Hội đồng quản trị Tập đoàn PAN (Mã chứng khoán: PAN) vừa thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu) và chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua.
Cụ thể, doanh nghiệp dự kiến phát hành gần 83,6 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 5:2 (cổ đông cứ sở hữu 5 cổ phiếu được thưởng thêm 2 cổ phiếu mới). Nguồn phát hành từ thặng dư vốn cổ phần theo BCTC kiểm toán năm 2021.
Song song đó, PAN Group cũng triển khai việc chào bán hơn 104,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 2:1 (cổ đông cứ sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua 1 cổ phiếu mới). Cổ phần chào bán không bị hạn chế chuyển nhượng.
Với 2 phương án phát hành nêu trên, tập đoàn nông nghiệp này dự kiến tăng mạnh vốn điều lệ từ mức 2.164 tỷ lên thành 4.102 tỷ đồng.
Công ty | Tỷ lệ đang nắm giữ | Tỷ lệ dự kiến sau đầu tư | Khối lượng cổ phiếu mua thêm | Giá trị mua thêm (tỷ đồng) |
Khử trùng Việt Nam | 41,98% | 65,66% | 7.600.000 | 421 |
Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam | 65,57% | 80,35% | 2.600.000 | 210 |
XNK Thủy sản Bến Tre | 78,33% | 100% | 2.491.228 | 87 |
Lafooco | 80,52% | 94,78% | 2.100.000 | 64 |
Thủy sản 584 Nha Trang | 73,45% | 100% | 1.699.707 | 42 |
Tổng cộng | 825 |
Xét riêng kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu, PAN Group kỳ vọng thu được 1.566 tỷ đồng từ mức giá phát hành là 15.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền này sẽ được sử dụng ưu tiên cho các dự án theo thứ tự.
Đầu tiên là góp 55 tỷ đồng vào công ty Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) theo kế hoạch phát hành cho cổ đông hiện hữu và sử dụng để đầu tư hạ tầng mở rộng kinh doanh.
Tiếp đến tập đoàn này sẽ đầu tư tăng sở hữu tại các công ty thành viên hiện tại để nâng cao lợi ích tổng thể và tạo điều kiện tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho từng đơn vị. Thời gian góp vốn trong khoảng quý III/2022-III/2025
PAN Group tiếp tục chi 400 tỷ đồng cho các hoạt động M&A các công ty khác trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm để hoàn thiện hệ sinh thái, thực hiện từ quý IV.
Chi thêm 100 tỷ đồng đầu tư ngắn và trung hạn các sản phẩm đầu tư an toàn có lãi suất cố định trên thị trường vốn để tối ưu nguồn vốn.
Cuối cùng là tái cơ cấu các khoản vay nhằm nâng cao khả năng tự chủ về vốn, giảm áp lực tài chính cho công ty, bằng việc tất toán khoản vay gần 187 tỷ đồng tại Vietcombank.
The PAN Group hiện thuộc sở hữu bởi các cổ đông lớn như Chứng khoán SSI, Đầu tư NDH, PAN Farm... đều có các pháp nhân có liên quan mật thiết với "ông trùm" chứng khoán Nguyễn Duy Hưng. Tập đoàn nông nghiệp này sở hữu các công ty thành viên trong lĩnh vực giống cây trồng, chăn nuôi cá tôm, bánh kẹo, xuất khẩu hạt điều, sản xuất nước mắm...
Trong năm 2022, PAN Group đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất tăng đến 55% lên mức 14.300 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 48% vào khoảng 755 tỷ đồng. Thực tế lợi nhuận tập đoàn nông nghiệp này đã tăng 234% ngay trong quý đầu năm đạt 168 tỷ đồng.