- Một số ý kiến nghi ngờ về việc VinFast công bố số liệu chi tiết về giá thành sản xuất để “kêu khổ”. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
- Tôi nghĩ công khai thông tin là một việc làm bình thường trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Nhưng khi việc công khai minh bạch thông tin chưa được phổ biến ở Việt Nam, thì đây lại trở thành một việc bị nghi ngờ. Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm rằng chúng ta thường khen người Nhật Bản, Hàn Quốc yêu nước vì họ nỗ lực sản xuất ôtô thương hiệu của mình và họ chỉ sử dụng ôtô nội địa. Thế nhưng, đến khi Việt Nam có ôtô của riêng mình, một số người lại tỏ thái độ coi thường, tìm mọi điểm khuyết để chê bai, vùi dập chứ không phải là góp ý, chia sẻ.
Thái độ đó thật lạ lùng. Một doanh nghiệp Việt khởi nghiệp trong lĩnh vực khó như ôtô tất nhiên không thể tránh khỏi còn điểm hạn chế, việc góp ý phải trên tinh thần để Việt Nam làm được những sản phẩm thực sự mang đẳng cấp thế giới. Chúng ta cần xác định cần một tinh thần vì Tổ quốc đúng nghĩa. Tư duy nước ngoài làm thì khen, còn người Việt đang nỗ lực làm vì niềm tự hào chung của cả dân tộc thì bị “dìm” không thương tiếc phải xem lại.
- Từ lâu, Việt Nam đã có chính sách để xây dựng và phát triển ngành sản xuất ôtô trong nước. Giờ đây nhìn lại, theo ông, chúng ta đã làm được những gì?
- Tôi cứ nghĩ, tại sao ngành công nghiệp ôtô Việt lâu nay vất vả như vậy? Có lẽ vì chúng ta đã xây dựng chiến lược này theo cách “ăn xổi” quá, thiếu những kế hoạch, cam kết cụ thể, mang tính ràng buộc cao.
Khái niệm nền công nghiệp ôtô chỉ nói tới mục tiêu một cách chung chung, không có những phép tính hiệu quả kinh tế sát thực. Khi làm chiến lược với nền công nghiệp ôtô, ngay từ đầu phải đặt ra câu hỏi, doanh nghiệp (tư nhân) nào có thể đóng vai trò trụ cột, có khả năng xây dựng, phát triển và làm chủ chuỗi sản xuất theo định hướng cạnh tranh quốc tế? Chính sách hỗ trợ - chứ không phải là ưu đãi, càng không thể là bao cấp - để phát triển thành công trụ cột đó là gì?
PGS.TS Trần Đình Thiên. Ảnh: T. Trung. |
Giờ đây, chúng ta bắt đầu có hy vọng, thậm chí bắt đầu xác lập được niềm tin làm được ôtô thương hiệu Việt là vì có những tập đoàn tư nhân lớn tham chiến, như VinFast hay Thaco.
- Ôtô ASEAN đang tràn vào Việt Nam với số lượng tăng vọt sau khi thuế nhập khẩu giảm. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã nhiều lần kiến nghị về một chính sách thuế "sống còn" cho ngành ôtô. Ông nghĩ gì về việc này?
- Ngay từ đầu khi ký các cam kết hội nhập, chúng ta đã mở cửa nền kinh tế rất rộng. Điều này về tổng thể dài hạn là có lợi. Tuy nhiên, nó cũng gây bất lợi khi Việt Nam chưa chuẩn bị tốt năng lực thực hiện các cam kết hội nhập. Các doanh nghiệp như VinFast mới ra đời, chưa kịp lớn đã phải đương đầu với các hãng ôtô lớn của thế giới.
Vì sự phát triển của nền công nghiệp Việt, Nhà nước cần có những hỗ trợ trong khuôn khổ phù hợp với các cam kết hội nhập để họ có thể lớn nhanh, đỡ rủi ro hơn. Tôi cũng xin nhắc lại - hỗ trợ chứ không ưu đãi phi thị trường, không bao cấp.
Với những doanh nghiệp mới như VinFast, rõ ràng cần những chính sách tốt, cụ thể để tạo điều kiện cho họ phát triển. Nhà nước cần tích cực hơn để "gỡ" cho doanh nghiệp và doanh nghiệp nên chủ động đề xuất, coi đây là quyền và trách nhiệm của mình. “Đòi” Nhà nước chính sách phát triển chứ không phải “xin” chính sách nhà nước.
- VinFast nói rằng họ giảm giá thành sản xuất, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với ôtô Việt chất lượng tốt. Theo ông, Nhà nước cần làm gì để thúc đẩy nhanh được việc này, bởi công nghiệp hỗ trợ cũng là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế?
- Tôi cho rằng ngoài các chính sách để cải thiện môi trường chung, Chính phủ nên hỗ trợ phát triển chuỗi sản xuất thông qua việc “trợ lực” cho doanh nghiệp “đầu tàu”. Khái niệm ủng hộ công nghiệp ôtô và phát triển công nghiệp hỗ trợ ôtô nên tập trung như vậy.
Chẳng hạn như VinFast, để sản xuất ra được một chiếc ôtô đẹp, rẻ, họ sẽ biết cách dùng tiền một cách tốt nhất. Họ biết doanh nghiệp phụ trợ nào cần được hỗ trợ lúc nào, mức nào là tốt nhất và hiệu quả nhất. VinFast sẽ là hạt nhân, cùng xây dựng những doanh nghiệp hỗ trợ tốt rồi tạo sự lan tỏa, từ đó nâng công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lên.
Mẫu xe VinFast Lux A2.0. |
Đổi lại, các doanh nghiệp “đầu tàu” phải cam kết rõ, từng thời đoạn, sau 1 năm, 2 năm, thậm chí 5-10 năm nữa, họ phải làm được gì để đóng góp vào sự phát triển quốc gia, nếu không làm được, phải chịu trách nhiệm gì. Đây là việc cực kỳ khó, ta chưa làm bao giờ. Nhưng Nhật Bản, Hàn Quốc, hay gần đây là Trung Quốc đã làm như vậy. Nhờ đó, họ nhanh chóng có các tập đoàn kinh tế hùng mạnh đưa nền kinh tế quốc gia “bay lên”.
Việc khó thì nên giao cho những người tài và có khí phách dân tộc. Để thách thức họ. Tôi nghĩ người thực tài thích làm việc khó.
- Ông có lo việc ưu đãi tập trung có thể gây nên sự thiếu công bằng không?
- Chúng ta phải hiểu, logic phát triển của kinh tế thị trường có hai điểm: Một là môi trường cạnh tranh công bằng; và hai là biết khuyến khích đúng điểm, chứ không phải là chia đều. Cách làm rải vốn dàn trải chính là ban phát. Kinh tế thị trường không phải như thế.
Tất nhiên, với những doanh nghiệp tiên phong như VinFast, 2 năm chưa đủ để tạo nên nền tảng công nghiệp hỗ trợ trong nước được. Nhưng đến nay, tốc độ triển khai của VinFast rất nhanh. Hãng đặt mục tiêu nội địa hóa với cả những sản phẩm "đinh" như động cơ, hộp số chứ không chỉ là những chi tiết nhỏ nhặt. Tôi nghĩ đó là cách làm đúng thời đại.
Khái niệm xây dựng chuỗi hiện đại như kiểu VinFast đang được kiểm định và phải khuyến khích nó. Tôi tin là VinFast đang làm đúng.
Bình luận