Tại tọa đàm “Xu hướng thị trường viễn thông Việt Nam 2014” do Câu lạc bộ các nhà báo khoa học công nghệ (ICT Press Club) tổ chức mới đây, việc thương mại hóa các ứng dụng OTT được dự báo là một trong 5 xu thế của thị trường viễn thông 2014.
Nhà mạng tìm cách bắt tay với doanh nghiệp OTT
Chia sẻ về khả năng thương mại hóa các ứng dụng OTT, một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông cho biết, các ứng dụng OTT miễn phí thời gian qua gây xói mòn nghiêm trọng doanh thu của nhà mạng.
Điều này buộc nhà mạng phải tìm cách ứng phó, có thể là ra các ứng dụng tương tự, có thể tìm cách hợp tác. Trong bối cảnh ấy, khả năng thương mại hóa các ứng dụng OTT hoàn toàn có thể xảy ra.Tại tọa đàm, các nhà mạng cũng cho biết đang tìm cách hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng OTT (gọi tắt doanh nghiệp OTT). Theo ông Nguyễn Đình Chiến, đại diện Mobifone, OTT làm đau đầu nhà mạng. Bản thân Mobifone đang nỗ lực để có tiếng nói chung với các doanh nghiệp OTT, như gặp gỡ với đại diện Zalo, Viber bàn cách hợp tác hai bên cùng có lợi.
Từ năm nay có thể thương mại hóa các ứng dụng nhắn tin, thoại miễn phí. Ảnh: Ngọc Châu |
Cũng theo ông Chiến, việc xây dựng gói cước OTT cũng là một mục tiêu mà nhà mạng nhắm tới. Ngoài ra, việc hợp tác giữa hai bên có thể theo hướng cùng nhau cung cấp dịch vụ OTT. Mobifone sẵn sàng mở kênh phân phối dịch vụ để giúp các doanh nghiệp OTT thu tiền từ bán game, bán giá trị gia tăng. Ngược lại, doanh nghiệp OTT giúp tăng doanh thu cho nhà mạng để có nguồn tái đầu tư.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó trưởng phòng Kinh doanh của VinaPhone cho biết, OTT cạnh tranh trực tiếp với dịch vụ thoại, SMS, nên ảnh hưởng khá lớn đến nhà mạng. Việc thu phí với dịch vụ OTT có thể là một phương án.
Tuy nhiên, theo vị này, việc thu phí và tạo ra một mặt bằng cạnh tranh giữa các nhà mạng với các doanh nghiệp OTT nằm ngoài tầm của doanh nghiệp. Thời gian qua, Vinaphone cũng tiếp xúc với các doanh nghiệp OTT để tìm ra một tiếng nói chung.
Bà Phạm Thanh Vân, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom, cho biết OTT là một xu thế, và đã là một xu thế thì sẽ đi cùng nó thay vì chống nó. Quan điểm của nhà mạng này là cộng sinh với các doanh nghiệp OTT.
Trong khi đó, theo vị chuyên gia trên, thực tế các doanh nghiệp OTT cũng bắt đầu có động thái thương mại hóa sản phẩm của mình, dù chưa bằng con đường thu phí dịch vụ thoại và nhắn tin. Ví như Viber hiện cung cấp dịch vụ cho phép gọi di động, cố định với mức cước hợp lý.
Trước đó, theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, có thể sẽ áp dụng biện pháp thu phí khi sử dụng ứng dụng OTT.
Vẫn chưa rõ phương thức quản lý
Trong khi nhiều doanh nghiệp OTT lo lắng về số phận của mình khi chưa có một khung quản lý, thì đại diện các nhà mạng cũng cho rằng, sự thiếu một khung pháp lý đang tạo ra sự mất công bằng trong cạnh tranh giữa nhà mạng và doanh nghiệp OTT.
Tuy nhiên, việc quản lý OTT như thế nào vẫn đang là vấn đề tranh luận. Bà Lê Thị Ngọc Mơ cho biết, áp dụng kinh nghiệm của một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Cục đề xuất 3 biện pháp quản lý các dịch vụ OTT. Thứ nhất nhà mạng tính phụ phí khi sử dụng OTT. Thứ hai, nhà mạng phát triển dịch vụ OTT để cạnh tranh với các doanh nghiệp OTT. Thứ ba, nhà mạng hợp tác với OTT để đưa ra các gói cước đặc biệt, phù hợp với yêu cầu khách hàng. Tuy nhiên, trước mắt đặt ưu tiên cho vấn đề thị trường tự điều chỉnh.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục Viễn thông, Cục đã nhiều lần trao đổi với các nhà mạng và doanh nghiệp OTT để đưa ra mô hình hợp tác. Trên cơ sở đó sẽ nhân rộng hoặc điều chỉnh. Theo ông Hải, qua một thời gian chờ đợi phản ứng từ các doanh nghiệp, nhà mạng, Cục sẽ đề xuất một số định hướng, chính sách còn hiện tại, Cục chưa áp đặt hay định hướng cụ thể việc hợp tác giữa nhà mạng và doanh nghiệp OTT.