Người biểu tình tại Peru tụ tập trước đồn cảnh sát, nơi đang giam giữ ông Pedro Castillo. Ảnh: AP. |
Quân đội Peru đã được triển khai nhằm hỗ trợ cảnh sát kiềm chế các cuộc biểu tình từ những người ủng hộ ông Pedro Castillo, cựu tổng thống vừa bị phế truất hôm 7/12.
Nhiều người biểu tình đã thiệt mạng khi đụng độ với cảnh sát, trong khi một số sân bay và tuyến đường bị phong tỏa tạm thời, theo BBC.
Căng thẳng trong lòng Peru vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt kể từ khi ông Castillo tuyên bố sẽ giải tán quốc hội hôm 6/12. Quốc hội và tòa án nước này cáo buộc ông Pedro âm mưu đảo chính, do đó đã phế truất và bắt giam ông vài giờ sau tuyên bố của cựu tổng thống.
Động thái bất ngờ
Trong những năm gần đây, Peru chứng kiến hàng loạt tổng thống đương nhiệm bị lật đổ và một số cựu tổng thống phải ngồi tù vì những tội danh trong thời gian tại vị. Vào tháng 11/2020, đất nước này đã có ba tổng thống chỉ trong vòng một tuần.
Song, với tình trạng vốn có của Peru, những gì xảy ra vào hôm 7/12 vẫn được coi là điều kinh ngạc, ngay cả về mặt tốc độ các sự kiện nối tiếp nhau và hậu quả của chúng.
Trong một bài phát biểu bất ngờ trên truyền hình toàn quốc, cựu Tổng thống Pedro Castillo đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên khắp Peru. Ông thông báo sẽ giải tán quốc hội và thay thế bằng “chính phủ khẩn cấp đặc biệt”, nhằm “thiết lập lại pháp luật và nền dân chủ”.
Những phản ứng
Động thái trên đã gây cú sốc lớn trong đất nước. Người đứng đầu tòa án hiến pháp cáo buộc ông Castillo phát động đảo chính.
Nhiều bộ trưởng trong nội các ông Castillo, bao gồm bộ trưởng Quốc phòng, đã từ chức ngay lập tức. Phó tổng thống của ông là Dina Boluarte cũng đã lên án việc giải tán quốc hội.
Quân đội Peru được triển khai hôm 14/12 để kiềm chế đám đông biểu tình. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, cảnh sát và quân đội đưa ra một tuyên bố chung nói rằng họ ủng hộ hiến pháp. Quốc hội đã triệu tập cuộc họp khẩn, và bỏ phiếu áp đảo để luận tội ông.
Các lần luận tội ông Pedro Castillo
Trước đó, ông Pedro Castillo đã đối mặt với các cuộc bỏ phiếu luận tội trước khi có bài phát biểu giải tán quốc hội.
Hai lần bỏ phiếu luận tội trước đó đều không đạt được số phiếu cần thiết, do đó hầu hết giới quan sát đều dự đoán rằng ông sẽ vượt qua đợt bỏ phiếu lần này. Song, phần đông nghị sĩ quốc hội đã ủng hộ luận tội để phế truất ông Castillo.
Ban đầu, giới quan sát đánh giá việc dù quốc hội Peru bị chi phối bởi các đảng đối lập với ông Castillo, nó bao gồm nhiều đảng nhỏ và thường không đồng thuận. Ngoài ra, cáo buộc "thiếu năng lực đạo đức" đối với ông Castillo là một điều khá mơ hồ, nên những dự đoán ban đầu là cựu tổng thống sẽ thoát luận tội.
Ông Pedro Castillo, 53 tuổi, đã có một nhiệm kỳ tổng thống khó khăn ngay từ đầu. Từng là một giáo viên và là người theo cánh tả, ông được bầu với chênh lệch thấp nhất trong lịch sử Peru, đánh bại đối thủ cánh hữu Keiko Fujimori.
Tổng thống Peru Dina Boluarte cùng nội các mới tại cung điện chính phủ ở thủ đô Lima hôm 10/12. Ảnh: AP. |
Vốn không có nhiều kinh nghiệm chính trị và thiếu các mối liên hệ, cũng như ảnh hưởng lớn từ đối thủ, ông phải đối mặt với một quốc hội đối lập khiến cựu tổng thống khó khăn trong việc điều hành.
Nội các của ông Castillo thay đổi liên tục và trong 17 tháng cầm quyền, và đã có 5 đời thủ tướng phục vụ trong nhiệm kỳ của ông.
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Castillo cũng bị phủ bóng bởi những cáo buộc tham nhũng, mà ông nói là một phần của "cuộc đàn áp chính trị".
Điều gì ảnh hưởng đến quyết định giải tán quốc hội?
Khi cựu Tổng thống đọc tuyên bố giải tán quốc hội, giới quan sát thấy được hình ảnh ông lo lắng, với bàn tay đang run rẩy.
Một trong những cố vấn thân cận nhất của ông nói với tờ El Pais rằng đã không hay biết về kế hoạch giải tán quốc hội.
Trong khi đó, một số người nghĩ rằng ông bị ảnh hưởng bởi Anibal Torres - người giữ chức thủ tướng từ tháng 2 đến khi từ chức vào hôm 24/11 - khi ra quyết định hôm 6/12.
Tỷ lệ ủng hộ ông Castillo ở mức thấp, song nó vẫn cao hơn ý kiến của công chúng về quốc hội. Do đó, giả thuyết được đưa ra là ông Castillo đã ra quyết định táo bạo với hy vọng người Peru sẽ ủng hộ chính phủ khẩn cấp hơn là một quốc hội chia rẽ.
Ông Torres hiện cũng bị điều tra với cáo buộc nổi loạn và bỏ trốn.
Chuyện gì xảy ra sau đó?
Quốc hội đã thách thức ông Castillo và bỏ phiếu luận tội chỉ vài giờ sau tuyên bố trên truyền hình.
Các nghị sĩ đã sớm bỏ phiếu áp đảo, và họ cũng triệu tập Phó tổng thống Boluarte để tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời.
Ông Castillo và gia đình đã rời dinh tổng thống và đến đại sứ quán Mexico, nơi họ dự định xin tị nạn chính trị.
Nhưng trên đường đến đó, các vệ sĩ cảnh sát của ông đã chặn xe và đưa cựu tổng thống đến đồn cảnh sát theo lệnh cấp trên. Ông đang bị tạm giam trong khi chờ xét xử. Cảnh sát đang điều tra cựu tổng thống với cáo buộc nổi loạn.
Hôm 13/12, tòa án Peru đã bác đơn kháng cáo của ông Castillo yêu cầu thả ông khỏi nơi giam giữ trong khi chờ xét xử.
Cảnh sát được điều động kiềm chế những người biểu tình tại Arequipa, Peru hôm 14/12. Ảnh: AP. |
Phản ứng từ người dân Peru
Nhiều người lên án nỗ lực giải tán Quốc hội của ông Castillo và nói đây là hành động “chuyên quyền”.
Họ so sánh nó với vụ việc "autogolpe" năm 1992, mang nghĩa là "tự đảo chính", đề cập đến trường hợp cựu Tổng thống Alberto Fujimori đã giải tán quốc hội và cơ quan tư pháp, với sự hậu thuẫn của quân đội.
Dù ông Castillo không thành công như người tiền nhiệm, vẫn còn đó những sự lo lắng về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Sự bất mãn với Quốc hội Peru vẫn lan rộng, và đã có những cuộc biểu tình bạo lực, khi người biểu tình kêu gọi sớm tổ chức tổng tuyển cử mới.
Trong khi đó, những người ủng hộ Castillo tuần qua đã xuống đường phản đối chính quyền mới của bà Boluarte và đòi trả tự do cho cựu tổng thống. Nhiều cuộc biểu tình diễn ra tại thủ đô Lima và nhiều thành phố khác của Peru như Andahuaylas, Cajamarca, Arequipa, Huancayo, Cusco và Puno, theo AFP.
Kịch bản tiếp theo
Tính từ hôm 7/12, Peru vẫn sa lầy sâu trong khủng hoảng chính trị. Khi tuyên thệ nhậm chức, bà Dina Boluarte cho biết sẽ phục vụ đến hết nhiệm kỳ của ông Castillo, kết thúc vào tháng 7/2026.
Đến ngày 12/12, bà Boluarte đề xuất tổ chức bầu cử trước hai năm - vào tháng 4/2024. Hai ngày sau đó, bà lại đề nghị tổ chức bầu cử sớm hơn, vào tháng 12/2023.
Ưu tiên của bà Boluarte sẽ là dập tắt các cuộc biểu tình nổ ra kể từ khi bà nắm quyền. Hôm 14/12, Bộ trưởng Quốc phòng Peru Luis Otarola Peñaranda đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 30 ngày.
Tuy nhiên, sự phẫn nộ của những người ủng hộ ông Castillo có thể sẽ leo thang hơn nữa nếu có thêm người biểu tình thiệt mạng khi đụng độ với lực lượng an ninh.
Trong khi đó, những người đứng ngoài cũng có thể mất kiên nhẫn khi công việc và việc đi lại của họ bị ảnh hưởng từ các cuộc biểu tình.
Với sự bất mãn ngày càng tăng, Tổng thống Boluarte khó có thể có không gian và thời gian để gắn kết đất nước, điều mà bà đã tuyên bố khi nhậm chức.