Các cố vấn của ông Trump và tổng thống đắc cử Joe Biden đang cho rằng hai ông có thể không bao giờ gặp mặt trực tiếp, thậm chí trong ngày ông Biden nhậm chức.
“Trong điều kiện bình thường, việc đó thể hiện sự chuyển giao quyền lực hòa bình và thể hiện sự tôn trọng sâu sắc của chúng ta dành cho nền dân chủ”, ông John Podesta, chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bill Clinton, nói.
Ông Podesta là người trực tiếp đón tổng thống đắc cử George W. Bush tới Nhà Trắng năm 2000 để gặp ông Clinton.
Mặt khác, ông Podesta cũng cho rằng ông Biden sẽ chẳng đạt được gì từ việc gặp ông Trump. Tổng thống đương nhiệm vẫn chưa chấp nhận thất bại và liên tục phủ nhận kết quả bằng các thuyết âm mưu. "Như vậy thì gặp để làm gì”, ông Podesta nói.
Tổng thống Trump (trái) và ông Joe Biden trong cuộc tranh luận ngày 22/10 ở Nashville. Ảnh: AP. |
Sự trì hoãn dài nhất từ năm 1928
Cố vấn của ông Trump cũng không kỳ vọng nhiều về cuộc gặp này. Khi được hỏi ông Trump sẽ nói chuyện với ông Biden hay không, một người thân cận với tổng thống hỏi ngược lại: “Họ nói về cái gì đây?”.
Một số cố vấn của tổng thống còn sợ rằng việc mời ông Biden tới Nhà Trắng có thể bị coi là dấu hiệu ông Trump nhận thua. Đây là điều mà phe ông Trump sẽ không chấp nhận, nhất là khi ông đang cân nhắc tranh cử năm 2024.
Cũng bởi điều này mà ông Trump có thể không dự lễ nhậm chức vào đầu năm 2021.
Như vậy, sự trì hoãn việc gặp mặt Trump - Biden là lâu hơn so với bất kỳ cặp tổng thống đương nhiệm và tổng thống đắc cử nào kể từ năm 1928, theo Politico.
Khi ấy, người chiến thắng cuộc bầu cử - ông Herbert Hoover - có chuyến công du Trung Mỹ và Nam Mỹ, nên không thể gặp Tổng thống Calvin Coolidge, cho đến ngày 7/1/1929.
Các tổng thống gần đây gặp người kế nhiệm khá sớm ngay sau bầu cử. Ông Obama tiếp ông Trump tại Nhà Trắng hai ngày sau cuộc bầu cử 2016. George W. Bush dẫn ông Obama vào Phòng Bầu dục chưa đầy một tuần sau bầu cử năm 2008.
Nhưng các cuộc gặp như vậy không phải lúc nào cũng dễ dàng.
“Tổng thống Carter không thoải mái trong cuộc gặp ông Reagan. Đến nỗi ông chuyển chủ đề và hỏi những câu không mấy liên quan đến những gì họ đang nói”, Jody Powell, cựu thư ký báo chí của ông Jimmy Carter, nói với New York Times năm 2008.
Dù vậy, các cuộc gặp là dịp để tổng thống sắp mãn nhiệm cảnh báo ông chủ Nhà Trắng tương lai về các mối đe dọa sẽ gặp phải khi lên nắm quyền - dù là nhân sự hay đối ngoại.
“Tôi nghĩ ông sẽ thấy đe dọa lớn nhất của mình là bin Laden và al Qaeda”, ông Clinton tiết lộ về cuộc nói chuyện với ông Bush khi đang trả lời ủy ban điều tra về vụ khủng bố 11/9.
“Một trong những điều tiếc nuối nhất trong nhiệm kỳ của tôi là tôi không trị được bin Laden”, ông Clinton nói thêm.
Trả lời ủy ban này, ông Bush khẳng định ông Clinton đề cập mối đe dọa khủng bố, nhưng không nhớ là đã trao đổi về al Qaeda.
Trong khi đó, khi gặp ông Trump năm 2016, ông Obama cảnh báo không nên bổ nhiệm Michael Flynn làm cố vấn an ninh quốc gia, vì chính ông Obama sa thải Flynn khỏi vị trí đứng đầu Cơ quan Tình báo Quân đội.
Ông Trump không nghe theo, để rồi phải tự sa thải ông Flynn chỉ vài tuần sau.
Ông Obama cũng nói với ông Trump rằng Triều Tiên sẽ là vấn đề an ninh quốc gia hàng đầu trong nhiệm kỳ.
Tổng thống Obama (phải) tiếp ông Trump tại Phòng Bầu dục ngày 10/11/2016. Ảnh: AP. |
Thể hiện thiện chí cho quá trình chuyển giao
Ngoài ra, các cuộc gặp ở Nhà Trắng cũng là để thể hiện thiện chí cho việc chuyển giao giữa hai chính quyền. Khi ông Clinton tới Nhà Trắng gặp ông Bush (cha) sau bầu cử năm 1992, các cố vấn cao cấp của hai ông cũng vào họp chung với nhau.
“Nếu nghe thấy ai đó trong chính quyền gây khó dễ, cứ gọi cho tôi”, Bộ trưởng Giao thông Andy Card, người phụ trách quá trình chuyển giao bên phía ông Bush, nói với các cố vấn của ông Clinton.
Trả lời Politico, ông Card nói sẽ tốt cho thế giới nếu ông Trump và ông Biden gặp nhau. “Tôi không biết họ sẽ nói chuyện gì, nhưng tính biểu tượng của cuộc gặp là quan trọng”.
Nhưng chính quyền Trump dường như không hề tạo điều kiện cho quá trình chuyển giao, theo Politico.
Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp, người do ông Trump bổ nhiệm, không vội công nhận chiến thắng của ông Biden. Mãi đến tuần thứ 3 hậu bầu cử, quá trình chuyển giao mới được kích hoạt.
Yohannes Abraham, một quan chức cao cấp phụ trách chuyển giao của ông Biden, nói với báo chí ngày 18/12 rằng đội ngũ của ông Biden gặp phải “một vài sự chống đối” trong quá trình làm việc.
Hiện các cố vấn của hai bên vẫn trao đổi với nhau, dù sếp cao nhất của họ không nói với nhau một lời. Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows nói chuyện nhiều lần với chánh văn phòng của ông Biden, Ron Klein.
Trả lời CNN tháng trước, ông Biden nói việc ông Trump tới dự lễ nhậm chức sẽ có ý nghĩa biểu tượng. Điều đó thể hiện rằng dù qua nhiều hỗn loạn, sự chuyển giao quyền lực hòa bình cuối cùng vẫn diễn ra. Các đảng đối lập nhau vẫn có thể bắt tay và tiếp tục công việc.
“Nhưng đó hoàn toàn là quyết định của ông ta, về cá nhân thì không ảnh hưởng tới tôi một chút nào”, ông Biden nói thêm.