Sáng 25/9, Tổ công tác của Thủ tướng đã có phiên làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Mở đầu phiên họp Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng, đã yêu cầu lãnh đạo Petrolimex báo cáo về nội dung hợp tác triển khai dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong.
Tuy nhiên trong báo cáo kiến nghị với Tổ công tác, Petrolimex đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp dừng thực hiện dự án này, với lý do chính là tập trung vốn đầu tư các dự án quan trọng khác.
Đại diện Vụ Công nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ cho rằng đây là thông tin bất ngờ. Bởi lẽ, hồi tháng 1 năm nay, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương xem xét các đề xuất về chính sách ưu đãi mà nhà đầu tư mong muốn khi thực hiện dự án. Đến nay Bộ Công Thương chưa hoàn thành báo cáo mà phía doanh nghiệp đã xin rút lui, điều này cần phải có được báo cáo cụ thể.
Petrolimex muốn dừng làm dự án Nam Vân Phong để tập trung cho các dự án khác. |
Vào cuối năm 2014, JX Nippon Oil & Energy cùng Petrolimex đã ký thỏa thuận chiến lược, mở đường cho đối tác Nhật Bản tham gia đầu tư Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong và thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam. Nhà đầu tư này cũng từng cho biết tiềm năng tiêu thụ lớn và việc mở cửa đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và Indonesia đã thu hút sự quan tâm của họ. Quy mô của dự án được xác định khoảng 6 -7 tỷ USD vào thời điểm đó.
Mới đây, trong văn bản của nhóm đại diện phần vốn Nhà nước gửi Bộ Công Thương về việc thoái vốn nhà nước tại Petrolimex cũng đề cập thông tin cam kết liên quan đến dự án này. Văn bản cho biết hai bên cùng thực thi các công việc tuân thủ đúng các cam kết đặt ra. Đồng thời doanh nghiệp đã tiến hành thuê tư vấn độc lập, thiết lập các nhóm dự án để cùng tiến hành nghiên cứu chung, đánh giá và thẩm định hiệu quả, tính khả thi của dự án trong tình hình, điều kiện mới hiện nay…
Cho ý kiến về việc này, đại diện Bộ Tài chính nhắc đến quá trình đổi công suất, thu xếp vốn, xin cơ chế ưu đãi… của dự án này, Vị này cho rằng lý do chính của việc tập đoàn muốn dừng dự án là nằm ở năng lực tài chính. Ông cũng nhắc lại việc trước đây khi tham gia góp ý cho dự án này, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất phương án dừng triển khai.
Cũng trong buổi làm việc này, bàn về công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Petrolimex, cho biết đơn vị này đã hoàn tất việc hình thành 6 tổng công ty hoạt động hiệu quả theo mô hình công ty mẹ - công ty con, công ty cổ phần. Thời gian tới, tập đoàn sẽ đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc PGBank và các lĩnh vực Petrolimex không cần giữ cổ phần chi phối.
Về thoái vốn nhà nước tại công ty mẹ, ngày 4/7 vừa qua, Tập đoàn đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương để xem xét báo cáo Thủ tướng về phương án thoái vốn. Tập đoàn đề nghị cấp có thẩm quyền đồng ý nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên tới 49%, đồng thời chậm thoái vốn đến 2019-2020, thay vì 2018 như kế hoạch.