|
Vẫn còn tình trạng “nóng trên, lạnh dưới”, “trên bảo dưới không nghe”
- Ông có thể chia sẻ những thay đổi sau Hội nghị Thủ tướng và Doanh nghiệp lần thứ nhất? Đến nay thì phía chính quyền đã có những động thái nào được cho là thành công nhất, cải tổ lớn nhất?
- Trước hết, sự thay đổi lớn nhất sau Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp 2016 là thay đổi tích cực về tư duy. Chưa bao giờ tinh thần xác định doanh nghiệp là động lực được quan tâm như vậy, chưa bao giờ việc thực hiện Chính phủ kiến tạo, phục vụ, thúc đẩy khởi nghiệp lại được thực hiện sâu rộng như hiện nay.
Cá nhân Thủ tướng và thành viên Chính phủ đã đôn đáo đi các địa phương thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, thúc đẩy xây dựng thể chế. Đã có 50 nghị định mới về hướng dẫn hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành. Nhiều thủ tục không cần thiết được cắt bỏ.
Một số bộ ngành cũng có động thái tích cực trong cải cách thủ tục hành chính như Bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn…
Một số địa phương cũng có các mô hình cải cách khá thành công như Hà Nội (mô hình chính quyền điện tử, thủ tục hành chính về tận xã phường); Đà Nẵng với nụ cười công chức, hết việc chứ không hết giờ; Quảng Ninh với cải tiến tổ chức thúc đẩy hoạt động kinh doanh, xúc tiến đầu tư; Đồng Tháp và Tuyên Quang với cà phê doanh nghiệp.
Doanh nghiệp thành lập mới và tạm ngừng hoạt động
một năm sau "Hội nghị Diên Hồng" lần đầu. Đồ hoạ: Hiếu Công. |
- Có ý kiến đánh giá chỉ đạo của Thủ tướng là rất quyết liệt nhưng bộ máy bên dưới, đặc biệt là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp còn những hạn chế và “hờ hững”. Ông nghĩ như thế nào về ý kiến này?
- Bên cạnh các yếu tố tích cực vẫn còn sự trì trệ ở đâu đó. Khá nhiều kiến nghị đã được tháo gỡ, giải quyết nhưng vẫn còn 30% chưa được xem xét. Một số kiến nghị về cải cách hàng chính có thể xem xét giải quyết ngay nhưng các bộ ngành khá chậm trễ.
Vẫn còn tình trạng người đứng đầu tích cực tạo sức nóng và lan tỏa nhưng chưa đến được các cấp bên dưới. Vẫn còn tình trạng “nóng trên, lạnh dưới”, “trên bảo dưới không nghe”.
Thông điệp không chỉ riêng là Chính phủ và các bộ ngành đồng hành mà còn cần tất cả các cấp chính quyền, công chức vào cuộc. Cán bộ chính quyền phải hiểu biết và không vô cảm, phải cảm thông chia sẻ, giúp đỡ doanh nghiệp.
Tôi nghĩ cần tăng cường kỷ luật thực thi, cần đưa ra mô hình và công nghệ cải cách đảm bảo sự song hành giữa các cấp chính quyền và doanh nghiệp.
- Quay lại sự thay đổi sau “Hội nghị Diên Hồng” lần thứ nhất, phía doanh nghiệp đã chuyển biến ra sao?
- Về phía doanh nghiệp, kết quả chuyển biến thể hiện qua các chỉ tiêu mà VCCI đã nghiên cứu. 75% doanh nghiệp hài lòng và cảm thấy chuyển biến tích cực từ phía chính quyền. 25% không cảm nhận được điều đó. Tuy con số 25% là không nhỏ nhưng phần đông đã cảm nhận được tinh thần từ Chính phủ.
Số doanh nghiệp thành lập mới lên tới 110.000 doanh nghiệp trong năm 2016. 4 tháng đầu năm 2017 cũng tăng cao. Số doanh nghiệp giải thể không giảm đi, nhưng số doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng cao.
Cộng đồng doanh nghiệp đã có cố gắng, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp đang cần sự đối xử công bằng, sòng phẳng, minh bạch, bình đẳng và được tôn trọng
"Tôi nghĩ cộng đồng kinh doanh đang cần sự đối xử công bằng, sòng phẳng, minh bạch, bình đẳng và được tôn trọng". Ảnh: Đức Phạm. |
- Ông nhận định kinh tế tư nhân hiện nay như thế nào, còn thiếu và yếu những gì?
- Tại Việt Nam, không chỉ doanh nghiệp Nhà nước yếu mà doanh nghiệp tư nhân cũng hoạt động kém hiệu quả. Theo tôi điểm yếu nhất là khả năng quản trị. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp chạy theo địa tô, môi trường cạnh tranh không sòng phẳng làm họ đi lệch hướng.
