Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Trump ra lệnh rời Trung Quốc, các công ty Mỹ tiến thoái lưỡng nan

Cuối tuần trước, Tổng thống Donald Trump ra lệnh cho các công ty Mỹ phải rút khỏi thị trường Trung Quốc. Đây là một thách thức lớn đối với hàng loạt tập đoàn Mỹ.

Theo báo New York Times, việc ông Trump có quyền ra lệnh cho các công ty tư nhân rút khỏi Trung Quốc hay không là vấn đề sẽ được các nhà lập pháp và luật sư ở Washington đánh giá. Còn với các doanh nghiệp Mỹ, việc rời khỏi thị trường Trung Quốc sẽ là một quyết định đầy rủi ro và bất trắc. 

Xét về lâu dài, chuỗi cung ứng toàn cầu đã có sự dịch chuyển. Chiến tranh thương mại leo thang, gánh nặng thuế ngày càng lớn đã buộc rất nhiều công ty Mỹ tính toán lại việc hợp tác với Trung Quốc. Nhưng thị trường tiêu thụ rộng lớn của Trung Quốc khiến các doanh nghiệp rất khó từ bỏ hoàn toàn quốc gia này. 

"Nhiều công ty đang chuyển hướng đầu tư, chủ yếu vì tình trạng bất ổn do chiến tranh thương mại gây ra. Nhưng tôi không nghĩ rằng họ có ý định từ bỏ thị trường Trung Quốc”, New York Times dẫn lời ông Ker Gibbs - Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải - nhận định.

Chien tranh thuong mai My - Trung anh 1
Tổng thống Donald Trump ra lệnh cho các doanh nghiệp Mỹ rời Trung Quốc. Ảnh: Getty. 

Trung Quốc sản xuất 25% hàng hóa toàn cầu

Đã từ nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc là "công xưởng của thế giới". Các nhà máy ở Trung Quốc sản xuất ra iPhone, iPad, máy chơi game, phụ tùng ôtô, nam châm công nghiệp, nhựa, hóa chất, quần áo…. và các hàng hóa thiết yếu khác.

Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới nhà máy quy mô nhỏ cung ứng thiết bị, phụ tùng, linh kiện... cho các nhà máy lớn hơn. Lực lượng lao động của Trung Quốc lên đến hàng trăm triệu người.

Nước này có hệ thống tàu cao tốc, đường cao tốc và cảng biển đủ phát triển để vận chuyển hàng hóa tới khắp nơi trên thế giới. Hiện tại, Trung Quốc sản xuất tới 25% tổng hàng hóa toàn cầu. Việc thay thế Trung Quốc không phải là điều dễ dàng.

Thêm vào đó, Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ dân còn có một thị trường tiêu thụ rộng lớn và đang tăng trưởng nhanh. Theo một số thống kê, hiện số lượng người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc lớn hơn ở Mỹ. 

Chien tranh thuong mai My - Trung anh 2
Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới. Ảnh: Getty Images

Với số lượng người tiêu dùng lớn như vậy, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong doanh số toàn cầu của điện thoại iPhone, giày Nike, cà phê Starbucks, ôtô Chevrolets và Fords.

Người Trung Quốc bắt đầu dư dả tiền bạc, đi du lịch nhiều hơn, đẩy nhu cầu máy bay Boeing tăng cao. Thêm vào đó, người tiêu dùng Trung Quốc đang này càng ưa chuộng các sản phẩm nông nghiệp Mỹ như thịt bò và thịt heo.  

Quá trình dịch chuyển gian nan

Nhiều tập đoàn lớn đã bắt đầu di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế trừng phạt lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa "Made in China".

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Mỹ thừa nhận những thay đổi trong cơ cấu kinh tế Mỹ - Trung đang diễn ra quá nhanh, khiến họ không kịp thích nghi. "Các doanh nghiệp bị sốc và bối rối, họ không biết phải làm gì", New York Times dẫn lời Rufus Yerxa, Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Quốc gia (Mỹ), mô tả. 

Các công ty như GoPro và Hasbro đã công khai việc lập nhà máy sản xuất tại các quốc gia khác ngoài Trung Quốc. Nhưng không chỉ có các doanh nghiệp Mỹ "tháo chạy".

Danfoss của Đan Mạch chuyển dây chuyền sản xuất thiết bị sưởi ấm và điều hòa không khí sang Mỹ để tránh thuế trừng phạt, vừa giảm được chi phí vận chuyển và hạn chế khí thải.

Chien tranh thuong mai My - Trung anh 3
Hãng xe Ford phải cắt giảm hoạt động ở Trung Quốc do nền kinh tế nước này hạ nhiệt. Ảnh: Reuters

Số khác cắt giảm hoạt động tại Trung Quốc khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hạ nhiệt. Ví dụ, hãng xe Ford chứng kiến doanh thu tại Trung Quốc lao dốc, do đó quyết định cắt giảm hàng nghìn việc làm tại nước này.

Các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như sản xuất giày, đồ chơi và hàng may mặc đã chuyển hướng sang Đông Nam Á, Ấn Độ và Bangladesh do tiền lương của công nhân Trung Quốc tăng tới 8 lần trong 15 năm qua.

Nhưng các lĩnh vực khác, đặc biệt là hàng điện tử, đối mặt với nhiều khó khăn khi chia tay với Trung Quốc. Quốc gia này có thế mạnh sản xuất nhiều loại linh kiện, số lượng công ty sản xuất linh kiện rất lớn. 

Trở về Mỹ?

Tổng thống Trump liên tục kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ hồi hương, nhưng đây là điều cực khó xảy ra. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang rất thấp, do đó các nhà máy rất khó tuyển dụng được số lượng công nhân lớn. Tại Trung Quốc, công nhân sẵn sàng làm ca đêm triền miên để đảm bảo nhà máy hoạt động 24/24. 

Công nhân Trung Quốc cũng chấp nhận sống trong ký túc xá nhà máy hàng năm trời. Tại một quốc gia phát triển như Mỹ, công nhân chắc chắn không chấp nhận điều kiện làm việc ngặt nghèo đó. Mức lương tối thiểu của công nhân Mỹ cũng vượt xa Trung Quốc.

Ngoài ra, rất khó tìm các doanh nghiệp Mỹ chuyên sản xuất linh kiện cỡ nhỏ nhưng cần thiết cho hệ thống sản xuất lớn. Apple từng thử sản xuất một số lượng nhỏ máy tính cao cấp ở Austin, Texas và không tìm được một nhà cung cấp ốc vít phù hợp. 

Cuối cùng, Apple phải mua hàng từ một doanh nghiệp nhỏ. Công ty này phải thực hiện 22 chuyến vận chuyển để giao 29.000 ốc vít. 

 

Washington Post: 'Ông Trump và châu Âu cần hợp tác chống Trung Quốc'

Theo tờ nhật báo hàng đầu nước Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump và châu Âu cần đứng chung chiến tuyến để chống lại những chính sách kinh tế tiêu cực của Trung Quốc.


An Chi

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm