Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Oxfam: Người nhập cư muốn ở lại thành phố, về quê chỉ là tạm thời

Đại diện Oxfam cho biết phần đông người nhập cư đô thị muốn ở lại thành phố, bất chấp tác động của Covid-19.

“Đa phần mọi người trả lời sẽ cố gắng bám trụ ở khu vực thành phố như TP.HCM hay Bình Dương”, bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Quốc gia của Oxfam tại Việt Nam, chia sẻ tại buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm triển khai các chương trình và dự án ứng phó với đại dịch tại Hà Nội chiều 11/5.

“Đây là các khu vực mà họ có thể có các ngành nghề phụ để kiếm thu nhập”, bà nói. “Quay trở lại địa phương chỉ là kế tạm thời để chờ đợi đỉnh dịch đi qua”.

Gói hỗ trợ của New Zealand bao gồm một triệu dollar New Zealand dành cho hỗ trợ vật tư y tế và được triển khai thông qua tổ chức UNICEF Việt Nam, cũng như một triệu dollar New Zealand hướng đến phục hồi sinh kế cho cộng đồng yếu thế thông qua tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam và Oxfam tại Việt Nam.

Khó khăn của người nhập cư đô thị

Bà Hoa cho biết gói hỗ trợ của Oxfam hướng đến nhóm đối tượng người nghèo ở khu vực đô thị, cụ thể là người nhập cư làm việc ở khu vực lao động phi chính thức.

“Dựa trên các kinh nghiệm của Oxfam trong năm 2021 khi triển khai các gói hỗ trợ Covid-19 khẩn cấp tại các địa bàn tỉnh Bình Dương và TP.HCM, tôi muốn nhấn mạnh đến thông điệp: Phụ nữ là một trong những nhóm bị tác động nặng nề nhất bởi Covid-19, kể cả thời kỳ Covid-19 đang xảy ra đến thời kỳ sau Covid-19”, bà Hoa chia sẻ.

lao dong nhap cu anh 1

Quang cảnh buổi tọa đàm chiều 11/5. Ảnh: Đại sứ quán New Zealand.

Trong năm 2021, Oxfam kết hợp với Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Sociallife) đã có nghiên cứu đánh giá về tác động của đại dịch Covid-19 với đời sống của người Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy lao động nữ, di cư, làm việc ở khu vực lao động phi chính thức chịu tác động lớn từ đại dịch.

“Tác động đến từ rất nhiều chiều, bao gồm cả mất việc làm, mất thu nhập, chịu các vấn đề về sức khỏe, tâm lý”, bà Hoa nói.

“Ở thời điểm đỉnh dịch của TP.HCM, người lao động nhập cư phi chính thức mất việc làm, không có thu nhập, và khoản tiền tiết kiệm ít ỏi còn lại của họ đã tiêu hết trong giai đoạn trước để chi cho các việc của gia đình như ốm đau hay trả tiền nhà”, bà chia sẻ. “Họ mất khả năng cầm cự khi phải ở tạm bợ trên thành phố”.

Dù vậy, theo bà Hoa, sau khi “di cư ngược” trở lại khu vực nông thôn, họ phải chịu các tổn thương phức hợp, bao gồm sang chấn tâm lý vì mất việc làm, tái nghèo, cũng như đối diện các vấn đề về mặt sức khỏe.

“Phần đông trong số họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi sang ngành nghề khác. Một phần không biết chuyển đổi thế nào, phần thứ hai bị ‘bí’ về câu chuyện kỹ năng nghề để chuyển đổi sang ngành mới”, bà Hoa thông tin.

Hỗ trợ đào tạo và tài chính

Bà Hoa cho biết Oxfam Việt Nam và các đối tác tại địa phương, cụ thể là Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) và Viện Sociallife, sẽ triển khai gói hỗ trợ 500.000 dollar New Zealand để hỗ trợ đào tạo việc làm và tài chính cho ít nhất 2.300 lao động tự tại TP.HCM và Bình Dương.

“Chúng tôi đặc biệt tập trung hỗ trợ phụ nữ lao động di cư và người khuyết tật vì đây là hai nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch”, bà Hoa nói trong buổi lễ công bố gói hỗ trợ.

lao dong nhap cu anh 2

Nhiều lao động chịu các tổn thương phức hợp khi "di cư ngược" trở lại nông thôn. Ảnh: Chí Hùng.

Bà Hoa nhấn mạnh cách tiếp cận của Oxfam không phải hỗ trợ cứu đói một lần, mà có mục tiêu giúp 2.300 lao động kể trên có khả năng phục hồi sinh kế sau đại dịch.

Oxfam và các đối tác sẽ làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương, tổ dân phố, các hội, đoàn thể để gặp gỡ, trao đổi với người lao động di cư về cách phục hồi sinh kế, các mong muốn cải thiện công ăn việc làm. Qua đó, các gói hỗ trợ kỹ năng và tài chính phù hợp có thể được đưa ra.

“Đối với nhóm muốn chuyển đổi nghề do mất việc làm, Oxfam sẽ cùng với các đối tác địa phương thảo luận với họ, xác định nhu cầu, xây dựng ý tưởng kinh doanh mới, đặt ra câu hỏi về tính khả thi của kế hoạch khởi sự kinh doanh đó, cung cấp đào tạo nghề liên quan đến nhu cầu như vậy, có hỗ trợ trong suốt tiến trình để họ có thể thực hiện kế hoạch”, bà Hoa chia sẻ.

Ngoài hỗ trợ trực tiếp, Oxfam cũng cùng các đối tác địa phương cũng hỗ trợ xây dựng mạng lưới, các “nhóm làm ăn” để những người nhập cư có kinh nghiệm gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

“Oxfam cũng huy động nguồn nội lực để tiếp tục các hỗ trợ mềm ít nhất một năm sau khi gói hỗ trợ Covid-19 dự kiến kết thúc tháng 1/2023”, bà Hoa cho biết thêm. “Chúng tôi hy vọng đảm bảo được tính thành công, bền vững hơn của các gói hỗ trợ”.

Giải bài toán thiếu lao động cho doanh nghiệp TP.HCM, Bình Dương

Theo chuyên gia, trước nguy cơ khủng hoảng nhân lực tại TP.HCM, Chính phủ cần giải quyết vấn đề đi lại giữa các tỉnh và doanh nghiệp cần hỗ trợ cuộc sống cho người lao động.

Saigon Expresso: Nhu cầu lao động năm 2022 tại TP.HCM dự đoán tăng cao

Theo ước tính, thị trường lao động TP.HCM năm 2022 sẽ có hơn 300.000 việc làm ở nhiều ngành nghề khác nhau.

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm