Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Pepsi và Coca-Cola 'gặp hạn' như thế nào ở châu Mỹ?

2 thương hiệu lớn nhất toàn cầu đang gặp khó khăn trước những dự luật chống lại nước giải khát tại Mexico và Mỹ.

Doanh số bán hàng của Pepsi và Coke đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng tại Mexico, quốc gia vừa ban hành đạo luật chống lại bệnh béo phì. Lo lắng trước những sụt giảm trong doanh thu, ngành công nghiệp nước giải khát Hoa Kỳ đang làm mọi cách để ngăn chặn sự ra đời một đạo luật tương tự có thể sẽ được ban hành sớm.

Pepsi đã mất 3% tổng doanh thu các mặt hàng đồ ăn vặt tại Mexico, mặc dù doanh số toàn cầu cùng kỳ của hãng tiếp tục tăng. Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Coca-Cola cũng cho thấy doanh thu không như mong đợi tại khu vực Mỹ Latin trong 2 quý đầu năm.

Nhân viên văn phòng tại Mexico tập thể dục giữa giờ làm việc.

Mexico gia nhập vào hàng ngũ các quốc gia ban hành đạo luật chống lại bệnh béo phì khi phê chuẩn đạo luật đánh thuế cao những đồ ăn không có lợi cho sức khỏe cũng như đồ uống có đường vào cuối 2013. Đây là kết quả của cuộc vận động chống lại béo phì được phát động bởi chính Tổng thống Enrique Pena Nieto của nước này.

Tỉ lệ béo phì trong số những người trưởng thành tại Mexico thậm chí còn cao hơn Mỹ với mức 32,8%. Mexico cũng là quốc gia tiêu thụ trên đầu người lớn nhất các sản phẩm đồ uống của Coca-Cola, những sản phẩm được biết đến từ lâu như nguyên nhân của bệnh béo phì. Mexico sẽ đánh thuế 1 peso (tương đương 7 cent) cho mỗi lít đồ uống chứa đường, và thêm 5% đối với mặt hàng đồ ăn vượt quá 275 calo/100 grams.

Mặc dù giám đốc tài chính của PepsiCo, Hugh Johnston, cho hay doanh số sụt giảm tại Mexico đã được hãng tiên đóan trước và hãng sẽ có những biện pháp “lách luật” thông qua các chiến lược đóng gói sản phẩm. Bên cạnh đó, Pepsi và Coke đang phải chi ra hàng triệu USD để ngăn cản việc dự luật về đánh thuế đồ uống có đường tại California được ban hành. Lệnh cấm các đồ uống có đường sẽ được đưa ra thảo luận tại Berkeley và San Francisco trong tháng 11. Mặc dù trước đây những khoản thuế cũng như điều luật tương tự đã không được thông qua tại nhiều nơi trên nước Mỹ, nhưng nếu lần này chính sách mới được phê chuẩn thì đó sẽ là 1 đòn giáng mạnh vào các hãng sản xuất đồ uống.

Không ai có thể biết liệu việc ban hành đạo luật chống lại đồ uống có đường có thể làm giảm thiểu tỉ lệ béo phì hay không. Những người ủng hộ hi vọng rằng các khỏan thuế thu được sẽ được sử dụng cho mục đích giáo dục sức khỏe, cũng như giảm thiểu ít nhất 1/3 lượng tiêu thụ đồ uống có đường.

Cuộc chiến giữa các hãng nước ngọt với các đạo luật hay khoản thuế mới được cho rằng vô cùng khốc liệt, và bên nào nắm được nhiều lợi thế hơn vẫn còn là một ẩn số. CEO của Pepsi đã gọi đây là “những khoản thuế sặc mùi phân biệt đối xử” và ngành công nghiệp nước ngọt sẵn sàng chiến đấu đến cùng để bảo vệ mình.

Hiệp hội nước giải khát Hoa Kỳ kể từ đầu năm đã chi ra tổng cộng 7,7 triệu USD cho việc chống lại đạo luật này chỉ ở San Francisco. Theo chiều ngược lại, những người ủng hộ đạo luật mới chỉ nhận được con số khiêm tốn là 391.000 USD. “Nếu dự luật không được thông qua ở Berkeley thì chắc chắn không nơi nào có thể. Các hãng nước ngọt thừa hiểu rằng nếu họ có thể đánh bại đạo luật tại nơi này thì họ có thể làm điều tương tự ở bất cứ đâu",  Tom Bates, Thị trưởng Berkeley phát biểu.    

 

Tô Đức

Bạn có thể quan tâm