Các tài liệu từ tháng 6 và 7/2020 cho thấy công ty sản xuất vaccine Pfizer mong muốn được họp với giới chức cấp cao Australia "sớm nhất có thể". Theo công ty này, Bộ Y tế Australia đã phản hồi vài ngày sau và yêu cầu Pfizer họp với Thứ trưởng Bộ Y tế Lisa Schofield, theo Sydney Morning Herald.
Phát ngôn viên của ông Greg Hunt, Bộ trưởng Y tế, bác bỏ các nhận định cho rằng Australia hành động chậm trễ. Theo ông, cơ quan này đã bắt đầu hợp tác với Pfizer ngay sau khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.
"Bộ Y tế đã bắt đầu hợp tác với Pfizer từ lúc dịch Covid-19 bắt đầu", ông cho biết. "Những cuộc bàn luận này rất chi tiết và đã diễn ra thuận lợi".
Vào tháng 11/2020, Australia đã ký kết hợp đồng mua 10 triệu liều vaccine Covid-19 từ Pfizer. Trong khi đó, các quốc gia khác như Mỹ và Canada đã thỏa thuận với công ty này từ tháng 7/2020.
Pfizer được cho đã sớm tiếp cận Australia nhưng nước này không muốn ký thỏa thuận bảo mật để đẩy nhanh việc đàm phán. Ảnh: Reuters. |
Trong bức thư gửi đến ông Hunt vào ngày 30/6/2020, người đại diện của Pfizer tại Australia cho biết công ty này đã hợp tác với BioNTech để phát triển, thử nghiệm và sản xuất một loại vaccine mRNA mới có khả năng "sử dụng ngay lập tức" để ngăn chặn Covid-19.
"Chúng tôi có thể cung cấp hàng triệu liều vaccine này vào cuối năm 2020, tùy vào tiến độ phê duyệt vầ phát triển kỹ thuật. Vào năm 2021, chúng tôi sẽ tăng sản lượng lên đến hàng trăm triệu liều", Pfizer cho biết trong bức thư.
Các tài liệu của Công đảng Australia cho thấy công ty Pfizer đã yêu cầu tổ chức một cuộc họp với ông Hunt hoặc ban lãnh đạo Bộ Y tế "sớm nhất có thể".
Ba ngày sau, bà Lisa Schofield, Thứ trưởng thứ nhất của Bộ Y tế, cho biết bức thư này đã được chuyển đến ông Hunt. Ngoài ra, bà hy vọng được có cơ hội để bàn với Pfizer về tiến độ sản xuất vaccine.
Cuộc họp đầu tiên diễn ra vào ngày 10/7/2020. Bà Schofield cho biết nội dung chính của cuộc họp là tiến độ sản xuất vaccine của Pfizer.
Ông Hunt cho biết cả hai phía đã liên tục trao đổi qua email, trước khi cuộc họp đầu tiên diễn ra. Kể từ ngày 10/7/2020, ông cho biết Bộ Y tế đã "nhiều lần họp và gọi điện với Pfizer" nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine Covid-19.
Tuy nhiên, các tài liệu cho thấy Pfizer sẵn sàng cung cấp thông tin chi tiết hơn nếu Australia ký thỏa thuận bảo mật thông tin.
"Nếu Australia ký kết trước khi cuộc họp ngày 10/7/2020, lãnh đạo cấp cao của công ty Pfizer sẽ tham dự cuộc họp và cung cấp thông tin chi tiết về nhiều vấn đề", theo email được gửi vào ngày 6/7/2020. "Nếu không, chúng tôi sẽ xem cuộc họp vào ngày 10/7/2020 như một buổi giới thiệu và giải thích và chỉ đại diện Pfizer ở Australia tham dự".
Ông Greg Hunt đã không tham dự cuộc họp đầu tiên với Pfizer. Ảnh: Ellen Smith. |
Bà Schofield cho biết chính phủ Australia đã cân nhắc về việc ký thỏa thuận bảo mật thông tin.
"Australia không thường ký những thỏa thuận trên. Thông tin của chúng tôi được bảo mật theo quy định của pháp luật", bà viết trong thư phản hồi Pfizer. "Tôi muốn đề nghị Pfizer tiếp tục tổ chức cuộc họp vào ngày 10/7/2020. Nếu cần thiết, hai bên có thể tổ chức thêm nhiều cuộc họp sau này".
Ông Mark Butler, phát ngôn viên về y tế của Công đảng, cho biết nỗ lực chống dịch của Australia gặp khó khăn do tiến độ tiêm vaccine Covid-19 bị chậm trễ.
"Các nước đều đua nhau tiêm vaccine cho người dân. Nhưng Australia bắt đầu chậm do chính quyền của Thủ tướng Scott Morrison quyết định 'chờ đợi và theo dõi' các thỏa thuận mua vaccine", ông cho biết. "Trong khi các nước khác ký kết với Pfizer, Australia lại không tổ chức cuộc họp nào".
Các đại diện từ Bộ Y tế lần đầu họp với Pfizer vào ngày 4/8/2020. Tuy nhiên, cơ quan này không cho biết vì sao ông Hunt không tham dự buổi họp đầu tiên với Pfizer, cũng như lần đầu ông gặp các đại diện của công ty này.