Thay vì quản trị, nhiều doanh nghiệp tập trung vào quan hệ và hoạt động kinh doanh ngắn hạn. Ngoài ra, năng suất lao động còn thấp, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, quy mô còn nhỏ là chủ yếu. Chúng ta có một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đông đảo nhưng chưa mạnh.
Giờ môi trường kinh doanh phẳng hơn, cần thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân sáng tạo. Chính phủ cần hỗ trợ thông tin, thể chế, đào tạo, thông tin, quản trị hiệu quả…
Tuy nhiên, công bằng mà nói, doanh nghiệp tư nhân sinh ra trong bối cảnh không có sự bình đẳng, so với DNNN, khu vực đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên họ có sự quyết tâm và ngày càng hình thành ngày càng đông đảo, đóng góp quan trọng với công cuộc đổi mới.
Đóng góp của tư nhân lên đến trên 40% GDP là một kết quả lớn. Tỷ lệ này sẽ ngày càng tăng trong các năm tới.
- Điều doanh nghiệp cần và mong muốn nhất từ chính quyền hiện nay là gì?
- Tôi nghĩ cộng đồng kinh doanh đang cần sự đối xử công bằng, sòng phẳng, minh bạch, bình đẳng và được tôn trọng.
Doanh nghiệp không cần nhiều sự hỗ trợ về vậy chất mà họ cần thể chế chính sách minh bạch, có sân chơi rõ ràng, sòng phẳng.
- Vậy chính quyền đã làm gì để giúp doanh nghiệp có sân chơi như vậy?
- Chính quyền đang ngày càng tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, khuyến khích cảnh tranh. Các động thái như bù giá, bù lỗ đã xưa rồi.
Chính quyền cũng giúp đỡ bằng cách xúc tiến mở rộng thị trường cho doanh nghiệp qua các hiệp định thương mại, khai thông bế tắc buôn bán. Ngoài ra còn có chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực của mình.
- Chính sách bao giờ cũng có độ trễ nhất định. Theo ông độ trễ của chính sách ở Việt Nam so với các nước trên thế giới có khoảng cách bao xa?
- Trong một hệ thống còn rất điểm chưa hợp lý, khó khăn tích tụ từ trước, sự đột phá cần được thực hiện dần dần, không thể kỳ vọng ngày một ngày hai hay 1-2 năm là được.
Tôi nghĩ quan trọng phải có sự nhất quán. Tôi tin Nghị quyết 35 đã có bước khởi đầu tốt đẹp. Cộng đồng doanh nghiệp có quyền hy vọng. Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ 2 được kỳ vọng là bước tăng tốc.
Cần giải quyết sớm các kiến nghị về thể chế
"Cộng đồng doanh nghiệp có thể kỳ vọng vào giai đoạn tăng tốc của việc thực hiện nghị quyết 35
". Ảnh: Đức Phạm. |
- Năm ngoái, VCCI có đại diện doanh nghiệp đưa ra khá nhiều kiến nghị đến Thủ tướng và các bộ ngành. Đến nay thì các kiến nghị đó thực thi ra sao, đã cơ bản giải quyết tâm tự, nguyện vọng của doanh nghiệp chưa?
- Trong năm qua đã hơn 1.000 kiến nghị gửi qua các kênh tới Chính phủ. 70% các kiến nghị đã được giải quyết. 30% đang nghiên cứu hoặc cần trình cơ quan cao hơn.
Tôi cho rằng việc giải quyết như vậy là tích cực. Tuy nhiên quá trình tháo gỡ cần thực chất hơn, cần có sự linh hoạt hơn, căn bản nhất cần giải quyết sớm các kiến nghị về thể chế.
- VCCI cũng như các doanh nghiệp kỳ vọng gì vào cuộc gặp với Thủ tướng và các bộ ngành vào ngày mai? Các kiến nghị của doanh nghiệp năm nay tập trung vào bức xúc gì?
- Cộng đồng doanh nghiệp có thể kỳ vọng vào giai đoạn tăng tốc của việc thực hiện Nghị quyết 35. Tôi tôi đưa ra các kiến nghị để làm sao rút ngắn được chặng đường giữa nghị quyết và cuộc sống, giữa lời nói và việc làm. Tất cả các công chức phải đồng hành cùng Chính phủ trước khi đồng hành cùng doanh nghiệp.
Chúng tôi cũng có một số đề xuất vĩ mô, cố gắng thức đẩu tăng trưởng nhưng không dùng quá nhiều biện pháp hành chính. Chính quyền không can thiệp vào hoạt động kinh doanh, tránh gây ra hệ lụy, không phát triển bền vững.
Phát triển doanh nghiệp cần hướng theo chuẩn mực kinh tế thị trường, tránh hành chính hóa. Nhà nước không nên ồm đồm, cần đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công.
- Xin cảm ơn ông!