“Đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy trận lụt nào do mưa gây ra mà lớn tới mức ấy”, ông Rahim Bakhsh Brohi, một nông dân 80 tuổi, ngày 26/8 nói với AFP ở gần Sukkur, thuộc tỉnh Sindh ở miền Nam.
Mùa mưa hàng năm đóng vai trò thiết yếu trong việc tưới tiêu cây trồng và bổ sung nước cho hồ, đập khắp vùng tiểu lục địa Ấn Độ. Nhưng mùa mưa cũng kéo theo lũ lụt và tạo ra làn sóng tàn phá.
Ngập lụt ở Karachi, Pakistan vào ngày 24/8. Ảnh: Reuters. |
Cùng ngày 26/8, Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia (NDMA) cho biết hơn 900 người đã chết trong năm nay vì đợt mưa lớn bắt đầu từ tháng 6. Riêng trong 24 giờ qua đã có 34 người thiệt mạng.
Giới chức Pakistan cho biết các trận lũ năm nay có cường độ tương đương năm 2010 - thời điểm xảy ra đợt lũ tồi tệ nhất trong lịch sử. Trong trận lũ năm 2010, 2.000 người đã chết và gần 20% diện tích Pakistan đã bị nước bao phủ.
NDMA còn cho biết hơn 4,2 triệu người đã chịu ảnh hưởng của lũ, với gần 220.000 căn nhà bị phá hủy và 500.000 căn khác bị thiệt hại nặng.
Chỉ riêng ở tỉnh Sindh - nơi nhiều nông dân nghèo chỉ biết sống cho qua từng mùa, 800.000 ha cây trồng đã bị xóa sổ, NDMA nói.
“20 ha bông của tôi đều mất sạch”, Nasrullah Mehar nói với AFP. “Mất mát ấy là quá lớn… Tôi còn biết làm gì đây?”.
Các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là vùng Balochistan và tỉnh Sindh ở miền Nam và miền Tây, nhưng gần như toàn bộ Pakistan đã chịu ảnh hưởng trong năm nay.
Pakistan xếp thứ 8 trong Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu. Bảng xếp hạng này do tổ chức phi chính phủ Germanwatch thực hiện nhằm đánh giá các nước chịu rủi ro nhất trước các hiện tượng thời tiết cực đoan bắt nguồn từ biến đổi khí hậu.