Lần đầu tiên Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội sáng nay, 5/12, với tham vọng giúp định hướng và hỗ trợ quá trình đổi mới tại Việt Nam.
“Việt Nam phải đẹp, phải hoàn hảo hơn”
Đến từ Washington D.C, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) ông Sudhir Shetty, ví việc cải cách và phát triển như “một cuộc thi hoa hậu” mà ở đó "Việt Nam phải đẹp nhất".
"Việt Nam phải hoàn hảo hơn, bằng sự liên tục cải cách, có năng lực cạnh tranh, hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư”, ông nói.
Ông đưa ra một số góp ý cho Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ nhất, Việt Nam cần giảm bớt mức độ dễ bị tổn thương trong ngắn hạn từ các tác động bên ngoài với nền kinh tế. Việt Nam luôn phải tăng cường tính sẵn sàng, bao gồm cả các giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa.
Toàn cảnh diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức. Ảnh: Việt Linh. |
Thứ hai, Việt Nam cần tiếp tục cải cách nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, trong đó có cải cách về chính sách thương mại và đầu tư.
Thứ ba, xây dựng kỹ năng cho người lao động, bao gồm các kỹ năng nhận thức bậc cao và kỹ năng số, thông qua mở rộng tiếp cận giáo dục sau phổ thông. Ông Sudhir Shetty cho rằng việc nâng cao kỹ năng là điều rất quan trọng, giúp nguồn nhân lực có tính cạnh tranh, thích ứng với sự thay đổi về nghề nghiệp và công nghệ trên thế giới mà Việt Nam cần đặc biệt quan tâm.
Thứ tư, ông đề nghị Việt Nam tăng cường tính bao trùm sự phát triển và cải cách đến mọi vùng miền, mọi tầng lớp trong xã hội. Đặc biệt ông nhấn mạnh việc mở rộng dịch vụ việc làm và tiếp cận công nghệ số.
Lựa chọn “3 trong 1” của Việt Nam khi thế giới thay đổi
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan thì đưa ra những góc nhìn về diễn biến địa chính trị, địa kinh tế trên thế giới trong thời gian gần đây. Ông lưu ý Chính phủ khi xây dựng kế hoạch phát triển từ nay đến 2030 cần phải quan tâm đến những diễn biến xấu, trong đó dự báo đến cuộc khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra.
Nhìn lại lịch sử, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan phân tích đã có những cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra theo chu kỳ thập niên. Ông dự báo nếu xảy ra khủng hoảng, khả năng cao nhất có thể xảy ra khủng hoảng về tiền tệ. Và cho dù xảy ra khủng hoảng kinh tế gì thì kinh tế toàn cầu và Việt Nam sẽ phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Do đó, Chính phủ cần rất chú ý trong công tác dự báo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói chuyện với Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh: Việt Linh. |
Nói về sự thay đổi tình hình thế giới, ông đưa ra nhiều nhận định về xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.
“Sau hội nghị G20, chúng ta lần đầu tiên thấy khái niệm “hoãn binh kinh tế”. Chắc chắn trong những năm tới, thế giới chứng kiến hiện tượng này phổ biến hơn, lúc căng, lúc dịu. Nó không chỉ liên quan kinh tế thương mại, mà còn chính trị, an ninh, cuộc cạnh tranh một vị thế mới trên thế giới, không dễ gì thay đổi”, ông nói.
Nguyên lãnh đạo Chính phủ dự báo rất có khả năng trật tự kinh tế giới cũ không mất hẳn, nhưng cục diện kinh tế mới cũng chưa thể thắng thế hoàn toàn. Ông cho rằng nó sẽ “trộn với nhau”, nghĩa là vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, vừa đơn phương, vừa đa phương, không biết ai thắng ai thua.
Trong bối cảnh đó, ông cho rằng Việt Nam đối diện cục diện lẫn lộn. Do đó chúng ta nên tiếp cận theo hướng “3 trong 1”, nghĩa là một sự việc có 3 việc cần làm.
Thứ nhất, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng cần giảm bớt độ chấn thương của nền kinh tế, gia tăng nội lực của đất nước, trong khi tích cực tranh thủ nguồn lực của thế giới.
Thứ hai cần tiếp tục cùng cộng đồng phấn đấu cho một thế giới tự do hóa thương mại là chủ yếu.
Thứ ba là cần thích nghi với thay đổi. Sự thay đổi là ngoài ý muốn của Việt Nam và các nước nên cần phải đề ra biện pháp thay đổi.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nhắc lại lịch sử loài người đã chứng kiến nhiều cuộc thay đổi trật tự thế giới, có nước mới ngoi lên, có nước cũ yếu đi. Việc va chạm có xảy ra chiến tranh, nhưng ông mong không xảy ra điều đó. Hiện tại thế giới đang chứng kiến sự cạnh tranh rất gay gắt, không kém gì chiến tranh lạnh. Việt Nam nằm ở khu vực rất nhạy cảm.
“Tôi cho rằng Việt Nam phải chọn một con đường, chúng ta không phải chọn đứng về ai, mà phải chọn đứng về lợi ích nào. Việt Nam nên chọn hòa bình, hợp tác, thông qua thương lượng để có hòa bình, hợp tác. Càng phải đa dạng hóa, đa phương hóa hơn nữa”, ông nói.
‘Mọi chính sách của Chính phủ phải hướng tới hạnh phúc của người dân’
Cũng tại sự kiện, Bộ KH&ĐT cũng lần đầu tiên công bố khung chính sách Việt Nam. Nội dung của khung chính sách nhằm ghi chép một cách ngắn gọn nhất định hướng chính sách của Việt Nam trong dài hạn, trung hạn, giúp các nhà đầu tư có thể biết rõ để tìm kiếm cơ hội đầu tư một cách rõ ràng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khung chính sách chỉ cụ thể hóa một cách ngắn gọn các mục tiêu trong dài hạn và trung hạn của Việt Nam, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về định hướng phát triển. Cụ thể, Việt Nam phấn đầu 2035 sẽ là nước có thu nhập trung bình cao, GDP bình quân đạt 10.000 USD.
Trong trung hạn, Việt Nam định hướng 5 động lực tăng trưởng gồm khu vực tư nhân phát triển; bộ máy chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; hạ tầng đồng bộ hiện đại; nhân lực và đổi mới sáng tạo; tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 và thể chế kinh tế thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Việt Linh. |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, thậm chí cả cách thức giao tiếp, thay đổi cả con người, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu lịch sử là phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ, căn bản để tiếp tục phát triển, đi lên.
“Nếu không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, chúng ta sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại. Đây là thời điểm “vàng” bởi chúng ta đang đứng trước những cơ hội quý. Thời gian và vận hội sẽ không chờ đợi chúng ta! Chúng ta không thể không nắm bắt lấy những cơ hội quan trọng này”, ông nói.
Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, thách thức, nhất là những vấn đề về giải quyết mối quan hệ giữa cải cách và phát triển, trong cả nhận thức và hành động; dự báo và ứng phó được với những tác động bất lợi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Phải phát hiện và tận dụng được những cơ hội do cuộc cách mạng này đem lại, nhất là trong các vực công nghệ; cải thiện cho được những chỉ số cấu thành năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam; huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là nguồn lực của khu vực tư nhân”, ông nói.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh “mọi chính sách của Chính phủ phải hướng tới hạnh phúc của người dân”, do đó Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách, đổi mới hơn nữa để tận dụng cơ hội phát triển cho người dân và đất nước.