Ngày 5/12, tôi muốn nói về số lượng huy chương vàng trong từng ngày thi đấu. Nhiều người sẽ thắc mắc tại sao số lượng huy chương chúng ta giành được không có sự ổn định hoặc tại sao hôm nay lại ít HCV như vậy?
Việc Đoàn thể thao Việt Nam giành số huy chương nhiều ít khác nhau theo từng ngày thi đấu còn do nhiều yếu tố. Đầu tiên là phải phụ thuộc vào lịch thi đấu, ngày thi đấu này chúng ta tham gia nhiều hay ít nội dung và những nội dung đó có phải là thế mạnh, VĐV đủ sức cạnh tranh hay không?
Ngoài ra, những vấn đề khách quan khác, ảnh hưởng tới thành tích thi đấu của các VĐV như sự may mắn, thời tiết, sức khỏe.
Đinh Phương Thành có bài thi xà kép xuất sắc. Ảnh: Minh Chiến. |
Dành lời khen cho TDDC
Trước ngày thi đấu, báo chí nước chủ nhà dự đoán VĐV Carlos Yulo sẽ giành hết HCV ở 6 nội dung đơn môn, sau khi anh này thắng lợi ở nội dung toàn năng. Tuy nhiên, Carlos Yulo thua cả VĐV Việt Nam lẫn Indonesia.
Thanh Tùng chỉ giành HCĐ nội dung nhảy chống, nhưng chất lượng thực hiện vẫn tốt, chính nhờ động tác nhảy mà Thanh Tùng được dự Olympic.
Ở nội dung xà kép, Đinh Phương Thành tỏ ra không có đối thủ. Đương kim HCV SEA Games có bài thi hoàn hảo để nhận số điểm 14,8. Đây là điểm số rất cao trong môn TDDC, ở tầm châu lục.
Trong TDDC, ba yếu tố quyết định tới kết quả là độ khó, sự điêu luyện và tính ổn định (động tác, kỹ thuật, tiếp đất). Từ đó, tôi thấy Đinh Phương Thành thi đấu tuyệt vời. VĐV này giúp đội vượt chỉ tiêu một HCV.
Không còn ưu thế tuyệt đối như quá khứ, nhưng TDDC Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu và để lại ấn tượng tại SEA Games năm nay.
Cử tạ cũng là môn xứng đáng nhận lời khen ngợi. Chúng ta giành đến 10 huy chương các loại (4 HCV, 5 HCB, 1 HCĐ). Đây là con số lớn, chưa bao giờ có trong lịch sử, chưa bao giờ chúng ta thành công như vậy. Trong 4 HCV, có những thành tích cao như của Hoàng Thị Hiên hay gây cảm xúc mạnh mẽ của Hồng Thanh, Vương Thị Huyền. 7 HCB cũng cho thấy sự tiến bộ không ngừng. Chúng ta hãy cùng chúc mừng toàn thể đội tuyển cử tạ.
Ánh Viên trở lại với HCV 200 m tự do nữ. Ảnh: Minh Chiến. |
Đội tuyển bơi có dàn VĐV đồng đều
Hôm 4/12, chúng ta giành HCB nội dung bơi tiếp sức 4x200 tự do nam. Đó là cột mốc mới, đánh dấu sự phát triển đồng đều của môn bơi. Chúng ta có đủ lực lượng để thi đấu nội dung tiếp sức.
Huy Hoàng giành HCV ở nội dung không phải là sở trường. Đáng khen hơn là kình ngư này còn phá kỷ lục SEA Games. Về nhất tại cuộc thi đó đã đáng quý. Phá kỷ lục SEA Games, Huy Hoàng đã mở ra trang sử mới.
400 m không phải là cự ly sở trường của Huy Hoàng, nhưng cậu ấy vẫn điều chỉnh và đạt thành tích cao. Điều đó chứng tỏ VĐV này có tiềm năng, còn có thể vươn tầm châu lục và thế giới. Tôi còn nhớ, ở nội dung 1.500 m, Huy Hoàng bám rất sát kỷ lục gia thế giới Sun Yang tại Asian Games 2018.
Với Ánh Viên, tôi nghĩ việc kình ngư này giành HCV là điều bình thường. Ở tầm khu vực, Ánh Viên đã phát triển vượt bậc. Ngày 5/12, Ánh Viên có thể giành HCV ở cả hai nội dung đăng ký.
Tôi cũng chờ đợi hai trận bán kết tennis. Nếu hoàn hảo, Daniel Cao Nguyễn Và Lý Hoàng Nam sẽ gặp nhau ở trận chung kết. Đó là điều thú vị. Thành tích này đến từ việc xã hội hóa thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ.
Ngày 5/12, Đoàn thể thao Việt Nam còn thi đấu những môn có khả năng như bắn cung, pencak silat, đấu kiếm. Xe đạp có Nguyễn Thị Thật, đội bắn cung có thành tích tốt ở giải châu Á vừa qua, pencak silat có Nguyễn Thị Thêm hay Đình Tuấn.
Họ đều là những niềm hy vọng của thể thao Việt Nam trong ngày thi đấu này. Tôi dự đoán với những nội dung thế mạnh, chúng ta sẽ có nhiều HCV ở ngày 5/12.
Những môn thể thao Olympic liệu có bị ảnh hưởng khi các môn mang tính khu vực đang gặt hái nhiều thành công? Ảnh: Minh Chiến. |
Băn khoăn lớn
Trong những ngày qua, cùng với thành công của Đoàn thể thao Việt Nam, tôi luôn băn khoăn việc cân bằng giữa việc đầu tư hướng đến đấu trường Asian Games, Olympic hay cho mục tiêu top 3 SEA Games.
Những môn chủ lực như cử tạ, TDDC đạt yêu cầu, tuyển bơi đang thắng thế, đấu kiếm đang tiến bộ trở lại. Bên cạnh đó, điền kinh cũng đang trở lại. Đó đều là những môn Olympic.
Những môn xã hội hóa và thế mạnh của khu vực lại thắng lớn. Kurash và Arnis mang về tới 11 HCV. Nhiều môn khác có nỗ lực bao nhiêu cũng không vươn tới thành tích này. Câu hỏi đặt ra là ở trong "hội làng" này, chúng ta thắng lớn thì liệu những môn thể thao trong chương trình Olympic có ảnh hưởng hay không.
Có điều may mắn là thể thao Việt Nam đang thực hiện xã hội hóa. Hơn 10 môn trong diện này đem lại sự khởi sắc nhất định cho thể thao nước nhà. Còn việc hoạch định chiến lược ra sao cho những môn trọng điểm lại là câu chuyện hoàn toàn khác.