đập, là thành thảm họa", ông Tứ nói.
Nhiều khu vực ở TP Hà Tĩnh ngập sâu hôm 18/10. Ảnh: H.N. |
Ông cho hay các hồ chứa được xây dựng hiện nay, cả những hồ chứa nhỏ đều được xây dựng thêm tràn sự cố, nhất là các hồ chứa có tính chất trọng yếu như hồ Kẻ Gỗ. Bên cạnh đó, với diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu, vai trò của tràn sự cố càng có ý nghĩa lớn.
Vị tiến sĩ cho rằng khi phá tràn sự cố, công tác cảnh báo, di dân khỏi khu vực nguy hiểm cần được thực hiện gấp rút, hạn chế thấp nhất các thiệt hại không tránh khỏi. Ông cũng cho biết thêm khu vực bị phá tràn sự cố, đến mùa khô, vẫn có thể xây dựng lại để tiếp tục sử dụng.
Quy trình xử lý tràn sự cố cũng phải rất chặt chẽ. Đầu tiên là Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh nghiên cứu, đánh giá tình hình. Sau đó, tỉnh kiến nghị lên cấp Trung ương để xin ý kiến.
Nếu được phê duyệt phương án phá tràn sự cố, các đơn vị tính toán các khu vực ảnh hưởng để tiến hành di dân khẩn cấp. Sau khi các biện pháp an toàn được thực hiện và đảm bảo yêu cầu, lực lượng chức năng sẽ dùng mìn kích nổ đập tràn sự cố để thoát lũ.
"Xử lý tràn sự cố là bất đắc dĩ, nhưng lại rất quan trọng. Nó bảo đảm an ninh thoát lũ cho cả một vùng lớn, đặc biệt là vùng như Kẻ Gỗ", ông Tứ nói.
Mới tạm an toàn
Trước đó, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Hà Tĩnh có văn bản xin ý kiến Ban chỉ đạo Trung ương về việc ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Mực nước hồ Kẻ Gỗ thời điểm 8h ngày 19/10 ở cao trình +33,6 m, cao hơn mực nước dâng bình thường một m. Hồ đang xả tràn với lưu lượng 950 m3/giây và tiếp tục xả tối đa với lưu lượng 1.100 m3/giây.
Bên cạnh đó, lượng mưa trong thời gian tới dự kiến khoảng 350 đến 400 mm, mực nước trong hồ có thể vượt cao trình +35 m bằng cao trình đỉnh tràn sự cố, nguy cơ mất an toàn hồ rất lớn. Vì vậy, tỉnh đề xuất phá tràn sự cố để xả lũ với lưu lượng khoảng 4.100 m3/giây.
Hồ Kẻ Gỗ có thể xả lũ hết công suất với hơn 1.000 m3/s. Ảnh: Báo Thanh tra. |
Nhưng đến sáng 20/10, mực nước hồ đạt 32,83 m/32,5 m (mực nước dâng bình thường), tương ứng với dung tích 355 triệu m3/345 triệu m3 (dung tích thiết kế). Lượng nước đến và nước mưa giảm khiến lượng xả lũ qua tràn Dốc Miếu chỉ còn 790 m3/giây nên tạm thời không nguy hiểm đến đập.
Ông Tinh nói đây là điều rất may mắn, chưa phải áp dụng biện pháp phá tràn sự cố. Tuy nhiên, nếu tình hình mưa lũ diễn biến khó lường như hôm 18-19/10, cùng với các trận bão đang đi vào khu vực miền Trung, việc tính đến xử lý tràn sự cố là cần thiết.
"Lúc này ta có thể thở được rồi. Nhưng trong 3 ngày 23-25/10, một cơn bão đang tiến vào nước ta. Nếu nó tiến về phía Đà Nẵng, kết hợp với gió mùa ở phía bắc thì nhiều khả năng gây mưa lớn cho khu vực Hà Tĩnh. Vì vậy, tôi cho rằng phải hạ nữa, xuống dưới mức 30 m là tốt nhất", ông phân tích.
Với các nguy cơ hiện hữu như hiện nay, khả năng phải ứng phó với mưa lũ bằng phương pháp này có thể xảy ra.
Ông Tinh cho rằng cơ quan chức năng cần thông tin đầy đủ cho người dân, đảm bảo họ hiểu quy trình phá tràn. Bên cạnh đó, người dân cần tuân thủ, phối hợp với cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.