Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020, Peru đã ghi nhận 2.196.101 ca nhiễm nCoV, trong đó có 200.019 trường hợp tử vong, theo số liệu của Worldometer tính đến ngày 24/10.
Với 6.065 ca tử vong trên một triệu dân, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong trên đầu người vì Covid-19 cao nhất thế giới, theo thống kê của AFP.
Thông tin trên được đưa ra vào thời điểm sự suy giảm trong số ca mắc Covid-19 và số ca tử vong được quy về những tiến triển trong việc tiêm chủng.
Mặc dù vậy, các nhà chức trách vẫn quan ngại về một làn sóng lây nhiễm mới có thể xảy đến do biến chủng Delta hiện vẫn “thống trị” quốc gia Nam Mỹ này, theo AFP.
Ở Mỹ Latin, số người chết của Peru chỉ sau Brazil và Mexico, mặc dù dân số của nước này thấp hơn nhiều lần.
"Chúng tôi đang duy trì mức độ kiểm soát cao", Bộ trưởng Y tế Hernando Cevallos cho biết.
Số ca tử vong vì Covid-19 ở Peru đã vượt ngưỡng 200.000. Ảnh: AFP. |
"Có khả năng làn sóng lây nhiễm đầu tiên và thứ hai đã tạo ra khả năng miễn dịch cho một bộ phận người dân. Và việc tiêm chủng cũng vậy”, ông cho biết.
Mirtha Garcia Espinoza, 39 tuổi, một phụ nữ góa chồng vì đại dịch, nói với AFP: “Chúng ta cần phải tiêm phòng để không còn nỗi đau buồn trong những ngôi nhà và không còn trẻ em mồ côi nữa".
Kể từ tháng 4, tỷ lệ tử vong do virus corona của Peru đã giảm khi số người chết ở mức 2.500 trường hợp trong một tuần. Tuần trước, con số này đã giảm xuống còn 169.
Trước đại dịch, Peru là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực, song vào năm 2020, GDP của nước này đã giảm 11%. Hơn 2,1 triệu người đã mất việc làm khi Peru bước vào thời kỳ suy thoái.
Các chuyên gia cho rằng các vấn đề mà Peru gặp phải là do độ lớn của nền kinh tế phi chính thức và hệ thống chăm sóc sức khỏe không hiệu quả.
Chính phủ nước này hy vọng sẽ tiêm phòng cho 70% dân số trên 12 tuổi vào cuối năm nay.