Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Panasonic và triết lý hoàn thiện con người trước khi tạo ra sản phẩm

Nhà sáng lập Panasonic Konosuke Matsushita từng nhấn mạnh, con người là tài sản quý nhất và được đặt ở vị trí trung tâm của sự phát triển.

Trong 5 thập kỷ chính thức có mặt tại Việt Nam, triết lý “hoàn thiện con người trước khi tạo ra sản phẩm” luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động đào tạo nguồn nhân lực của Panasonic Việt Nam.

Với gần 7.000 người lao động, Panasonic Việt Nam đặt sự phát triển của nhân viên lên hàng đầu. Vì vậy, những “người Panasonic” tuy xuất phát điểm khác nhau nhưng đều được tiếp cận cơ hội phát triển công bằng.

Biến tiềm năng thành tài năng

Hơn 14 năm làm việc tại Công ty Panasonic Industrial Devices Việt Nam (PIDVN), chị Hoàng Thị Phương Thảo luôn bắt đầu ngày làm việc bằng cách lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm từ các thành viên trong nhóm sản xuất. Đi cùng năm tháng gắn bó với Panasonic là các khóa đào tạo được chị ví như dạy từ “học ăn, học nói, học gói, học mở”, từ kỹ năng thuyết trình, quản lý thời gian… đến đào tạo theo từng công đoạn sản xuất với khẩu hiệu “công đoạn sau là khách hàng của công đoạn trước”. Hệ thống đào tạo bài bản ấy đã giúp chị phát triển từ một công nhân đứng trên dây chuyền thành trưởng nhóm sản xuất tại PIDVN.

Panasonic anh 1

Chị Thảo trong chuyến đi từ thiện do công ty Panasonic Industrial Devices Việt Nam (PIDVN) tổ chức tại Quảng Bình. Ảnh: NVCC.

“Tại Panasonic, ai cũng có cơ hội và thách thức để phát triển mà không phân biệt giới tính, bằng cấp. Điều này giúp tôi có động lực và tự tin hơn khi làm việc. Tôi trân trọng triết lý phát triển con người của tập đoàn, giúp tôi có điều kiện đóng góp và gắn bó lâu dài”, chị Thảo chia sẻ.

Chị Vũ Thị Nhung - Phó nhóm giám sát, bộ phận sản xuất PIDVN - cũng bắt đầu hành trình tại Panasonic từ một công nhân bình thường. Khác với tính cách nhút nhát vốn có, giờ đây, chị đã tự tin và trưởng thành hơn nhờ sự hỗ trợ tận tình từ quản lý và đồng nghiệp. Chị luôn tâm niệm: Không quan trọng bạn là ai, xuất phát điểm của bạn như thế nào, quan trọng là sự nỗ lực, cố gắng của bản thân cho sự phát triển của công ty”.

Panasonic anh 2

Chị Nhung tham gia hiến máu tình nguyện, đóng góp cho xã hội từ những điều nhỏ nhất. Ảnh: NVCC.

Ươm tài năng trong môi trường quốc tế

Sau nhiều năm trau dồi kiến thức tại trời Tây, anh Đỗ Ngọc Kiên gia nhập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Panasonic Việt Nam (PRDCV) với mong muốn học hỏi chuyên môn của người Nhật để phát triển bản thân, đóng góp vào sự phát triển của nền R&D nước nhà.

“Khi còn là kỹ sư nghiên cứu, tôi học được nhiều kiến thức từ đồng nghiệp Nhật. Nay ở cấp quản lý, tôi truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ kỹ sư trẻ. Tại Panasonic, chúng tôi có cơ hội hoàn thiện bản thân để trở thành kỹ sư hàng đầu thế giới và tạo ra sản phẩm tốt nhất cho xã hội”, anh Kiên tự hào nhìn lại chặng đường làm việc gần một thập kỷ qua.

Panasonic anh 3

Phát triển tài năng để nghiên cứu công nghệ tiên tiến, đóng góp cho xã hội là vấn đề trọng tâm tại PRDCV. Ảnh: Panasonic.

Nhờ cơ hội hợp tác với nhóm chuyên gia từ các trung tâm R&D trong nước và quốc tế, anh Kiên đã vận dụng kiến thức học được để đi đến tận cùng các cuộc thảo luận. Từ việc thử nghiệm công nghệ mới vào sản phẩm chiến lược, nhóm kỹ sư do anh dẫn dắt đã phát triển các sản phẩm thương mại có yêu cầu kỹ thuật cao như hệ điều hành, phần mềm nhúng, an toàn bảo mật… Nhiều sản phẩm do nhóm anh phát triển không chỉ có mặt ở Việt Nam mà còn xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới.

Trao quyền để trưởng thành

Anh Nguyễn Thiện Nhân là người đặt những viên gạch đầu tiên cho mảng tự động hóa của Panasonic tại Việt Nam. Thời ấy, anh được cấp trên trao cơ hội quyết định chiến lược phát triển tại Việt Nam, đồng thời phụ trách toàn bộ công việc từ quản trị, giao hàng, bán hàng đến hỗ trợ kỹ thuật. Nhìn lại quá khứ, anh tự hào vì những thử thách năm xưa đã tôi luyện nên bản lĩnh và chuyên môn vững vàng. Hiện anh giữ vị trí Trưởng ngành hàng Tự động và Điều khiển, Panasonic Việt Nam.

“Con người là tài sản quan trọng nhất của một tổ chức. Công ty ‘khỏe’ đến từ một tập thể mạnh, giúp công ty đạt thành tựu vượt bậc với chi phí thấp nhất. Tôi luôn dành nhiều thời gian và nguồn lực để đào tạo, đồng thời lắng nghe và trao quyền cho nhân viên, phát huy tối đa năng lực của họ”, anh chia sẻ. Đây là giá trị cốt lõi trong triết lý “hoàn thiện con người, trước khi tạo ra sản phẩm” của nhà sáng lập Panasonic.

Panasonic anh 4

Anh Thiện Nhân chụp hình lưu niệm cùng chân dung nhà sáng lập Panasonic Konosuke Matsushita. Ảnh: NVCC.

Với từng công ty thuộc nhóm Panasonic tại Việt Nam, triết lý phát triển con người được thể hiện theo các hình thức khác nhau, song tất cả đều đặt yếu tố con người làm trung tâm, không ngừng xây dựng môi trường tốt nhất cho người lao động.

Giang Tiểu San

Bình luận

Bạn có thể quan tâm